Trong bối cảnh cuộc xung đột với Nga chưa có hồi kết, Ukraine đang từng bước giảm phụ thuộc vào nguồn cung vũ khí từ bên ngoài bằng cách đẩy mạnh năng lực sản xuất quốc phòng nội địa.
Những nhà lãnh đạo của Ukraine và Âu Châu tin rằng một Ukraine được vũ trang đầy đủ sẽ là sự bảo đảm an ninh tốt nhất cho Ukraine trong tình hình hiện tại. Ngoài tăng cường cung cấp vũ khí hiện đại cho Ukraine, Âu Châu nhận định việc gia tăng sức mạnh cho ngành công nghiệp quốc phòng của Ukraine sẽ là một giải pháp hiệu quả và tiết kiệm chi phí nhất. Thực tế là Ukraine từng là trung tâm sản xuất vũ khí lớn thời Liên Xô còn tồn tại. Dù lâm suy thoái sau khi Liên Xô sụp đổ, ngành công nghiệp quốc phòng của Ukraine đã hồi phục mạnh mẽ sau khi Moscow tiến hành xâm lược Ukraine vào năm 2022.
Hiện Kyiv đặt mục tiêu sản xuất 5 triệu UAV. Kế hoạch sản xuất của họ còn bao gồm tên lửa hành trình Long Neptune, loại tên lửa từng đánh chìm soái hạm Moskva của Nga ở Hắc Hải. Ngoài ra năng lực tác chiến điện tử được đánh giá cao trong việc vô hiệu hóa hệ thống dẫn đường của những loại bom lượn của Nga. Tính đến cuối năm 2024, Ukraine đã phát triển tổng cộng 324 loại vũ khí mới.
Mới đây Kyiv thông báo Ukraine đang tự phát triển một hệ thống phòng không có khả năng bắn hạ tên lửa đạn đạo, nhằm giảm sự phụ thuộc vào hệ thống phòng không do Phương Tây cung cấp, đặc biệt là Mỹ vốn là nước cung cấp viện trợ quân sự cho Ukraine nhiều nhất từ khi chiến sự nổ ra. Vấn đề là nguồn quân viện từ Mỹ đã rơi vào tình trạng không chắc chắn từ khi ông Donald Trump trở thành tổng thống thứ 47 của nước Mỹ. Trong khi kêu gọi Âu Châu gia tăng chi tiêu quốc phòng, ông Trump xem việc bảo đảm an ninh cho Ukraine phải là trách nhiệm của Âu Châu. Ông Trump tự coi nước Mỹ là trung lập trong cuộc chiến và rằng xung đột xảy ra là do sự cố chấp của Ukraine cũng như của Âu Châu. Trước sau Trump luôn cho rằng nếu ông làm tổng thống chứ không phải Biden thì chiến tranh đã không xảy ra.
Có thể nói trước việc Washington thể hiện là một đồng minh không chắc chắn với nguồn quân viện không chắc chắn, Ukraine hoàn toàn đúng khi nỗ lực xây dựng một nền công nghiệp quốc phòng tự lực, tự cường. Sự hỗ trợ của Âu Châu sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc củng cố năng lực quốc phòng của Ukraine.
Một điều nữa là với Âu Châu, hỗ trợ ngành công nghiệp quốc phòng của Ukraine cũng chính là hỗ trợ chính họ, khi mà trong thời gian gần đây, Âu Châu tỏ ra không còn mặn mà với vũ khí của Mỹ mà muốn chuyển sang sử dụng vũ khí do chính Âu Châu sản xuất. Sẽ là điều tuyệt với nếu các ông lớn của Âu Châu như Anh, Đức, Pháp… hợp tác với Ukraine trong ngành công nghiệp quốc phòng. Với sự thông minh của người Ukraine, nhiều người tin rằng nước này sẽ nằm trong danh sách những nhà sản xuất vũ khí lớn nhất thế giới. Một cách tự tin, Cố vấn của Tổng Thống Zelensky là ông Oleksandr Kamyshin nói: “Sau khi Ukraine giành chiến thắng, tôi tin tưởng Ukraine sẽ xuất khẩu vũ khí ra toàn thế giới.”
Washington hiện lo ngại Âu Châu sẽ từ bỏ mua vũ khí do Mỹ sản xuất nên động thái này của Âu Châu sẽ là cách buộc Washington phải gắn bó hơn với Âu Châu thay vì tỏ ra xem thường, cũng như với việc gia tăng hỗ trợ Ukraine trong cuộc chiến của nước Đông Âu này chống lại xâm lược Nga, dù Ukraine chưa là thành viên của EU hay NATO.
Bất kỳ ai là chủ nhân Tòa Bạch Ốc đều phải hiểu rằng Âu Châu mãi mãi là bạn của nước Mỹ, chứ không phải Nga. Và rằng việc Washington không ngừng hỗ trợ Ukraine là điều Âu Châu mong muốn hiện nay. Dù chủ trương “Nước Mỹ Trên Hết,” ông Trump cần luôn nhớ rằng số phận của nước Mỹ gắn liền với Âu Châu, trong có Ukraine. Không bao giờ có chuyện Âu Châu cần Mỹ chứ Mỹ không cần Âu Châu. Có thể xem đây là một định luật cho sự đi lên của nước Mỹ.