Người dân Ấn Độ đã kêu gọi nhau tẩy chay Thổ Nhĩ Kỳ vì Ankara đứng về phía Pakistan trong căng thẳng Kashmir giữa Ấn Độ và Pakistan.
Nhiều nơi trên đất Ấn, người ta nhìn thấy các biểu ngữ viết hàng chữ “boycott Turkey” (Tẩy chay Thổ Nhĩ Kỳ). Làn sóng tẩy chay này đang ngày càng mạnh mẽ trên nhiều lĩnh vực : Du lịch, thương mại, giáo dục…
Từ bao lâu nay, Ấn Độ và Pakistan luôn trong tình trạng căng thẳng vì vấn đề Kashmir, vùng đất thuộc chủ quyền Ấn Độ nhưng lại có đa số dân theo đạo Hồi. Sự căng thẳng này gần đây lại bất ngờ bùng phát sau vụ tấn công nhằm vao du khách tại thị trấn Pahalgram thuộc vùng Kashmir do Ấn Độ kiểm soát, khiến 26 người thiệt mạng.
Ấn Độ cáo buộc nhóm Lashkar – e – Taiba, có trụ sở tại Pakistan, đã gây ra vụ khủng bố với sự hậu thuẫn của chính quyền Pakistan. Cuộc nổi dậy mới đây của BLA (Quân đội Giải phóng Balochistan) ở tỉnh Balochistan, một tỉnh nằm ở phía Tây Pakistan, đã gây khó khăn cho quân đội Pakistan vốn cùng lúc phải đương đầu với áp lực quân sự từ Ấn Độ ở phía Đông. BLA đã buộc quân của chính phủ Pakistan phải rút lui và làm hệ thống phòng thủ phía Tây rơi vào tình trạng hỗn loạn. Nhiều người tin rằng cuộc nổi dậy của BLA là có sự hậu thuẫn của Ấn Độ nhăm ăn miếng trả miếng với Pakistan.
Trong bối cảnh này, Thổ Nhĩ Kỳ, nước có đa số người dân theo đạo Hồi Sunni như Pakistan, đã đưa ra tuyên bố ủng hộ Pakistan, khiến người dân Ấn phẫn nộ và phát động chiến dịch tẩy chay đối với Thổ Nhĩ Kỳ.
Tổng Thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Erdogan vốn ủng hộ cái gọi là “giải pháp đa phương” cho vấn đề Kashmir, điều mà Ấn Độ cực lực phản đối, cho rằng chủ quyền của Ấn Độ đối với vùng Kashmir là điều không thể tranh cãi. Chính quyền Ấn không chấp nhận việc Thổ Nhĩ Kỳ nhìn nhận vấn đề Kashmir qua lăng kính của Pakistan.
Thực ra kể từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao vào năm 1948, quan hệ giữa Ấn Độ và Thổ Nhĩ Kỳ khá tốt đẹp. Song trong vài thập niên qua, nhân tố Pakistan đã làm xấu đi mối quan hệ này, chủ yếu do vấn đề Kashmir. Thổ Nhĩ Kỳ luôn ủng hộ quan điểm của Pakistan đối với Kashmir tại các diễn đàn quốc tế như Liên Hiệp Quốc hoặc Tổ Chức Hợp Tác Hồi Giáo (OIC).
Nếu tinh ý, người ta sẽ nhận thấy rằng khi viết “boycott Turkey,” người dân Ấn đã viết tên nước Thổ Nhĩ Kỳ trong tiếng Anh theo lối cũ. Vào ngày 31 Tháng Năm 2022, tên gọi tiếng Anh chính thức của Thổ Nhĩ Kỳ tại Liên Hiệp Quốc đã được đổi thành “Turkiye” thay cho “Turkey” như trước đây, sau khi có yêu cầu từ nước này. Tổng Thống Recep Erdogan của Thổ Nhĩ Kỳ đã lý giải trong biên bản ghi nhớ của chính phủ về việc đổi tên nước: “Turkiye là sự biểu đạt tốt nhất cho văn hóa, văn minh va fcác giá trị của người dân Thổ Nhĩ Kỳ.”
Ngoài ra, việc đổi tên gọi quốc tế cũng nhằm tránh bị gọi nhầm thành “con gà tây” (trong tiếng Anh, “turkey” còn có nghĩa là “gà tây”).
Cho nên có thể hiểu rằng khi viết tên nước Thổ Nhĩ Kỳ theo lối cũ là “Turkey,” người dân Ấn đã có ý xỏ lá, xem Thổ Nhĩ Kỳ như con gà tây!