Vừa qua, chính quyền Palestine cho biết ít nhất 5,000 hộ gia đình người Palestine ở phía Bắc Bờ Tây đã di dời khỏi các trại tị nạn Jenin và Tulkarem sau khi quân đội Israel mở chiến dịch mang tên “Tường Sắt” ở thành phố Jenin và những khu vực khác thuộc phía Bắc Bờ Tây nhằm truy lùng và phá hủy cơ sở hạ tầng của các nhóm vũ trang Palestine.
Cùng lúc đó, một nhóm nghị sĩ Cộng Hòa tại Mỹ thúc đẩy một dự luật nhằm đổi cách gọi chính thức của chính phủ Mỹ đối với Bờ Tây. Theo đó, Bờ Tây sẽ được gọi là “Judea và Samaria” – cụm từ vốn được những người định cư Do Thái tại đây sử dụng phổ biến. Bờ Tây hiện là nơi sinh sống của khoảng 3 triệu người Palestine và gần 600 ngàn người Israel.
Được cho là nhằm củng cố chủ quyền của Israel đối với Bờ Tây, khu vực bị Israel chiếm đóng từ sau Cuộc chiến Sáu Ngày năm 1967 và kiểm soát từ đó tới nay, dự luật này khiến người Palestine lo ngại chính quyền của Tổng Thống Mỹ Donald Trump, một người ủng hộ Tel Aviv nhiệt tình, thúc đẩy sự mở rộng và hợp pháp hóa các khu định cư của người Israel tại Bờ Tây.
Sau khi lệnh ngừng bắn được thực thi ở Gaza cũng như sau khi Mỹ tuyên bố sẽ ‘tiếp quản Gaza,” Israel đã chuyển hướng xung đột sang Bờ Tây. Các hoạt động quân sự của Israel tại đây, đặc biệt là ở trại tị nạn Jenin, đã khiến người ta thắc mắc rằng dường như Israel đang muốn Bờ Tây bị “Gaza hóa.”
Theo Liên Hiệp Quốc, các hoạt động quân sự của Israel tại Bờ Tây trùng hợp với việc mở rộng các khu định cư và bạo lực của những người định cư Israel có vũ trang chống lại người Palestine. Tổ Chức Giải Phóng Palestine (PLO) cho biết chính phủ Israel đã bắt đầu xây dựng một khu định cư mới ở phía Nam Bờ Tây, gần thành phố Bethlehem. PLO cáo buộc động thái này là nhằm tách Bethlehem khỏi Jerusalem, đe dọa tính liên tục địa lý của Bờ Tây và gây khó khăn cho việc thành lập nhà nước Palestine. Điều này đặt ra thách thức lớn cho tiến trình hòa bình vốn đã bế tắc trong nhiều năm qua. Câu hỏi đặt ra là: Vì sao bế tắc?
Với câu hỏi này, những người thù ghét Israel hẳn sẽ trả lời đó là do đường lối hiếu chiến, cực đoan của những kẻ theo chủ nghĩa Phục quốc Do Thái, được sự hà hơi tiếp sức của Washington. Trong một chừng mực nào đó, câu trả lời này có lẽ không quá sai. Nhưng nếu tỉnh táo, người ta cần thấy rằng sự yếu kém và thiếu đầu óc của những nhà lãnh đạo Palestine hiện nay cũng có lỗi trong sự bế tắc đó. Cái chính quyền yếu kém này trước sau cứ khăng khăng đòi Đông Jerusalem phải là thủ đô của một nhà nước Palestine trong tương lai, trong khi Tel Aviv cũng trước sau quyết không buông Đông Jerusalem cho người Palestine. Vấn đề ở đây là Israel là kẻ mạnh, còn Palestine là kẻ yếu. Phàm kẻ yếu thì phải biết điều. Làm thân châu chấu thì đừng đòi đá voi. Đừng hoài mong vào cái gọi là “cộng đồng quốc tế.” Cái cộng động này chỉ có thể giúp cho Palestine cái mồm mà thôi. Ngay cả khối Ả Rập cũng không còn mấy nhớ người anh em Palestine. Đã xa rồi thời cái khối này hùng hùng hổ hổ đòi ăn tươi nuốt sống nhà nước Do Thái. Giờ ai cũng muốn yên thân.
Tóm lại, ngày nào người Palestine còn mơ tưởng có Đông Jerusalem làm thủ đô thì ngày đó một nhà nước Palestine vẫn chưa thể ra đời. Sự ra đời sớm hay muộn của một nhà nước Palestine là hoàn toàn tùy thuộc vào chuyện chính quyền Palestine có chịu tỉnh ra hay vẫn cứ u mê. Sẽ là tỉnh táo nếu họ biết bảo nhau chọn một địa điểm khác làm thủ đô thay cho Đông Jerusalem. Ngày nào còn mơ tưởng Đông Jerusalem thì ngày đó họ vẫn còn chìm đắm trong u mê.
Sự u mê của những nhà lãnh đạo Palestine hiện thời đang làm tổn hại tới sự nghiệp lâu dài của dân tộc Palestine. Nếu họ không chịu nhìn ra sai lầm của mình trước sự lấn tới của chính quyền Tel Aviv, thì trong tương lai không xa, rất có thể những nơi mà người Palestine đang định cư ở Bờ Tây sẽ ngày càng thu hẹp lại, thậm chí trở thành nơi sinh sống của người Israel, còn người Palestine ở đấy bị đẩy đi nơi khác giồng như dân Gaza hiện nay.
Và người Palestine sẽ trở thành một dân tộc không có đất nước, phải sống tứ tán khắp nơi, giống người Do Thái khi xưa.