Ngoại Trưởng Iran là Abbas Aragchi nói Iran không muốn đàm phán với một quốc gia như Mỹ, vừa muốn đàm phán nhưng vẫn áp đặt các lệnh trừng phạt lên Iran. Vấn đề là với Mỹ, nếu không áp đặt cấm vận lên Iran thì sẽ khó mà buộc nước này ngồi vào bàn đàm phán trong thế yếu.
Mới đây nhất, ngày 5 Tháng Hai 2025, Tổng Thống Donald Trump kêu gọi đàm phán với Iran về một thỏa thuận hạt nhân có thể kiểm chứng, đồng thời khôi phục chính sách gây sức ép tối đa với Iran nhằm ngăn chặn Iran phát triển chương trình hạt nhân. Ngay sau đó, Mỹ thông báo áp đặt các biện pháp cấm vận mới đối với một số cá nhân và tàu thuyền có liên quan tới việc vận chuyển hàng triệu thùng dầu thô của Iran sang Trung Quốc.
Tehran luôn khẳng định chương trình hạt nhân của mình chỉ nhằm mục đích hòa bình và phủ nhận mọi ý định phát triển vũ khí nguyên tử. Tuy nhiên với Mỹ và Israel, lời khẳng định này là không đáng tin, khi mà nhà nước Hồi Giáo Iran luôn chủ trương tiêu diệt nhà nước Do Thái. Làm sao Iran có thể tiêu diệt nhà nước Do Thái nếu không có bom hạt nhân?
Tehran từng tuyên bố chưa muốn đàm phán trực tiếp với Washington về vấn đề vũ khí hạt nhân vì cho rằng việc Mỹ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân trước đây đã làm giảm lòng tin giữa hai nước. Phải nói ngược lại mới đúng: Chính vì không còn lòng tin với Iran mà Mỹ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân. Nước cần khôi phục lòng tin phải là Iran chứ không phải Mỹ.
Iran cho rằng đàm phán với Mỹ trong tình cảnh bị Mỹ cấm vận ngặt nghèo thì chẳng khác gì “đầu hàng.” Đó là quan điểm riêng của Iran. Nhưng liệu Iran có thể làm gì trong tình trạng bị hàng loạt lệnh cấm vận nặng nề của Mỹ cũng như Phương Tây nói chung đè lên. Liệu cái hiệp ước mà Iran vừa ký với Nga có giúp được gì cho Iran không? Nếu có thì Iran cứ việc kênh kênh cái mặt, chẳng xem ai ra gì. Còn nếu cái hiệp ước đó chẳng khác gì tờ giấy lộn thì tốt nhất là Iran nên sớm ngồi vào bàn đàm phán với Mỹ, và ngoan ngoãn chấp nhận những điều kiện của Mỹ trong việc ngăn chặn Iran phát triển chương trình hạt nhân.
Kẻ yếu không có quyền đòi hỏi kẻ mạnh phải làm thế này hay làm thế kia. Ngược lại, chính kẻ mạnh mới có cái quyền đó. Trong trường hợp này, Mỹ là kẻ mạnh, rất mạnh. Còn Iran là kẻ yếu, rất yếu. Chấp nhận các điều kiện của Mỹ là cách hay nhất để Iran tránh được những đòn tấn công khốc liệt của Mỹ và Israel vốn hoàn toàn có thể xảy ra trong tương lai.
Những cuộc tấn công đó, một khi xảy ra, rất có thể sẽ không chỉ hủy diệt những cơ sở hạt nhân của Iran, mà còn có thể dẫn tới thay đổi cái chế độ ma quỷ hiện tại ở đất nước này!