Trong khi Israel đang tung những đòn sấm sét vào Iran trong chiến dịch Sư Tử Trỗi Dậy của họ, Tổng Thống Mỹ Donald Trump tuyên bố Mỹ không liên quan tới cuộc tấn công vào Iran do Israel thực hiện.
Lời tuyên bố của ông Trump được đăng trên mạng xã hội Truth Social. Ông cảnh báo Iran không nên đưa Mỹ vào cuộc xung đột, và hăm dọa rằng nếu Mỹ bị Iran tấn công theo bất kỳ cách nào, thì sức mạnh của Mỹ sẽ giáng xuống Iran ở mức độ chưa từng thấy.
Trước đó Mỹ khẳng định việc Israel tấn công vào mục tiêu quân sự và hạt nhân của Iran là hành động đơn phương của Tel Aviv, không dính dáng tới Washington.
Về phía mình, Tehran lại khẳng định họ có bằng chứng chắc chắn về việc Mỹ giúp Israel tấn công Iran. Và rằng Iran sẽ tăng cường các cuộc tấn công vào Israel và nhằm mục tiêu vào các căn cứ trong khu vực của bất kỳ quốc gia nào cố gắng bảo vệ Israel. Không rõ cái gọi là “bằng chứng chắc chắn” của Tehran chắc chắn như thế nào, nhưng có thể tin rằng Tehran rất muốn lôi kéo Mỹ vào cuộc xung đột. Đơn giản là vì Tehran tin rằng việc Mỹ tham gia vào cuộc xung đột sẽ kéo theo cả Nga, nước trước đây từng đe rằng sẽ không ngồi yên nếu Mỹ trợ giúp Israel tấn công Iran. Nghĩa là Iran, vốn thua kém Israel về mặt quân sự, không muốn là kẻ thân cô thế cô trong cuộc chiến.
Với Nga, việc chế độ Assad sụp đổ đã là một thất bại nặng nề. Nên Nga sẽ không dễ dàng trao Iran cho Israel hay Mỹ. Nếu chế độ hiện thời tại Iran bị thay đổi thì đó sẽ là bước ngoặt lớn có thể dẫn tới những hậu quả không hay tới cả vùng Trung Á, hoặc ngay cả nước Nga.
Không chỉ Nga mà cả Trung Quốc hẳn cũng không muốn có bất kỳ sự thay đổi nào ở Iran. Là vì Iran không chỉ quan trọng do là một lãnh thổ liên kết trong con đường tơ lụa mới, mà còn để ngăn chặn sự lan tỏa của Hồi giáo cực đoan dòng Sunni sang phía Tây Á (người Iran theo Hồi giáo Shiite). Cho nên không có gì lạ khi Bắc Kinh cho biết họ “vô cùng quan ngại” trước những cuộc không kích của Israel vào Iran. Và giống như Moscow, Bắc Kinh nói mình sẵn sàng đóng vai trò trong việc hạ nhiệt tình hình. Tóm lại, với Nga và Trung Quốc, sự bất ổn của Iran sẽ kéo theo sự bất ổn cho toàn bộ khu vực, điều không có lợi cho hai nước này.
Vấn đề là nếu Mỹ bị cuốn vào cuộc xung đột thì Nga sẽ làm được gì để cứu Iran, khi mà bản thân Nga đang sa lầy ở Ukraine? Tổng Thống Ukraine Zelensky lo ngại xung đột Iran-Israel sẽ làm giảm sự quan tâm của thế giới đối với xung đột Nga-Ukraine. Thế nhưng nếu Nga bị cuốn vào xung đột Iran-Israel thì biết đâu đó lại là điều hay cho Ukraine. Bởi khi đó Nga sẽ phải cắt giảm nguồn lực ở Ukraine để hỗ trợ Iran.
Do nguồn lực có hạn, Nga sẽ bị đặt vào tình thế phải chọn lựa giữa Ukraine và Iran. Hẳn Nga sẽ chọn Ukraine chứ không phải Iran, vì với Nga, Iran dù quan trọng nhưng vẫn không quan trọng bằng Ukraine. Nghĩa là dù hăm “sẽ không ngồi yên nếu Iran bị Mỹ tấn công,” song nhiều khả năng là Nga vẫn sẽ phải ngồi yên trước việc đồng minh Iran bị Mỹ và Israel đánh hội đồng!
Rốt cuộc, cuộc chiến mà Nga gây ra ở Ukraine đã khiến Nga mất Syria. Rất có thể cuộc chiến này sẽ còn khiến Nga mất luôn cả Iran. Nói đi nói lại, Nga đã phạm sai lầm nghiêm trọng khi phát động cuộc xâm lược Ukraine. Vì nó mà Nga đã mất mát quá nhiều. Mất đồng minh, mất uy tín với thế giới. Nhưng có hối thì đã muộn rồi. Nga hiện thời chỉ cố vớt vát ở Ukraine, được chút nào hay chút đó.
Vấn đề là Nga càng cố vớt vát thì lại càng sa lầy ở Ukraine. Trong cuốn tự điển của những kẻ hiếu chiến ở Moscow, từ “Ukraine” giờ đây đang đồng nghĩa với từ “cay đắng”!