1.
Theo đài CBS, dù rất muốn bà Harris sẽ là người thắng cử, nhưng Tổng Thống Biden vẫn “chạnh lòng” vì các thành tựu của mình không còn được nhắc tới.
Chẳng hạn như trong cuộc tranh luận giữa bà Harris với ông Trump, bà Harris nói rằng bà không giống ông Biden hay ông Trump, mà là người đại diện cho một thế hệ lãnh đạo mới.
Thiết nghĩ, bà Harris có lý khi nói như thế. Bà là phụ nữ, còn các ông Biden và Trump là đàn ông thì làm sao mà giống nhau được. Và nhất là bà Harris thuộc thế hệ trẻ, chứ không thuộc thế hệ già như hai vị kia. Quan trọng là ở điểm này. Trước một thế giới đầy biến động, nước Mỹ cần một nhà lãnh đạo trẻ trung, sôi nổi, dễ ứng biến với những thay đổi không ngừng. Sự già nua thường đi cùng với sự chậm chạp, bảo thủ. Điều đó không tốt cho nước Mỹ hay bất kỳ quốc gia nào.
Đành rằng ông Biden không phải loại người bảo thủ song tuổi cao sức yếu sẽ khiến ông bị hạn chế rất nhiều. Ông Biden hẳn biết rõ điều đó nên đã chủ động nhường vị trí cho bà Harris trong cuộc đua vào Tòa Bạch Ốc. CBS có lẽ không sai khi nói ông Biden “chạnh lòng.” Nhưng hẳn ông Biden chạnh lòng thì ít mà vui thì nhiều. Vui vì bà Harris đang có nhiều khả năng chiến thắng hơn ông Trump. “Điều quan trọng nhất là bà Harris phải chiến thắng,” ông Biden nói.
Và hoàn toàn đúng nếu bảo rằng chiến thắng của bà Harris cũng chính là chiến thắng của ông Biden.
2.
Một tờ báo trong nước đăng bài tựa là : “Người dân Palestine ở Gaza đổ ra đường ăn mừng khi tên lửa Iran thắp sáng trời đêm.”
Bài báo này viết rằng người dân palestine ở Gaza đã reo hò khi chứng kiến cơn mưa rocket bay ngang trên đầu họ do Iran nhắm bắn vào Israel.
Có thể hiểu được niềm vui của người dân Palestine khi thấy kẻ thù Israel bị Iran tung đòn trừng phạt sau khi nhiều lãnh tụ Hezbollah bị Israel hạ sát. Nhưng có một điều mà những người dân Palestine kia không hiểu, đó là Iran chỉ bắn mấy quả rocket cho hả giận mà thôi. Không hề có chuyện Iran tới giải phóng họ. Bởi bản thân Iran không hề dám đối đầu với Israel. Israel là cường quốc trong khu vực, không có đối thủ xứng tầm và còn có sự đồng hành của Mỹ. Còn Iran chỉ là một quốc gia đang lao đao vì cấm vận của Phương Tây và không hề có sự hỗ trợ của bất kỳ siêu cường nào. Iran không có gì để so sánh với Israel cả.
Rốt cuộc, những người dân Palestine xem hỏa tiễn Iran bay xẹt xẹt trên đầu cũng giống như người ta xem bắn pháo hoa vậy thôi. Sau khi màn bắn pháo hoa của Iran kết thúc thì những người dân Palestine đó lại trở về với thực tại của đất nước. Đó là một Palestine không có tương lai, một Palestine đắm chìm trong trì trệ bởi những nhà lãnh đạo kém cỏi. Những nhà lãnh đạo này chỉ biết giam mình trong các suy nghĩ hạn hẹp khiến cả dân tộc không có lối thoát.
Cuộc vui nào rồi cũng có lúc tàn. Màn pháo hoa của Iran chỉ thắp sáng trời đêm trong chốc lát rồi kết thúc, để lại một Palestine chìm trong bóng tối mịt mùng.
3.
Kỷ niệm 2 năm ngày Nga xâm chiếm rồi sáp nhập 4 khu vực của Ukraine gồm Donetsk, Lugansk, Zaporizhia và Kherson, Tổng Thống Putin nói: “Chân lý đứng về phía Nga.”
Khi Israel tiến quân vào Nam Liban để chống Hezbollah mà không hề có ý định chiếm đóng lâu dài, Nga liền yêu cầu Israel rút quân ngay lập tức, cho đây là hành vi xâm phạm chủ quyền của Liban. Vậy là khi thúc giục Israel rút quân, Nga có ý rằng chân lý không đứng về phía Israel. Và rằng chân lý chỉ đứng về phía kẻ cướp đất như Nga.
Putin còn cho rằng Phương Tây muốn “thuộc địa hóa” Ukraine. Phải chăng Putin cho rằng “thuộc địa hóa” một nước khác là điều xấu nên Nga không làm thế mà chiếm luôn mấy vùng lãnh thổ của Ukraine để không mang tiếng xấu như Phương Tây?
Nếu đúng thế thì có thể nói giới lãnh đạo Nga hiện nay đang sống trong một hệ tư tưởng vô cùng lệch lạc. Nói thẳng ra, đó là hệ tư tưởng của bọn lưu manh. Bọn này thấy ai không lưu manh như họ thì liền oang oang bảo đó là những người không được chân lý sáng soi.
Rốt cuộc, khi huênh hoang rằng chân lý đứng về phía nước Nga, Moscow lại cho thấy chính họ là những kẻ đang đặt chân lý dưới gót chân mình.