Mỹ có thể từ bỏ nỗ lực làm trung gian cho thỏa thuận hòa bình giữa Nga và Ukraine nếu không đạt được tiến triển trong những ngày tới.
Đó là tuyên bố của Ngoại Trưởng Mỹ Marco Rubio tại Paris sau các cuộc đàm phán giữa các quan chức Mỹ, Ukraine và Âu Châu.
Có thể thấy rằng với tuyên bố này của ông Rubio, chính quyền Trump đang thực sự mất kiên nhẫn về một nền hòa bình sớm sủa ở Ukraine, điều mà ông Trump luôn hứa hẹn sẽ dễ dàng đạt được, không phải trong vòng 24 giờ thì cũng trong vài tuần. Nhiều lắm là vài tháng. Nhưng bây giờ ông bắt đầu thở hắt ra, vì chuyện tưởng không khó mà hóa ra khó không tưởng. Khó là cái chắc. Nga nhất quyết không trả đất cho Ukraine, còn Ukraine cương quyết đòi đất Nga đã chiếm thì làm gì không khó.
Và với tuyên bố của ông Rubio, việc cuộc chiến ở Ukraine kết thúc sớm hay muộn không còn nằm trong sự quan tâm của Washington. Mối quan tâm chính của Washington lúc này có lẽ là thương chiến với Trung Quốc, vấn đề hạt nhân Iran… Với Washington, Ukraine cứ việc kéo dài chiến tranh tang thương nếu khăng khăng không chịu nhượng đất cho Nga. Còn Nga nếu còn kham nổi cấm vận thì cứ tiếp tục chiến tranh cho tới khi nào kiệt sức thì thôi.
Ông Rubio nói tiếp: “Anh, Pháp, Đức có thể giúp thúc đẩy vấn đề này.” Vậy, với những lời này của ông Rubio, có thể nói Washington muốn “khoán trắng” chiến sự Ukraine cho Âu Châu. Chính quyền Trump vốn vẫn xem cuộc chiến ở Ukraine là vấn đề của riêng Âu Châu, và Âu Châu phải tự giải quyết nó. Nếu Âu Châu vẫn còn hứng thú với cuộc chiến thì cứ việc hỗ trợ Ukraine, bằng không thì lo mà khuyên Ukraine nhượng đất cho Nga.
Song e rằng Washington có muốn phủi tay với xung đột Nga-Ukraine thì cũng chẳng dễ tí nào. Bởi nếu không có trở ngại nào vào phút chót, thỏa thuận khai thác khoáng sản giữa Washington và Kyiv sẽ được ký kết. Câu hỏi đặt ra là sau khi ký thỏa thuận này, Mỹ sẽ khai thác khoáng sản của Ukraine thế nào khi mà chiến sự chưa kết thúc, bởi những mỏ khoáng sản lớn của Ukraine chủ yếu nằm ở vùng Donbas, nơi đang xảy ra các cuộc giao tranh giữa quân Nga và quân Ukraine.
Cứ cho là thỏa thuận khoáng sản mà Washington và Kyiv sắp ký không có điều khoản nào bảo đảm an ninh cho Ukraine, nhưng một khi đã ký thì tất nhiên Washington cũng muốn sớm bắt tay vào khai thác khoáng sản của Ukraine để nhanh nhanh lấy lại “món nợ” cả trăm tỷ Mỹ kim mà Mỹ đã chi cho Ukraine kể từ khi cuộc chiến nổ ra. Nghĩa là dù muốn phủi tay đi nữa, Mỹ vẫn cứ phải xăn tay áo lên để làm cuộc chiến sớm kết thúc. Trong khi đó với Kyiv, không có chuyện Ukraine nhượng đất cho Nga để đổi lấy hòa bình. Đây chính là cái khó cho Washington.
Theo Bloomberg, Washington đang cân nhắc công nhận chủ quyền của Nga đối với Crimea như một phần trong khuôn khổ thỏa thuận hòa bình. Nếu tin này là đúng thì việc Kyiv đồng ý nhượng cho Nga bán đảo này theo ý Washington nhằm đổi lấy hòa bình xem ra chấp nhận được. Thiệt thì có thiệt nhưng không quá nặng. Còn nếu Kyiv phải nhượng cả cho Nga 4 tỉnh vùng Donbas cùng Crimea thì là quá nặng nề. Kyiv chắc chắn không bao giờ chấp nhận. Washington hẳn cũng biết thế nên chỉ công nhận Crimea là của Nga mà thôi. Vấn đề là Moscow trước sau vẫn đòi Kyiv phải nhượng cả Crimea và 4 tỉnh vùng Donbas cho Nga thì mới chịu ngừng bắn. Nghĩa là quả bóng lúc này đang ở bên phần sân của Moscow, không phải của Kyiv hay Washington.
Rốt cuộc, Mỹ có muốn phủi tay với cuộc chiến ở Ukraine cũng không được. Muốn ăn phải lăn vào bếp. Mỹ vẫn phải tiếp tục dành mối quan tâm đặc biệt cho xung đột Nga-Ukraine đi cùng với sự hỗ trợ cho Kyiv. Bởi Nga mà chiếm đoạt hết đất đai của Ukraine thì cái thỏa thuận khoáng sản kia có ký với Kyiv cũng bằng thừa.
Nói đi nói lại, ngày nào tiếng súng còn rền vang trên mặt trận Ukraine thi ngày đó ông Trump vẫn chưa thể ngủ ngon.