Ngày cuối cùng của ông Joe Biden tại Tòa Bạch Ốc. (Hình: The White House)

1.

Việc ông Trump tuyên bố muốn sở hữu Greenland và đe dọa có thể dùng vũ lực để đạt được điều này đã khiến một số nước Âu Châu lên tiếng phản đối.

Song rất có thể sự phản đối của các nước đó chỉ là bề ngoài, bởi nếu Greenland thuộc về Mỹ thì đâu chỉ có lợi cho Mỹ mà còn cho cả Phương Tây trong việc kiềm chế sự bành trướng của Nga. Trong mắt các chuyên gia quân sự, Greenland có tầm quan trọng không chỉ về kinh tế mà còn về mặt chiến lược. Và rằng nếu Mỹ mở rộng sự hiện diện quân sự tại Greenland, hòn đảo này sẽ là tiền đồn lý tưởng để thách thức Nga, nước vốn đã thiết lập nhiều căn cứ quân sự tại khu vực Bắc Cực.

Có ý kiến cho rằng tham vọng kiểm soát Greenland của ông Trump đang khiến Trung Quốc thêm sục sôi trong việc chiếm Đài Loan. Bấy lâu nay Trung Quốc luôn khẳng định đảo quốc này là một phần lãnh thổ không thể tách rời và không loại trừ khả năng sử dụng vũ lực để “thống nhất.”

Nhưng sục sôi thì cứ sục sôi, đến giờ này Bắc Kinh vẫn chưa thể biến sự sục sôi của họ thành “hành động cách mạng.” Đó là đánh chiếm Đài Loan, khi mà đảo quốc này cương quyết không chịu “trở về với đất mẹ” như Bắc Kinh mong đợi. Đơn giản là vì năng lực của Trung Quốc còn nhiều hạn chế và nền kinh tế của nước này hiện nay đang có nhiều vấn đề, khó có thể thực hiện tham vọng thâu tóm Đài Loan với danh nghĩa ‘thống nhất.” Lực bất tòng tâm. Thà cứ để mặc Đài Loan như thế thì tốt hơn là động binh để rồi mắc kẹt trong đống bùi nhùi.

Cho nên, dẫu Mỹ có thâu tóm Greenland hay kênh đào Panama đi nữa, thì Bắc Kinh vẫn chỉ có thể đứng từ xa mà nhìn Đài Loan trong nỗi thèm vô vọng.

2.

Khi ông Joe Biden chỉ còn vài ngày là hết nhiệm kỳ thì vợ ông là bà Jill Biden nói mình thất vọng với bà Nancy Pelosi, cựu chủ tịch Hạ Viện, vì cho rằng bà này liên quan tới việc chồng bà dừng tranh cử tổng thống hồi Tháng Bảy 2024.

Vậy là tới giờ này ông và bà Biden vẫn còn bực bội việc ông phải dừng tranh cử và tin rằng nếu ông vẫn tiếp tục cuộc đua thì hẳn ông sẽ thắng ông Trump. Dường như hai ông bà Biden quên rằng sau cuộc tranh luận thất bại của ông Biden trước ông Trump cuối Tháng Sáu 2024, thì trong mắt mọi người, ông Biden chỉ còn là một ông già ốm yếu, chậm chạp, chẳng còn mấy sức để tiếp tục cuộc đua với một Donald Trump đang khí thế hừng hực. Cho nên việc bà Pelosi hay bất kỳ ai khuyên ông nên dừng bước là hoàn toàn không có gì quá đáng. Nhẽ ra vợ ông phải là người đầu tiên khuyên ông như thế mới đúng. Đằng này…

Tuổi đã già, sức đã kém thì còn ham hố gì. Biết dừng đúng lúc thì mới là khôn ngoan. Sau khi ông Trump giành chiến thắng, bà Pelosi nói bà tin rằng kết quả có thể khác nếu ông Biden rút lui sớm hơn. Điều này xem ra khó hiểu, vì nếu ông Biden có rút lui sớm vài tháng đi chăng nữa thì thời gian vẫn không đủ nhiều cho bà Harris để bước vào cuộc đua với ông Trump. Cập rập vẫn cứ là cập rập.

Nói thẳng ra, nếu ngay từ đầu ông Biden tuyên bố không ra tranh cử hoặc phe Dân Chủ không đồng ý cho ông Biden được đại diện Đảng ra tranh cử, để Đảng chọn một người khác làm đại diện, thì may ra ông Trump mới là kẻ thua. Nghĩa là trong việc bà Harris bị ông Trump đánh bại, thì bà Harris lại là người ít có lỗi nhất. Lỗi chính thuộc về ông Biden và toàn phe Dân Chủ, không riêng gì bà Pelosi.

Nhưng thôi, thua keo này, bày keo khác. Điều quan trọng là phải biết rút ra bài học từ những sai lầm của mình để đạt được thắng lợi trong tương lai. Bốn năm nữa, một cuộc đua mới vào Tòa Bạch Ốc lại bắt đầu. Bốn năm là khoảng thời gian không mấy dài nhưng đủ để phe Dân Chủ có những chuẩn bị cần thiết hầu đưa người của mình ngồi vào chiếc ghế tổng thống, nếu họ biết nhìn ra sai lầm của mình ngày hôm nay.

Cứ cắng đắng nhau thì chẳng ích gì, mà chỉ làm trò cười cho thiên hạ.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: