Sau khi Iran hứng đòn phủ đầu từ Israel và bị Mỹ tung đòn hủy diệt 3 địa điểm hạt nhân quan trọng là Fordow, Natanz và Isfahan, Moscow vẫn chưa có bất kỳ hành động nào nhằm hỗ trợ đồng minh chí cốt của mình, ngoài những lời lên án hùng hồn nhưng thiếu thực chất nhằm vào Mỹ và Israel: “Vi phạm luật pháp quốc tế, vi phạm Hiến chương Liên Hiệp Quốc,” “hành động leo thang nguy hiểm,”…
Trước những tuyên bố này của Moscow mà nhiều người cho rằng độ cứng rắn không thua gì bánh đa, bánh tráng, giới quan sát tin rằng sở dĩ Moscow chưa làm gì để hỗ trợ Iran đơn giản là vì Moscow đang sa lầy ở Ukraine với bao nhiêu nguồn lực đều được Moscow dồn hết cho chiến trường này. Và nhất là Moscow không muốn vì Iran mà làm xấu đi mối quan hệ giữa họ với Mỹ và Israel.
Với Mỹ, Moscow đang cố giữ quan hệ hai nước trong tình trạng ấm áp nhằm tránh cho Washington tăng cường hỗ trợ Ukraine trong cuộc chiến của nước này chống lại cuộc xâm lược của Nga. Không phải tự nhiên mà Tổng Thống Zelensky nói rằng xung đột Iran-Israel đang làm thế giới bớt quan tâm xung đột Nga-Uraine, điều mà ông Putin hẳn hài lòng.
Với Israel, dường như Moscow và Tel Aviv đã có thỏa thuận ngầm rằng nếu Moscow cung cấp vũ khí cho Iran thì Tel Aviv sẽ cung cấp vũ khí cho Ukraine. Vừa rồi, sau khi ông Michael Brodsky, đại sứ Israel tại Ukraine, nói rằng Tel Aviv đã chuyển giao các hệ thống phòng không Patriot cho Ukraine, Bộ Ngoại giao Israel tức thì bác bỏ thông tin này thể như vì sợ làm mất lòng Moscow.
Nhưng phản hồi của Bộ Ngoại giao Israel dường như không làm hài lòng Moscow. Bởi không lâu sau khi Tel Aviv đính chính thông tin, phát ngôn viên Bộ Ngoại Giao Nga là Maria Zakharova nhấn mạnh rằng phát ngôn của ông Michael Brodsky không phải là ý kiến cá nhân mà là lời nói của một người có chức vụ. Về phần mình, Bộ Ngoại Giao Ukraine từ chối xác nhận hay bác bỏ thông tin về việc Israel chuyển giao hệ thống Patriot cho Kyiv.
Có thể tin rằng việc Israel chuyển giao Patriot cho Ukraine là có thực. Nhưng thông tin phải được giữ kín. Nghĩa là ông Michael Brodsky đã nói hớ điều mà ông nhẽ ra không được phép nói.
Nói đi nói lại, Moscow, vì nhiều lý do, vẫn không muốn can thiệp trực tiếp vào cuộc chiến giữa Iran với Mỹ và Israel, dù Iran có khó khăn thế nào.
Nhưng Nga lại phải đối mặt với sự xem thường của các đồng minh nếu không ra tay cứu giúp Iran trong cơn hoạn nạn. Uy tín, danh dự của Nga sẽ bị sứt mẻ nếu Nga thờ ơ với số phận của Iran. Đó là chưa nói nếu chế độ hiện nay ở Iran mà sụp đổ sẽ ảnh hưởng tới Nga, không nhiều thì ít. Bởi từ lâu Nga và Iran đã trở thành đối tác quan trọng trong khu vực. Moscow và Tehran có thể lấp đầy khoảng trống trong năng lực tình báo và quân sự của nhau.
Hẳn Tổng Thống Nga Putin cũng thấy rõ điều này nên đã đẩy cho cánh tay phải của mình là Medvedev tuyên bố nóng rằng “có quốc gia sẵn sàng cung cấp vũ khí hạt nhân cho Iran” nhằm đe dọa Mỹ và Israel. Dù Medvedev chỉ úp mở, không nói thẳng tên quốc gia “sẵn sàng” này, người ta có thể biết chắc đó chính là Nga chứ chẳng ai vào đây. Như vậy một lần nữa, Medvedev lại đem hạt nhân ra dọa thiên hạ, điều mà ông ta từng làm nhiều lần trước đây mà chẳng ai sợ.
Thành thử cái sự dọa này của Medvedev chẳng có gì là mới vì người ta từ lâu đã lờn tai như đã quen với tiếng chó sủa. Có thể nói việc đem hạt nhân ra dọa kẻ thù của Iran cho thấy đó là tất cả những gì Nga có thể làm cho đồng minh Iran lúc này.
Chắc chắn lời hăm dọa của Medvedev sẽ không đi tới đâu. Medvedev không phải không biết điều đó, nhưng vẫn cứ phải nói ra để Iran tạm yên lòng rằng “tớ không bỏ rơi cậu đâu,” cũng như để giữ chính cái thể diện của mình, một nước Nga vĩ đại chứ không phải hạng tôm tép. Vả chăng, Moscow sẽ làm gì đây một khi Mỹ chuyển giao vũ khí hạt nhân cho Ukraine nếu Nga chuyển vũ khí hạt nhân cho Iran? Nga sẽ xin Iran trả lại vũ khí hạt nhân và đề nghị Mỹ lấy lại vũ khí hạt nhân từ Kyiv ư?
Một lần nữa, những quả bom hạt nhân của Moscow dù chẳng làm ai sợ, nhưng lại có tác dụng rất hay là giúp trấn an tinh thần của chính những kẻ thích nốc Vodka ở Moscow!