Financial Times cho hay Tổng Thống Nga Vladimir Putin đã hạ thấp nhiều điều kiện nhằm đạt được hòa bình với Ukraine.
Cụ thể là Moscow sẵn sàng từ bỏ việc tuyên bố chủ quyền với các khu vực mà Nga không kiểm soát thuộc 4 tỉnh vùng Donbas là Donetsk, Lugansk, Kherson và Zaporizhia mà Moscow sáp nhập vào năm 2022. Nghĩa là trong khi tỏ ra có thiện chí hòa bình, Moscow vẫn muốn Kyiv phải chấp nhận cái gọi là “thực tế chiến trường.”
Nếu Financial Times đưa tin đúng thì có thể nói việc Putin hạ thấp các đòi hỏi của mình cho thấy Moscow đang phải xuống nước, không còn dám mạnh miệng như trước đây. Sự xuống nước của Moscow hẳn là vì Nga đang thực sự đuối sức sau hơn ba năm chinh chiến hao mòn, cũng như vì áp lực của hàng ngàn lệnh cấm vận mà Phương Tây áp đặt lên Nga. Rất khó cho Nga theo đuổi cuộc chiến tới 10 năm như Putin từng cao giọng hăm he. Ông ta chỉ giỏi dọa cái mồm, còn thực lực thì không có. Vì nếu có, Nga đã chiếm trọn Ukraine từ lâu rồi.
Moscow cũng tuyên bố sẵn sàng đàm phán trực tiếp với Kyiv, không qua trung gian của Washington. Điều này có lý vì sự trung gian của Washington xem ra chỉ làm tiến trình hòa bình trở nên rườm rà một cách không cần thiết. Vả chăng chẳng ai thích nhà trung gian Washington mở miệng than mệt. Mệt thì đừng làm. Đã làm thì đừng than. Than nghe bực cả mình.
Lúc này đây, với sự xuống nước của Moscow, hòa bình dường như không còn quá xa vời. Tất nhiên với Kyiv, đó phải là một nền hòa bình công bằng và lâu dài, trong đó không có chuyện Ukraine phải chấp nhận thua thiệt quá đáng. Trước thông tin rằng Washington có thể công nhận chủ quyền của Nga đối với Crimea, Tổng Thống Zelensky tuyên bố Ukraine không bao giờ công nhận bán đảo này là của Nga về mặt pháp lý. Nói như vậy, ông Zelensky có thể chấp nhận Crimea là của Nga về mặt thực tế. Còn Washington có công nhận Crimea là của Nga đi nữa thì đó là chuyện của Washington, không phải chuyện của Kyiv.
Xem ra để đạt được hòa bình công bằng, Kyiv có thể phải chịu mất Crimea cho kẻ thù, thậm chí sẽ không gia nhập NATO, ít ra là trong tương lai gần. Ngoài ra, chắc chắn Kyiv sẽ yêu cầu Moscow phải rút toàn bộ quân khỏi các tỉnh vùng Donbas. Nghĩa là Kyiv không chấp nhận cái gọi là “thực tế chiến trường” như Moscow đòi hỏi. Sở dĩ Moscow đòi như thế là vì đó là cách để Moscow chứng tỏ cho dân Nga, rằng Nga đã thắng trong cuộc chiến. Còn nếu Nga chỉ giữ được Crimea thì điều đó gần như đồng nghĩa với việc Moscow là kẻ thua cuộc, bởi Crimea vốn thuộc về Nga từ năm 2014, cho dù quốc tế chưa bao giờ công nhận chủ quyền của Nga đối với bán đảo này.
Một điều đáng lưu ý là phần lớn trữ lượng Lithium của Ukraine được cho là nằm ở bốn mỏ chính nhưng hai mỏ trong đó đang nằm dưới quyền kiểm soát của Nga là mỏ Lithium Shevchenko (ở Donetsk) và mỏ Krutaya Balka (ở Zaporizhia). Riêng mỏ Shevchenko chiếm phần lớn trữ lượng Lithium của Ukraine. Vì thế đây được xem là lý do Moscow muốn Kyiv công nhận “thực tế chiến trường,” điều Kyiv luôn bác bỏ.
Phải mất Crimea cho Nga sẽ là điều đáng buồn cho Ukraine. Biết làm sao được. Hòa bình có cái giá của nó. Và cái giá đó không hề rẻ. Kyiv phải nhìn nhận thực tế rằng với thực lục hiện tại của mình, rất khó cho Ukraine chiếm lại Crimea từ Nga. Nói thẳng ra, sẽ là ảo tưởng nếu Kyiv muốn lấy lại đường biên giới năm 2014.
Chiến tranh khởi đầu ở Crimea nhưng không nhất thiết phải kết thúc ở Crimea. Phương Tây không công nhận Crimea là của Nga, nhưng Phương Tây cũng chưa bao giờ có ý hỗ trợ Ukraine chiếm lại nó. Đó là thực tế. Kyiv thích hay không thích thì cũng phải chịu nếu muốn sớm có hòa bình. Mọi sự cố chấp sẽ không phải là khôn ngoan.
Về phần Nga, giữ được Crimea và được Washington công nhận chủ quyền của Nga đối với bán đảo này sẽ giúp Moscow phần nào giữ được thể diện của mình. Còn nếu không được 4 tỉnh vùng Donbas đã đành mà Nga còn mất cả Crimea thì xem như Moscow thua toàn tập, điều mà Moscow chắc chắn không đời nào chấp nhận. Và như thế chiến tranh sẽ còn kéo dài chưa biết tới bao giờ.
Nhiều người tin rằng một khi Moscow xuống nước bằng cách từ bỏ việc tuyên bố chủ quyền với các khu vực mà Nga không kiểm soát tại 4 tỉnh vùng Donbas thì nhiều khả năng Moscow sẽ phải còn xuống nước với việc tuyên bố từ bỏ hoàn toàn chủ quyền với cả 4 tỉnh mà Nga đã sáp nhập này, và xem việc giữ được bán đảo Crimea là kết quả tương đối chấp nhận được.
Để được như thế, Ukraine và Phương Tây phải cùng nhau gia tăng áp lực lên Moscow tới khi Moscow phải chấp nhận cái thực tế rằng sở hữu Crimea là tất cả những gì Nga có thể làm được.