Sứ mạng của phái đoàn ngoại giao Nga tới Damascus cuối Tháng Giêng năm 2025 được cho là nhằm thuyết phục chính quyền lâm thời của Syria cho Nga được duy trì sự hiện diện quân sự của họ ở căn cứ không quân Hmeimim và căn cứ hải quân Tartus. Phái đoàn này do Thứ Trưởng Ngoại Giao Mikhail Bogdanov dẫn đầu.
Trong cuộc gặp với phái đoàn Nga, tổng thống lâm thời của Syria là ông Ahmed al-Sharaa đã yêu cầu Nga phải giải quyết “những sai lầm trong quá khứ” và phải bồi thường cho sự tàn phá mà Nga đã gây ra ở Syria. Ngoài ra, dù Moscow từ chối bình luận, người ta tin rằng ông al-Sharaa cũng yêu cầu Nga phải giao nộp ông Assad và các cộng sự cấp cao để những kẻ này đối mặt với sự trừng phạt của nhân dân Syria.
Việc giao nộp ông Assad cho Damascus xem ra không hệ là chuyện nhỏ bởi nó liên quan tới uy tín và danh dự của Nga đối với các đồng minh. Giao nộp một con chó thì dễ, nhưng giao nộp một con người thì không đơn giản, nhất là khi con người đó từng hết lòng phục vụ cho lợi ích của Nga ở Syria.
Trong cuộc họp báo thường niên vào Tháng Mười Hai 2024, Tổng Thống Putin cho biết ông ta chưa hề gặp Assad kể từ khi Assad sang Nga tỵ nạn. Nếu sắp tới họ có gặp nhau, thì có lẽ ông Putin sẽ đề nghị ông Assad trở về Syria theo đòi hỏi của chính quyền lâm thời Syria. Tất nhiên là ông Assad sẽ không làm theo đề nghị đó, vì nếu làm theo thì xem như không thoát khỏi án tử hình cho tội phản quốc.
Trong trường hợp Damascus xem việc Nga giao nộp ông Assad là một trong những điều kiện tiên quyết để họ xem xét cho Nga duy trì sự hiện diện quân sự ở Syria, thì Nga, để giữ danh dự, rất có thể sẽ dàn dựng một vụ tự sát cho Assad nhằm tránh phải giao nộp ông ta cho Damascus. Tuy nhiên, nếu Damascus đòi hỏi Nga phải giao cho họ một Assad trong tình trạng còn sống, thì có lẽ Putin đành phải chụp thuốc mê Assad rồi đem ông ta lên máy bay, đưa thẳng về cố quốc. Đây là điều mà người ta từng làm với Trịnh Xuân Thanh của Việt Nam. Rồi, để bảo vệ cái uy tín và danh dự to tát của mình, Moscow sẽ nói rằng đó là do Assad tự ra đầu thú.
Đã nhắc tới Trịnh Xuân Thanh thì cũng nên nói đôi chút về bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn, người đang bị chính quyền Việt Nam truy nã gắt gao. Bà này được cho là đang được bảo vệ an ninh cấp cao tại Đức.
Theo tờ Bild, bà Nhàn là “người phụ nữ được bảo vệ tốt nhất ở Đức.” Sở dĩ như thế là vì bà Nhàn, với những hiểu biết lớn về các giao dịch vũ khí bí mật, có thể trở thành mục tiêu của các cơ quan tình báo ngoại quốc. Bà Nhàn được tin là đã cung cấp cho Đức nhiều thông tin quan trọng về những thương vụ vũ khí giữa Việt Nam với Nga và Trung Quốc.
Tại Việt Nam, bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn đã bị kết án 30 năm tù khiếm diện vào năm 2023 với cáo buộc nhận hối lộ và gian lận đấu thầu. Song nguyên nhân thực sự rất có thể là do bà ta có liên quan tới các thương vụ buôn bán vũ khí quốc tế.
Nhiều người cho rằng chính quyền Việt Nam đã làm bậy trong vụ bắt Trinh Xuân Thanh thì có lẽ họ sẽ không dám làm bậy một lần nữa với bà Nhàn, nếu không Việt Nam sẽ mất uy tín với quốc tế. Nhưng nhiều người khác lại tin rằng chính quyền Việt Nam xem uy tín chỉ hơn cái cọng lông nên sẵn sàng làm bậy một lần nữa để bắt bà Nhàn về Việt Nam, cho bà ấy được “đầu thú.” Có thể chính quyền Đức cũng nghĩ như thế nên mới đặt bà Nhàn trong tình trạng được bảo về chặt chẽ.
Bởi Việt Nam mà lôi được bà Nhàn về thì hẳn là quá nhục nhã cho chính quyền Đức. Và An ninh Đức sẽ bị xem không bằng cái giẻ rách!