Bộ Ngoại Giao Nga ngày 1 Tháng Năm tuyên bố Moscow sẽ không bao giờ cho phép khôi phục lãnh thổ Ukraine về đường biên giới năm 1991, cho rằng nếu điều này xảy ra thì sẽ là mối đe dọa đối với công dân Nga.
Tuyên bố được đưa ra sau khi Moscow cáo buộc Kyiv tấn công bằng UAV vào một khu chợ đông đúc ở thị trấn Aleshki, vùng Kherson mà Nga đã giành quyền kiểm soát từ tay Ukraine.
Cùng lúc đó, EU cũng ra tuyên bố rằng họ không bao giờ công nhận chủ quyền của Nga đối với Crimea, ngay cả khi Mỹ thay đổi lập trường về bán đảo này. Đây là phát biểu đầy dứt khoát của bà Kaja Kallas, đại diện cấp cao về chính sách đối ngoại và an ninh của EU trong cuộc phỏng vấn với tờ Financial Times.
Tuyên bố này thật ra chỉ là lời tái khẳng định của EU đối với Crimea, bán đảo mà EU trước sau chỉ công nhận thuộc chủ quyền của Ukraine, bất kể Moscow từng tổ chức trưng cầu dân ý và bỏ phiếu sáp nhập Crimea vào Nga sau khi chiếm đoạt bán đảo này vào năm 2014. Với EU, cuộc trưng cầu dân ý mà Moscow tổ chức đó chỉ là trò hề không hơn không kém.
Về phần mình, Tổng Thống Mỹ Donald Trump, dù nhiệm kỳ đầu của mình nói Crimea là của Ukraine, giờ đây lại đổi giọng, cho rằng “Crimea thuộc về Nga từ lâu,” và rằng Ukraine sẽ không thể lấy lại quyền kiểm soát bán đảo này. Theo Tổng Thống Trump, Crimea sẽ ở lại với Nga trong thỏa thuận cuối cùng cho cuộc xung đột ở Ukraine. Ông còn nói thêm, ngay cả Tổng Thống Zelensky cũng hiểu điều này.
Không rõ Tổng Thống Zelensky có “hiểu” như ông Trump nói không. Có điều là cho tới thời điểm này, về mặt chính thức, Tổng Thống Zelensky chưa hề tuyên bố Ukraine chấp nhận nhượng cho Nga bất kỳ vùng lãnh thổ nào, kể cả Crimea. “Điều đó vi phạm hiến pháp của chúng tôi,” ông nói. Thực tế là ngay lúc này, Crimea đang bị rung chuyển bởi những cuộc tấn công dữ dội của Ukraine bằng máy bay không người lái. Hàng loạt vụ nổ được ghi nhận đồng thời tại các thành phố trên bán đảo này: Sevastopol, Saky, Yevpatora… Nơi xảy ra các vụ nổ đều là những địa điểm có sân bay quân sự của Nga. Có thể tin rằng Ukraine mở những cuộc tấn công đó không nhằm mục đích giả trí.
Vậy là đang có một sự bất nhất giữa Kyiv và Washington về vấn đề Crimea. Trước việc “trống đánh xuôi, kèn thổi ngược” này giữa Ukraine và Mỹ, Moscow xem ra có lý khi muốn đàm phán trực tiếp với Kyiv, với lý do rằng “Mỹ không thể nói thay cho Ukraine.” Rõ ràng Moscow nói đúng. Bởi sẽ là nực cười khi Washington nói Ukraine công nhận Crimea là của Nga nhưng Ukraine lại phủ nhận điều đó. Vậy thì Nga chẳng hơi đâu đàm phán với Mỹ cho tốn nước bọt, mất thì giờ.
Washington không phải là không có tính toán khi muốn từ bỏ vai trò trung gian, trung lập đối với cuộc xung đột. Thực tế là ngay sau khi vừa ký kết thỏa thuận khoáng sản với Ukraine, Mỹ đã bán cho Ukraine gói vũ khí trị giá 50 triệu Mỹ kim. Gói này được tin là sẽ mở đầu cho nhiều gói vũ khí khác mà Mỹ sẽ tiếp tục bán cho Ukraine.
Tổng Thống Zelensky từng nói muốn mua 50 tỷ Mỹ kim vũ khí của Mỹ. Vấn đề là khi trực tiếp cung cấp vũ khí cho Ukraine, dù là bán chứ không phải viện trợ, thì rõ ràng Mỹ không còn tư cách để giữ vai trò trung gian hay trung lập trong cuộc chiến. Vả chăng, quả thực là Washington đang còn rất nhiều chuyện khác phải quan tâm, chứ đâu chỉ vấn đề Ukraine: Vấn đề hạt nhân Iran, vấn đề thuế quan với Trung Quốc, vấn đề Houthi, vấn đề Gaza hoặc Greenland…
Nói thẳng ra, với Washington lúc này, cuộc chiến ở Ukraine sớm kết thúc thì rất tốt. Còn nếu Nga và Ukraine không muốn sớm kết thúc nó mà chỉ muốn kéo dài lê thê thì cũng tốt như thường, ít ra là với ngành công nghiệp quốc phòng của Mỹ vốn ăn nên làm ra nhờ những cuộc chiến tranh. Từ bấy lâu nay, ai cũng tin rằng tiếng nói của các đại gia trong ngành công nghiệp quốc phòng của Mỹ luôn có ảnh hưởng đáng kể đối với chính sách đối ngoại của Washington.
Với các đại gia đó, từ “chiến tranh” đáng yêu hơn từ “hòa bình”!