Không quân Mỹ đêm 21 Tháng Sáu đã triển khai 7 máy bay ném bom tàng hình B-2, thực hiện chiến dịch mang tên Búa Giữa Đêm nhằm vào các cơ sở hạt nhân quan trọng của Iran.
Công nghệ tàng hình, chiến thuật nghi binh và sự suy yếu của phòng không Iran được cho là những yếu tố giúp Mỹ dễ dàng thực hiện chiến dịch này. Câu hỏi đặt ra là chiến dịch Búa Giữa Đêm đã đạt thành công tới mức nào?
Ngay lúc đầu đã có sự mâu thuẫn ở Washington, khi mà Tổng Thống Donald Trump cho rằng chiến dịch Búa Giữa Đêm đã khiến chương trình hạt nhân Iran chậm lại hàng thập niên. Ông nói: “Chiến dịch rất thành công, không có quân đội nước nào có thể làm được như chúng ta đã làm.” Bộ Trưởng Quốc Phòng Pete Hegseth cũng nói rằng chiến dịch rất thành công và đáng kinh ngạc: “Những chiếc B-2 của chúng ta đã bay vào và bay ra không phận Iran mà cả thế giới không hề biết.” Thế nhưng tình báo Mỹ lại đánh giá rằng chiến dịch Búa Giữa Đêm chỉ làm chậm lại vài tháng chương trình hạt nhân của Tehran.
Giờ đây, sau khi đã “tỉnh táo” hơn, phía Mỹ, gồm Tòa Bạch Ốc và CIA, đã thống nhất với nhau rằng chiến dịch không kích “rất thành công” của mình đã làm chương trình hạt nhân của Iran chậm lại 2 năm. Nếu đúng vậy thì có thể nói chiến dịch Búa Giữa Đêm đã không mấy thành công, bởi hai năm chỉ là khoảng thời gian chẳng mấy dài. Quay đi quay lại là hết hai năm. Vì vậy có thể nói chiến dịch này chỉ tạm làm thỏa mãn Washington và Tel Aviv trong ý đồ tiêu diệt bóng ma hạt nhân Iran và đem lại một nền hòa bình mong manh, giả tạo. Trong bầu không khí gọi là hòa bình đó, vẫn sặc mùi chiến tranh.
Chắc chắn ông Hegseth đã quá lời, nếu không nói là nịnh bợ, khi chỉ trích một số hãng ‘tin giả” vì chỉ muốn Tổng Thống Trump thất bại: “Điều đó gần như đã ăn sâu vào máu và AND của họ. Họ muốn Tổng Thống thất bại nhiều tới mức phải tung tin rằng chiến dịch này không hiệu quả.”
Người ta cũng có quyền nghi ngờ lời của tướng Dan Caine, Chủ Tịch Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân Mỹ, khi ông này tuyên bố 6 quả bom xuyên phá GBU-57 của Mỹ đều rơi trúng địa điểm mà Mỹ mong muốn.
Có thể tin rằng Mỹ và Israel sẽ còn phải tung ra những đòn đánh mới nhằm triệt hạ hoàn toàn tham vọng hạt nhân của Iran, kể cả thay đổi chế độ hiện thời ở nước này.
Tehran hẳn cũng thừa biết điều này. Cho nên khi Tehran tuyên bố sẽ khôi phục chương trình hạt nhân của mình nhằm mục đích dân sự, thì ai cũng tin rằng Tehran vẫn quyết tâm chế tạo bom hạt nhân, vì hẳn theo Tehran, chỉ bom hạt nhân mới đủ sức răn đe kẻ thù. Hình ảnh vệ tinh của cơ sở Fordow cho thấy Iran đang tích cực khôi phục cơ sở này. Tel Aviv cũng xác nhận Iran có thể khôi phục chương trình hạt nhân và tăng cường tiềm lực quân sự của mình.
Rốt cuộc, một cuộc leo thang chiến tranh ở Trung Đông là điều không thể tránh khỏi. Một cuộc đối đầu quân sự mới giữa Iran với Israel, và cả Mỹ, chắc chắn sẽ diễn ra với suy nghĩ “một mất một còn.” Có thể tin rằng một khi nó diễn ra thì sẽ ở một qui mô lớn hơn, khốc liệt hơn với thời gian dài hơn chứ không chỉ 12 ngày như cuộc xung đột vừa qua. Lúc này các bên chỉ đang tạm dùng thời gian hòa hoãn để khôi phục sức mạnh của mình chứ không phải để nghỉ ngơi, thư giãn.
Và rằng nếu Iran và Israel còn xung đột lần nữa, thì đó vẫn là một cuộc đấu không cân sức mà thế yếu nghiêng về phía Iran. Có ý kiến cho rằng Israel được Mỹ chống lưng thì Iran cũng không hề đơn độc vì đã có Pakistan và Bắc Hàn về phe, mà hai nước này đều có bom hạt nhân. Có thể tin rằng hai nước này khi đưa ra tuyên bố ủng hộ Iran thì đó chỉ là một sự ủng hộ về mặt tinh thần mà thôi. Bởi Pakistan hay Bắc Hàn không điên tới mức chuyển bom hạt nhân cho Iran sử dụng. Nga còn chẳng dám nữa kia. Chẳng việc gì xía vào một cuộc xung đột không liên quan gì tới mình.
Sau những màn không kích nảy lửa giữa những kẻ thù không đội trời chung, Trung Đông đang đắm chìm trong sự yên lặng. Nhưng đó là sự yên lặng của chết chóc, không phải yên lặng của hòa bình thực sự.