Khoai tây tăng giá kỷ lục ở Nga.
Đây là loại thực phẩm được sử dụng nhiều nhất ở Nga, tăng giá gấp đôi trong năm qua do biến động thời tiết và đặc biệt do hậu quả cấm vận từ Phương Tây. Giá phân bón tăng gấp đôi vì gián đoạn chuỗi cung ứng do cấm vận, trong khi giá nhiên liệu tăng 30% đẩy phí vận chuyển và bảo quản khoai tây tăng cao. Một tấn phân bón giờ có giá 50 ngàn rouble, gấp 3 lần năm 2022. Nếu không tăng giá bán thì nông dân sẽ lỗ. 75% người Nga xem khoai tây là thực phẩm không thể thiếu trong chế độ ăn hàng ngày.
Putin luôn mồm nói kinh tế Nga đứng vững trước cấm vận của Phương Tây nhưng lại không lo được củ khoai tây cho dân, thì là vững kiểu gì? Đồng rouble liên tục mất giá, thu nhập giảm mà giá cả thì tăng, rõ là dân Nga đang thấm đòn cấm vận chứ còn gì nữa.
Giá khoai tây hiện tăng cao ở các thành phố lớn của Nga, khoảng 130 rouble một ký, tăng gần 100% so với năm 2024. Tại khu vực nông thôn, giá khoai tây còn cao hơn do chi phí vận chuyển tăng. Trước đây, 200 rouble mua được 5 kg khoai tây. Giờ với số tiền đó chỉ mua được 1.5 kg.
Chẳng mấy ai tin cái luận điệu “nước Nga đững vững trước cấm vận của Phương Tây” của Putin. Chỉ nhìn mấy củ khoai tây là đủ biết, anh Pu khó mà chối được. Trong khi các nước trên thế giới đặt mục tiêu tăng trưởng thì với Moscow là cố làm sao tồn tại. Nền kinh tế Nga hiện nay thực chất chỉ là lấy dầu để đổi lấy những sản phẩm từ Trung Quốc, chứ không hề có sự thay thế đặc biệt nào trong sản xuất khi các tập đoàn Phương Tây rút đi.
Xem ra Trung Quốc là bên hưởng lợi nhất từ cuộc xung đột như mua dầu giá rẻ tới thay thế hàng hóa Phương Tây trong nền kinh tế Nga. Việc Trung Quốc gần đây ký một loạt thỏa thuận thương mại với Nga là minh chứng cho sự hợp tác ngày càng khắng khít giữa Moscow và Bắc Kinh. Điều này cũng cho thấy Nga đang ở vào “cửa dưới” trong quan hệ với Trung Quốc. Việc các công ty Phương Tây rời khỏi Nga cùng hàng ngàn lệnh trừng phạt áp đặt lên nước Nga buộc Moscow phải ra sức củng cố quan hệ với Bắc Kinh nhằm giữ vững nền kinh tế Nga. Cái gọi là “đứng vững” của Putin là như thế.
Và vì là “cửa dưới,” Nga phải chấp nhận các điều kiện của “cửa trên” Trung Quốc, trong đó chấp nhận đồng nhân dân tệ để thay thế đô la Mỹ, điều Nga không đời nào chịu nếu như không bị Phương Tây cô lập như hiện nay. Khi nói “Quan hệ Nga-Trung đã phát triển lên một tầm cao mới chưa từng có,” ông Putin lại khiến người ta hiểu rằng sự lệ thuộc của Nga vào Trung Quốc là lớn chưa từng có. Và rằng cái gọi là “quan hệ đối tác không giới hạn với Trung Quốc” mà Putin từng tuyên bố thời trước chiến tranh giờ lại có thể được hiểu rằng kinh tế Nga đang lệ thuộc vào kinh tế Trung Quốc một cách không giới hạn.
Nói thẳng ra, không có Trung Quốc thì kinh tế Nga đã sụm từ lâu. Và rằng với việc hỗ trợ kinh tế Nga, từ hàng hóa tới mua dầu giá rẻ, Trung Quốc đã và đang hà hơi tiếp sức cho cuộc xâm lược của Nga ở Ukraine. Trung Quốc không hề trung lập như họ luôn rêu rao. Chỉ là Bắc Kinh chưa vượt qua “lằn ranh đỏ” trong chuyển giao vũ khí cho Nga mà thôi.
Có lẽ không hề sai nếu nói rằng nền kinh tế Nga đang thở bằng lá phổi của kinh tế Trung Quốc. Một chuyên gia về kinh tế Nga có lý khi nói: “Khi xung đột kéo dài và kinh tế Nga tiếp tục bị xói mòn bởi các lệnh cấm vận, Trung Quốc có thể trở thành một đối tác còn rắn hơn Âu Châu ở một số lĩnh vực.”
Khi tay bắt mặt mừng Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ở Moscow, ông Putin không phải không biết ông Tập có giấu một con dao ở sau lưng!