Iran được cho là đang chạy đua tìm giải pháp ngoại giao vì lo Israel sẽ trả đũa khốc liệt cho vụ phóng hàng trăm tên lửa vào lãnh thổ Israel tối 1 Tháng Mười.
Điều này khiến nhiều người cười mỉa Iran. Bởi đã sợ thì sao còn gây với Israel. Hay là gây rồi mới toát mồ hôi hột khi nghe Israel tuyên bố sẽ giáng đòn “chết chóc, chính xác và bất ngờ” tới mức Iran “không hiểu chuyện gì đã xảy ra.”
Điều đầu tiên Iran có thể làm là gấp rút thực hiện những nỗ lực ngoại giao với các nước trong khu vực với hy vọng các nước này giúp bảo vệ Iran. Chuyến thăm mới đây tới Saudi Arabia của Ngoại Trưởng Iran là ông Abbas Aragchi hẳn không phải là chuyến nghỉ mát xả hơi mà là nhằm nhờ cậy Saudi Arabia, bằng ảnh hưởng của mình, lên tiếng đề nghị Israel không trả đũa mạnh tay với Iran, cũng như đề nghị Mỹ kiềm chế Israel.
Sẽ không dễ cho Saudi Arabia thực hiện điều Iran nhờ cậy, bởi đây không phải là quốc gia có nhiều ảnh hưởng với Israel như Mỹ. Saudi Arabia thậm chí còn chưa thiết lập ngoại giao với Israel. Quan hệ giữa hai nước này hiện khá tốt đẹp và đang tiến gần tới việc thiết lập quan hệ ngoại giao. Nếu điều này xảy ra sẽ mang tính bước ngoặt trong lịch sử. Song điều đó không có nghĩa là Saudi Arabia sẽ đem việc lập quan hệ ngoại giao ra để yêu cầu Israel không trả đũa Iran. Bởi đây là mối quan hệ song phương đôi bên cùng có lợi, chứ không phải là ơn huệ mà Saudi Arabia ban cho Israel. Thậm chí Saudi Arabia từng bày tỏ lo ngại về khả năng sở hữu vũ khí hạt nhân của Iran. Biết đâu chính quốc gia này sẽ vỗ tay hoan nghênh nếu Israel xóa sổ các cơ sở hạt nhân của Iran.
Về phần mình, Mỹ cũng chưa chắc thuyết phục được Israel. Bởi Israel là đồng minh chứ không phải là tay sai của Mỹ, để Mỹ bảo thế nào thì Israel làm thế ấy. Điều này thì ai cũng rõ rồi.
Còn nếu Iran hy vọng các nước trong khu vực giúp bảo vệ mình trong trường hợp Iran bị Israel tấn công, thì chẳng đi tới đâu. Bởi các nước đó hẳn đều không muốn bị vướng vào bất kỳ xung đột nào với Israel. Vả chăng các nước đó có thù oán gì với Israel đâu. Ai bảo Iran cứ thích gây thù gây oán với Israel rồi rước khổ vào thân. Nhẽ ra Iran phải hỏi ý các nước trong khu vực trước khi phóng tên lửa vào Israel. Đằng này Iran cứ phóng cho sướng tay rồi mới cuống cuồng nhờ vả nước này, nước nọ thì đã muộn.
Iran cũng không thể nhờ các đàn em như Hamas hay Hezbollah hỗ trợ khi mà các lực lượng này đang bị Israel đập cho tơi tả. Thậm chí chính những đàn em này còn đang mong được Iran ra tay giúp đỡ cho qua cơn bĩ cực. Việc Hezbollah lên tiếng muốn ngừng bắn vô điều kiện với Israel cho thấy Hezbollah thực sự đang lâm cảnh ngặt nghèo. Sự tồn tại của Hamas hay Hezbollah đang là một dấu hỏi lớn khi mà quân đội Israel tỏ quyết tâm đập tan các lực lượng đàn em này của Iran.
Mặt khác, lời hăm he của Iran rằng bất kỳ nước nào hỗ trợ Israel sẽ bị Iran coi là gây hấn xem ra chẳng làm ai sợ, bởi Iran đối đầu với Israel còn chẳng xong thì đánh được ai mà đòi hăm he. Còn nếu Iran trông mong Nga hỗ trợ quân sự thì cũng là điều hão huyền. Bởi Nga hẳn không muốn dính vào bất kỳ cuộc chiến nào với Israel. Mà Nga có muốn cũng chẳng được khi mà họ đang sa lầy ở Ukraine.
Rốt cuộc, Mỹ, Iran hay nhiều nước khác đều không muốn xảy ra một cuộc chiến toàn diện giữa Iran và Israel. Song trước tình hình căng thẳng như hiện nay, xem ra rất khó ngăn chặn một cuộc chiến như thế. Giờ đây, có lẽ Iran đang ước ao giá mà họ không phóng quả rocket nào vào Israel tối 1 Tháng Mười. Nhưng sự đã rồi, biết làm sao được.
Dám chơi thì phải dám chịu. Iran nên sẵn sàng cho xung đột với Israel và cầu Allah phù hộ. Lỡ chơi dại thì phải chấp nhận hậu quả, vậy thôi!