Đường đi của sói

Ông Rafael Grossi. (Hình: Facebook “Rafael Grossi”)

Tehran ban hành lệnh cấm nhập cảnh đối với tổng giám đốc Cơ Quan Năng Lượng Nguyên Tử Quốc Tế  (IAEA), ông Rafael Grossi.

Tehran cũng sẽ không cho phép IAEA lắp đặt camera giám sát tại các cơ sở hạt nhân của Iran. Trước đó Quốc Hội Iran thông qua luật đình chỉ hợp tác với IAEA. Tehran cũng từ chối yêu cầu của IAEA về việc tới thăm các địa điểm hạt nhân bị hư hại, trong có địa điểm chính là Fordow, cáo buộc cơ quan thuộc Liên Hiệp Quốc này bóp méo sự thật trong một báo cáo gần đây, qua đó biện minh cho các cuộc không kích của Mỹ và Israel chống lại nhà nước Cộng Hòa Hồi Giáo.

Từ những động thái này của Tehran đối với IAEA, người ta có thể tin rằng Tehran không hề có ý từ bỏ chương trình hạt nhân gây tranh cãi của họ. Hoàn toàn có thể tin lời ông Grossi khi ông cho rằng Iran có khả năng sẽ bắt đầu sản xuất uranium làm giàu trong vài tháng nữa.

Khó mà tin việc Tehran làm giàu uranium là nhằm mục đích dân sự như họ tuyên bố. Ai cũng tin mục đích thực của Tehran trong việc làm giàu uranium là để chế tạo bom nguyên tử. Câu hỏi đặt ra là liệu Tehran đã tẩu tán hay chưa toàn bộ kho uranium làm giàu cao của họ, theo ước tính là khoảng 400kg, trước khi Mỹ ném bom? Theo các chuyên gia, 400kg uranium này đủ để chế tạo ít nhất 9 quả bom hạt nhân.

Tehran nói mức độ thiệt hại của các địa điểm hạt nhân vì chiến dịch Búa Giữa Đêm của Mỹ là nghiêm trọng. Song có thể đây chỉ là cách nói nhằm cho Mỹ tin rằng chương trình hạt nhân của Iran đã bị làm chậm lại vài thập niên. Tổng Thống Donald Trump nói ông nghĩ rằng kho dự trữ uranium của Iran chưa được di chuyển vì ông cho rằng chuyện đó rất khó thực hiện. Nhưng “rất khó thực hiện” đâu có nghĩa là không thể thực hiện. Cho nên cần phải đặt dấu hỏi về cái gọi là “sự thành công” của chiến dịch Búa Giữa Đêm mà Washington rêu rao. Có lẽ không phải tự nhiên mà trong khi Washington và Tel Aviv cho rằng họ đã chiến thắng trong cuộc xung đột kéo dài 12 ngày với Tehran, thì giáo chủ Ali Khamenei cũng vỗ ngực rằng Iran mới là bên chiến thắng.

Nhiều người tin ông Trump đã đúng khi tuyên bố dừng các kế hoạch nới lỏng lệnh trừng phạt đối với Iran. Ông chỉ trích gay gắt giới lãnh đạo Cộng Hòa Hồi Giáo này vì huênh hoang chiến thắng trong cuộc xung đột 12 ngày mặc cho nhiều chỉ huy cấp cao đã bị giết chết.

Ông Trump tuyên bố Mỹ chắc chắn sẽ ném bom Iran một lần nữa nếu phát hiện Tehran có thể làm giàu uranium ở cấp độ quân sự. Vấn đề là ngay cả khi Washington còn tung đòn không kích vào Iran lần nữa với mức độ dữ dội như chiến dịch Búa Giữa Đêm, thì vẫn không chắc là có thể triệt hạ được hoàn toàn chương trình hạt nhân của Iran. Cho nên không loại trừ là song song với những đòn không kích tiếp theo, Mỹ và cả Israel sẽ phải ra sức hỗ trợ mạnh mẽ phong trào đối lập ở Iran để họ có thể tiến hành các cuộc nổi dậy qui mô lớn nhằm lật đổ chế độ thần quyền. Bởi ngày nào cái chế độ này còn tồn tại thì ngày đó mối đe dọa hạt nhân từ Iran vẫn còn tồn tại.

Rốt cuộc, để thoát khỏi bóng ma hạt nhân Iran, Washington và Israel phải làm mọi cách để Iran không sở hữu được vũ khí hạt nhân. Vì sẽ là quá muộn một khi Tehran đã chế tạo được thứ vũ khí này. Cho nên chỉ không kích Iran thì không đủ, còn phải tiến hành lật đổ chế độ thần quyền. Chỉ như thế Mỹ và Israel mới có thể đạt được mục đích tối hậu của mình.

Từ tất cả những động thái mới đây của Tehran nhằm vào IAEA, có thể tin rằng Tehran vẫn tiếp tục theo đuổi việc chế tạo vũ khí hạt nhân và không hề nghiêm túc trước yêu cầu từ bỏ chương trình hạt nhân của IAEA cũng như của Phương Tây.

Với những nhà lãnh đạo của Iran hiện thời, sự tồn tại của chế độ quan trọng hơn tất cả. Giống như Bắc Hàn, Iran có thể cho rằng chỉ vũ khí hạt nhân mới đủ sức răn đe và bảo đảm sự tồn tại của chế độ.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo