Hôm 30 Tháng Tư, sau nhiều căng thẳng giữa Washington và Kyiv, thỏa thuận khoáng sản rất được mong đợi đã được hai bên ký kết.
Đặt bút ký vào văn kiện có đại diện hai chính phủ, phía Mỹ là Bộ Trưởng Tài Chính Scott Bessent, phía Ukraine là Phó Thủ Tướng thứ nhất Yulia Svyrydenko.
Theo thủ tướng Ukraine là ông Denys Shmyhal, với thỏa thuận này, Ukraine sẽ có nguồn lực lớn cho công cuộc tái thiết. Và rằng thỏa thuận không bao gồm bất ký nghĩa vụ nợ nào. Điều này cho thấy Washington đã chấp nhận nhượng bộ sau khi cứ đòi hỏi Kyiv phải trả món nợ hàng trăm tỷ Mỹ kim mà Mỹ đã cho Ukraine “vay” từ khi cuộc chiến nổ ra. Tổng Thống Ukraine Zelensky luôn khẳng định Ukraine không hề nợ Mỹ số tiền hàng trăm tỷ đó.
Với thỏa thuận này, Ukraine sẽ giữ quyền kiểm soát hoàn toàn đối với tài nguyên dưới lòng đất, tài nguyên thiên nhiên và cơ sở hạ tầng. Đặc biệt là thỏa thuận sẽ không ngăn trở tiến trình gia nhập EU của Ukraine. Và dù không đưa ra bất kỳ bảo đảm an ninh cụ thể nào cho Ukraine, thỏa thuận vẫn cam kết rằng Mỹ hỗ trợ an ninh và sự hội nhập của Ukraine vào nền kinh tế toàn cầu.
Chia sẻ trên mạng X, Bộ Trưởng Tài Chính Scott Bessent viết: “Thỏa thuận thể hiện cam kết vững chắc của chính quyền Tổng Tống Donald Trump đối với một nước Ukraine tự do, có chủ quyền và thịnh vượng.”
Nhiều nhà quan sát đánh giá đây là một thỏa thuận tích cực, bình đẳng, đôi bên cùng có lợi trên tinh thần tôn trọng lẫn nhau. Có thể nói những nhà đàm phán phía Ukraine đã làm việc rất hiệu quả để đất nước họ có được thỏa thuận này trước một đối tác không dễ chịu như Mỹ dưới chính quyền của Tổng Tống Trump. Washington tin rằng Mỹ sẽ nhận được nhiều hơn 350 tỷ Mỹ kim qua việc khai thác tài nguyên của Ukraine nhờ thỏa thuận này. Đây là số tiền ông Trump từng đề cập về tổng giá trị viện trợ Mỹ cho Ukraine, dù Kyiv cho rằng con số thực không tới 100 tỷ Mỹ kim. Tổng Tống Trump vẫn luôn nói viện trợ cho Ukraine là không công bằng với nước Mỹ, và cần được bù đắp bằng tài nguyên đặc biệt là đất hiếm mà Mỹ vốn phụ thuộc nhiều vào Trung Quốc.
Trước việc thỏa thuận khoáng sản được Washington và Kyiv ký kết, Moscow hẳn là bên không vui. Khi xảy ra vụ đấu khẩu giữa các ông Trump và Zelensky tại Tòa Bạch Ốc hôm 28 Tháng Hai, Moscow gọi đó là “cú bợp tai” mà ông Trump dành cho “con lợn Zelensky.” Và hẳn Moscow mong rằng cú bợp tai đó sẽ làm tan biến mọi hy vọng của Kyiv vào nguồn quân viện Mỹ. Nhưng hóa ra không phải. Sự rạn nứt trong mối quan hệ giữa Mỹ và Ukraine vì vụ đấu khẩu giờ đã được hàn gắn nhờ việc ký kết thỏa thuận này mà giới quan sát đánh giá là một thỏa thuận mang tính bước ngoặt.
Bước ngoặt này rất có thể sẽ làm tan biến hy vọng của Moscow rằng Nga sẽ buộc Ukraine phải ký kết một thỏa thuận hòa bình có lợi cho Nga, nghĩa là phải chấp nhận nhượng đứt cho Nga những vùng lãnh thổ giàu tài nguyên khoáng sản, chủ yếu là 4 tỉnh miền Đông.
Về phần mình, Trung Quốc hẳn cũng không lấy gì làm vui vẻ khi ông Scott Bessent nhấn mạnh sẽ không cho phép “bất kỳ quốc gia hoặc cá nhân nào hỗ trợ cho cỗ máy chiến tranh Nga” được hưởng lợi từ quá trình tái thiết Ukraine thời hậu chiến. Trung Quốc luôn cho rằng họ trung lập với cuộc xung đột, không hề hỗ trợ cho các hoạt động quân sự của Nga. Thế nhưng Trung Quốc lại giả vờ không hiểu rằng khi họ mua khối lượng dầu khổng lồ từ Nga thì điều đó có nghĩa là họ đã và đang tiếp tay với Nga nhằm gây ra cuộc đổ máu ở Ukraine. Người Ukraine hoàn toàn đúng khi cho rằng trong dầu mà Trung Quốc mua của Nga có cả máu của người Ukraine.
Thỏa thuận cũng được xem là một thành công không nhỏ của cá nhân Tổng Tống Donald Trump sau khi hứa hẹn sẽ làm nước Mỹ “vĩ đại trở lại” sẽ sáp nhập Greenland vào Mỹ, sẽ biến Canada thành tiểu bang thứ 51 của Mỹ, sẽ…
Một nghị sĩ Ukraine rất có lý khi cho rằng cuộc chiến Ukraine chính là cơ hội tuyệt với giúp ông Trump trở thành tổng thống vĩ đại của nước Mỹ nếu ông đứng hẳn về phía Ukraine. Trong một chừng mực nào đó, có thể xem thỏa thuận này là một cách để vị tổng thống thứ 47 của nước Mỹ chứng tỏ mình đứng về phía Ukraine trong cuộc chiến mà ông luôn muốn sớm kết thúc nhưng vẫn chưa làm được.
Hãy nghĩ xem: Nếu ông Trump trong nhiệm kỳ này mà thực hiện được tất cả những hứa hẹn trên, cùng với việc mang lại một nền hòa bình công bằng cho Ukraine, thì ông sẽ rất xứng đáng với nhiệm kỳ 3 mà ông khao khát. Và có thể tin rằng Lưỡng Đảng và Quốc Hội Mỹ sẽ sẵn sàng giúp ông thực hiện niềm khao khát đó bằng cách thay đổi hiến pháp Mỹ để ông có thể ra tranh cử nhiệm kỳ 3 với thắng lợi cầm chắc trong tay.
Thiết tưởng, ông Trump chẳng cần làm tổng thống nhiệm kỳ 3 làm gì cho mệt cái thân già. Chỉ cần giúp Ukraine đạt được một nền hòa bình công bằng và bền vững thì ông cũng vĩ đại lắm rồi!