Trong lúc Nga được cho là đang thiết lập các căn cứ đồn trú tại Libya để thay thế các cơ sở quân sự tại Syria nhằm phục vụ hoạt động ở Phi Châu và duy trì hiện diện quân sự ở Địa Trung Hải, thì một phái đoàn Nga do Thứ Trưởng Ngoại Giao Mikhail Bogdanov dẫn đầu đã tới Damascus hôm 29 Tháng Giêng 2025.
Chuyến thăm này của phái đoàn Nga được hiểu là do Moscow vẫn còn luyến tiếc các căn cứ không quân và hải quân ở Hmeimim và Tartus. Cả hai đều nằm trên bờ biển Địa Trung Hải. Năm 2017, chính quyền Assad do Nga hậu thuẫn đã đồng ý cho Nga đóng quân ở đó trong 49 năm.
Nếu quả Moscow vẫn còn nuôi ý định vận hành hai căn cứ trên thì xem ra việc Nga phải thiết lập các căn cứ ở Libya là chuyện chẳng đặng đừng. Cũng là điều dễ hiểu, bởi Libya hiện đang trong tình trạng không ổn định và cho tới giờ vẫn chưa hề có thỏa thuận pháp lý nào giữa Nga và Libya như ở Syria. Tướng Khalifa Haftar có thể buộc Nga rút lực lượng bất kỳ lúc nào một khi Nga không thỏa mãn các yêu cầu của ông ta, như cung cấp vũ khí hiện đại chẳng hạn.
80% lãnh thổ của Libya hiện nằm dưới quyền kiểm soát của tướng Haftar, người được sự hậu thuẫn tương đối của Nga. 20% lãnh thổ còn lại do nhiều lực lượng vũ trang khác kiểm soát. Vấn đề là dù được Nga ủng hộ song mối quan hệ giữa tướng Haftar với Moscow lại không mấy êm đẹp, do sự “lá mặt lá trái” của Moscow đối với các bên tham gia xung đột ở Libya. Chính sách này của Moscow là nhằm mục đích giữ cho Nga có lợi nhất với một Libya trong tương lai một khi xung đột giữa các phe phái ở nước này chấm dứt.
Trong khi đó, tướng Haftar được cho là chỉ muốn lợi dụng Nga, biến Nga thành con ngáo ộp hòng giành được sự hỗ trợ của các nhà chính trị Phương Tây. Nga cũng biết thế nên chỉ dành một sự hỗ trợ có giới hạn cho tướng Haftar. Vị tướng này cũng đã ký nhiều thỏa thuận không chính thức với UAE, Mỹ, Pháp về kinh tế cũng như chính trị. Nhưng với Nga, ông ta lại chưa hề ký thỏa thuận nào.
Vì thế, tính đi tính lại, thì vẫn tốt hơn cho Nga nếu được chính quyền lâm thời của Syria cho phép được tiếp tục vận hành các căn cứ không quân và hải quân ở Hmeimim và Tartus. Vấn đề là để được chính quyền này đáp ứng mong muốn của mình thì Nga được cho là trước tiên phải đáp ứng các yêu cầu của họ. Đó là Nga phải bồi thường thỏa đáng cho Syria để gọi là “khôi phục lòng tin” giữa hai quốc gia. Yêu cầu này của chính quyền lâm thời ở Syria tất nhiên là hợp lý. Nga là nước đã chống lưng cho chế độ Assad, gây ra cuộc nội chiến đau thương kéo dài hơn 10 năm ở Syria thì đương nhiên Nga phải có trách nhiệm bồi thường. Không phải chỉ bồi thường vài triệu Mỹ kim cho có, mà phải bồi thường cả trăm tỷ Mỹ kim thì mới đủ cho công cuộc tái thiết Syria từ đống đổ nát của chiến tranh.
Việc bồi thường như thế hẳn sẽ không dễ chịu cho Nga, ít ra vào lúc này khi mà Nga đang thực sự kiệt quệ vì cuộc chiến ở Ukraine vốn cũng do chính Nga gây ra. Đối với Damascus, hẳn Nga phải thực hiện xong việc bồi thường thì mới có thể bàn tiếp việc Nga duy trì căn cứ không quân Hmeimim và căn cứ hải quân ở Tartus.
Vẫn chưa xong, với chính quyền lâm thời ở Syria, việc Nga bồi thường vẫn chưa phải là tất cả. Trong cuộc gặp phái đoàn Nga, Tổng Thống lâm thời Ahmed al-Sharaa đã yêu cầu Nga phải giao nộp cựu TT Assad. Cái gọi là “Cấp tỵ nạn cho Assad vì lý do nhân đạo” hẳn sẽ không nhận được sự chấp nhận của chính quyền lâm thời. Moscow đưa Assad sang Nga được thì cũng phải đưa ông ta về được để người dân Syria trừng trị vì tội theo Nga mà bán đứng tổ quốc.
Việc trao trả Assad xem ra sẽ không phải là điều dễ dàng vì nó liên quan tới danh dự và uy tín của Nga. Nga mà giao Assad cho Damascus thì trong mắt đồng minh, Nga sẽ là kẻ hèn hạ, không đáng kính trọng. Nói thẳng ra, Moscow đã sai lầm khi để Assad bay sang Nga. Nhẽ ra Moscow cứ để mặc Assad đi đâu thì đi, ra sao thì ra thì giờ này không lâm cảnh khó ăn khó xử. Rước sang Nga tên phản quốc Assad, Moscow đã rước một cục nợ. Cho vợ con Assad được tỵ nạn thì đã là tử tế lắm rồi.
Nói đi nói lại, vào thời điểm này, việc bồi thường một số tiền lớn cho Syria là điều Moscow khó lòng đáp ứng. Và vì thế việc Nga được duy trì sự hiện diện quân sự ở Tartus và Hmeimim là điều chưa thể. Có thể tin vào lời ông Thứ Trưởng Ngoại giao Nga Mikhail Bogdanov rằng Moscow và Damascus có ý định duy trì mối quan hệ ổn định trên cơ sở đôi bên cùng có lợi. Và cũng có thể tin vào lời vị tổng thống lâm thời Ahmed al-Sharaa khi ông này cho rằng Damacus có lợi ích chiến lược trong việc duy trì quan hệ với Nga, “quốc gia hùng mạnh thứ hai trên thế giới.” Điều này có thể hiểu là một nước Syria mới không muốn nghiêng hẳn về Phương Tây mà muốn có thêm Nga làm đối trọng. Nhưng gì thì gì, Nga phải bồi thường và giao nộp Assad trước đã. Nghĩa là Nga cần Syria hơn là Syria cần Nga.
Tóm lại, từ giờ cho tới khi Nga và Syria thiết lập được một mối quan hệ tốt đẹp vẫn còn là một chặng đường dài, ngay cả khi nó không bị Phương Tây gây khó khăn. Có thể lấy những lời lẽ đầy chất ngoại giao của ông Bogdanov để nói về quan hệ này vào thời điểm hiện tại: “Damascus đã thể hiện sự hiểu biết và chú ý lập trường của Nga.”
Và đó là tất cả!