Phe Hezbollah cảnh báo sẽ trả đũa Israel vì hai vụ nổ thiết bị liên lạc ở Li băng, cho rằng Israel đã vượt “mọi lằn ranh đỏ.”
Ngay sau đó, Iran kêu gọi các nước Hồi giáo cắt đứt quan hệ kinh tế và hạ cấp quan hệ chính trị với Israel. Còn trước đó, tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ là ông Erdogan đã kêu gọi thành lập một liên minh các nước Hồi giáo để đối phó “sự bành trướng” đến từ Israel.
Chưa rõ Hezbollah sẽ làm được trò trống gì để trả đũa Israel. Chưa rõ những lời kêu gọi từ Iran và Thổ Nhĩ Kỳ sẽ đạt hiệu quả tới đâu khi mà các nước Hồi giáo hiện nay nhìn chung được cho là khá thờ ơ với những sự kiện liên quan tới Israel. Đã qua từ lâu cái thời các nước Hồi giáo gắn bó với nhau trong những thập niên trước. Ngày nay, cái nhìn của nhiều nước Hồi giáo đối với Israel đã thay đổi nhiều. Họ không còn xem Israel là mối đe dọa và đã thiết lập quan hệ kinh tế cũng như chính trị với Israel, trên cơ sở đôi bên cùng có lợi.
Với nhiều nước Hồi giáo, Palestine cứ việc xem Israel là kẻ thù, nhưng họ chẳng việc gì phải nghĩ như thế. Họ nhận ra rằng Israel thực sự là cường quốc quan trọng trong khu vực. Xem Israel là kẻ thù thì chẳng lợi lộc gì. Nhưng nếu xem Israel là đối tác thì có lợi hơn nhiều.
Tháng Chín năm 2020, Israel, UAE và Bahrain đã cùng ký các hiệp ước lịch sử trong một buổi lễ được tổ chức ở Tòa Bạch Ốc. Đối với Israel, ký kết các hiệp ước này đồng nghĩa với việc chính thức lập quan hệ ngoại giao với UAE và Bahrain, và là thành công ngoại giao quan trọng kể từ các hiệp ước hòa bình với Ai Cập và Jordan năm 1979 và 1994.
Theo Thủ tướng Israel là Benjamin Netanyahu, những thỏa thuận này có thể giúp kết thúc xung đột Ả Rập-Israel và là một bước ngoặt lịch sử trong khu vực.
Người Palestine lên án UAE và Bahrain là “đâm sau lưng,” cáo buộc hai nước này đồng ý với Israel mà không chờ đến ngày nhà nước Palestine ra đời. Năm 2017, tổng thống Mỹ khi đó là ông Donald Trump tuyên bố Mỹ công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel khiến các đồng minh Ả Rập bức xúc.
Tuyên bố này của ông Trump đương nhiên làm người Palestine phẫn nộ khi họ luôn xem khu vực Đông Jerusalem là thủ đô của họ. Song cái sự bức xúc của các nước Ả Rập hóa ra chỉ là bức xúc không hơn không kém. Chẳng hề có nước Ả Rập nào chịu cắt đứt quan hệ với Israel. Đơn giản là vì họ đã nhàm chán với cái gọi là chính nghĩa của người Palestine. Và rằng với họ, chuyện của người Palestine thì cứ để người Palestine tự giải quyết. Họ chẳng hơi đâu mà xía vào cho mệt xác.
Rốt cuộc, những lời kêu gọi thống thiết của Iran và Thổ Nhĩ Kỳ có lẽ sẽ chẳng đi tới đâu. Giống như hòn đá ném xuống nước, làm gợn lên mấy vòng tròn rồi tan biến.