1.
Nga nói sẽ đưa vụ ám sát tướng Kirilov ra Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc.
Phó đại diện thường trực thứ nhất của Nga tại Liên Hiệp Quốc là Dmitry Polyansky nói Nga sẽ nêu vấn đề vụ “tấn công khủng bố” nhằm vào tướng Kirilov tại cuộc họp sắp tới của Hội Đồng Bảo An.
Ông Polyansky cho rằng những kẻ gây ra vụ này phải bị “cộng đồng quốc tế” lên án mạnh mẽ. Nhiều người thắc mắc cụm từ “cộng đồng quốc tế” mà ông Polyansky sử dụng bao gồm những ai khi mà ngay cả những nước tương đối có cảm tình với Nga như Trung Quốc, Ấn Độ còn chưa hề lên tiếng gì về vụ này. Còn Phương Tây không có lý do gì để phản đối vụ giết tướng Kirilov, kẻ đã gây nhiều nợ máu với Ukraine. Nếu Phương Tây phản đối thì chính là phản đối cuộc xâm lược của Nga vào Ukraine như họ đã và đang phản đối cuộc xâm lược này. Hay là cái “cộng đồng quốc tế” mà ông Polyansky nói tới chính là Bắc Hàn? Nếu vậy thì càng khiến người ta buồn cười, bởi Bắc Hàn là nước đang bị thế giới lên án vì chương trình hạt nhân của họ. Kẻ đang bị lên án thì lấy tư cách gì mà đòi lên án người khác?
Trong khi đó, đại diện của tổng thư ký Liên Hiệp Quốc là Stephane Dujarric cho hay Liên Hiệp Quốc không lên án vụ tấn công này mà chỉ kêu gọi các bên cùng kiềm chế.
Ông Polyansky cho biết cuộc họp của Hội Đồng Bảo An cũng sẽ bàn về vấn đề cung cấp vũ khí của Phương Tây cho Ukraine và tác động của việc này đối với triển vọng giải quyết cuộc khủng hoảng ở Ukraine. Phải nói rằng ông Polyansky không sai nếu nhận định rằng việc Phương Tây viện trợ quân sự cho Ukraine khiến chiến tranh kéo dài. Nhưng ông Polyansky sẽ còn đúng hơn nữa nếu nói rằng chính cuộc xâm lược của Nga vào Ukraine đã khiến Phương Tây cung cấp vũ khí cho Ukraine. Vì thế để hợp lý, cuộc họp của Hội Đồng Bảo An nên bàn đủ về cả hai vấn đề. Còn chỉ bàn một vấn đề theo ý ông Polyansky thì sẽ không đi tới đâu, nói thẳng ra là vớ vẩn.
Vớ vẩn như chính con người của ông Polyansky và những Putin, Medvedev…
2.
Bộ Ngoại Giao Nga hôm 17 Tháng Mười Hai tuyên bố “Con đường dẫn tới bình thường hóa tình hình ở Syria tùy thuộc vào việc khởi động một cuộc đối thoại toàn diện giữa các phe phái trong nước, nhằm đạt được sự hòa hợp hòa giải dân tộc,” và nhấn mạnh: “Tương lai của Syria do chính người Syria quyết định.”
Phải nói rằng tuyên bố này của Bộ Ngoại Giao Nga là hoàn toàn đúng đắn, không ai có thể phản bác. Người ta chỉ tiếc rằng 10 năm trước, nếu Nga không can thiệp quân sự thô bạo vào Syria và để các phe phái ở nước này đối thoại toàn diện với nhau nhằm hướng tới một cuộc tổng tuyển cử theo tinh thần Nghị quyết 2254 của Liên Hiệp Quốc thì Syria đã không lâm vào cảnh chinh chiến đau thương. Cho nên khi nói “tương lai của Syria do chính người Syria quyết định,” Nga khác nào đã tự vả vào mặt mình.
Và câu “tương lai của Syria do chính người Syria quyết định” tưởng chừng rất đúng bài bản nhưng hóa ra lại cho thấy sự cay cú của Nga khi bị chính quyền mới của Syria chính thức khước từ mong muốn của Nga được duy trì sự hiện diện của mình tại các căn cứ không quân Hmeimim ở gần thành phố cảng Latakia và căn cứ hải quân Tartus ở phía đông Địa Trung Hải. Hai căn cứ này được xem là những tiền đồn quân sự có tính chiến lược của Nga tại Trung Đông.
Nói Nga cay cú là vì trong khi chính quyền mới của Syria đang do dự trước mong muốn đó của Nga và có thể sẽ chấp thuận việc Nga được tiếp tục duy trì sự hiện diện quân sự ở hai căn cứ trên, thì EU lại đặt ra điều kiện hợp tác với chính quyền này là phải loại bỏ các căn cứ Nga. Tưởng sắp được ăn mà bị hất đi thì làm gì không cay!
Nhưng có cay thế nào đi nữa, Nga cần phải nhận ra một điều rằng thời của họ ở Syria đã qua như chính cái chế độ Assad. Thà câm cái mồm cho yên chuyện. Còn cố nói thì chỉ càng thêm đau và chỉ làm trò cười cho thiên hạ.