1.
Không đầy một ngày sau khi tung đòn thuế quan với hơn 180 đối tác thương mại của Mỹ, Tổng Thống Donald Trump đã đảo ngược chính sách bằng cách ra lệnh tạm dừng trong 90 ngày với hầu hết các nước, trừ Trung Quốc. “Điều này xuất phát từ trái tim,” ông Trump nói.
Việc Washington áp thuế đối ứng không hẳn là bất ngờ với thế giới vì trước đó ông Trump từng không ít lần hăm dọa sẽ tung ra. Nhưng chính cái thông báo hoãn nó mới là bất ngờ. Người ta không tin điều này xuất phát từ trái tim của ông Trump, mà tin rằng từ việc thị trường chứng khoán Mỹ mất hàng ngàn tỷ Mỹ kim, trong khi trái phiếu chịu ảnh hưởng mạnh qua những đợt bán tháo. Điều này khiến ông Trump hốt hoảng, đành phải hoãn lại việc áp thuế.
Và thị trường khởi sắc ngay sau khi Washington ra thông báo hoãn thuế đối ứng. Giới đầu tư hy vọng sau cùng Tổng Thống Trump sẽ gỡ bỏ hoàn toàn thuế quan để mọi thứ ổn định như trước. Song điều này không đơn giản một khi ông Trump vẫn cương quyết áp mức thuế 125% hoặc hơn đối với hàng hóa Trung Quốc, nước có nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới, sau Mỹ.
Cuộc quyết đấu kinh tế giữa Mỹ và Trung Quốc nếu xảy ra sẽ gây bất ổn toàn cầu, gần như không nước nào là không bị ảnh hưởng. Biết đâu trước tình hình bất ổn đó cũng như trước sự phản đối dữ dội của chính người dân Mỹ, ông Trump sẽ buộc phải tuyên bố hủy đòn thuế quan với Trung Quốc để mọi chuyện trở lại bình thường, với lý do “xuất phát từ trái tim.”
Cứ cho “trái tim” là lý do khiến ông Trump dừng cuộc chiến, dừng cuộc chơi, chứ không phải vì lý trí, thì thế giới mong rằng trái tim của ông Trump luôn trong tình trạng bình ổn, chứ không đập loạn xạ!
2.
Bản dự thảo mới nhất về thỏa thuận khai thác đất hiếm mà Washington đề xuất đang đặt Ukraine vào tình thế không dễ chịu.
Bản ghi nhớ mà Kyiv ký với EU năm 2021 vốn xác định một số khoáng sản quan trọng ở Ukraine, gồm Cobalt, Lithium và những nguyên tố đất hiếm. Đây là một phần trong kế hoạch chuyển đổi năng lượng tái tạo của EU.
Thế nhưng bản dự thảo mà Mỹ vừa đề xuất lại có điểm mâu thuẫn với bản ghi nhớ được ký giữa Kyiv và EU. Do nó có điều khoản cấm Kyiv bán khoáng sản cho các đối thủ cạnh tranh của Mỹ, trong có EU. Và điều này tất nhiên ngăn trở tiến trình hội nhập EU của Ukraine. Nói thẳng ra, Washington đã tỏ ra quá đáng, nếu không nói là lố bịch, khi đưa điều khoản như thế vào bản dự thảo. Chính quyền của Tổng Thống Trump xem xung đột Nga-Ukraine là vấn đề của riêng Âu Châu và Âu Châu phải có trách nhiệm với Ukraine chứ không phải Mỹ. Nhưng với bản dự thảo này, Mỹ lại muốn giành hết tài nguyên của Ukraine, không chừa cho Âu Châu. Đã thế trong bản dự thảo mới nhất, Washington vẫn không đưa ra bảo đảm an ninh cụ thể nào cho Ukraine. Ông Trump chơi thế thì ai chơi lại. Khôn nhất thế giới là ông chứ ai.
Về phần mình, Kyiv khẳng định Ukraine hoan nghênh đầu tư và hợp tác trong lĩnh vực khoáng sản của nước này nhưng không phải bằng bất kỳ giá nào. Và rằng không có mâu thuẫn nào giữa thỏa thuận khoáng sản với Mỹ đối với lộ trình gia nhập EU của Ukraine là lập trường cơ bản của Kyiv.
Trước lập trường cứng rắn của Kyiv và nếu Washington vẫn khao khát đất hiếm của Ukraine, hẳn là Mỹ phải sửa lại bản dự thảo cho phù hợp với quan điểm của Kyiv, qua đó Mỹ vẫn giữ được tình đồng minh với Âu Châu. Mỹ có muốn ăn cả cũng không thể được, bởi Mỹ khôn mà Âu Châu cũng chẳng dại. Mọi bên đều có lợi mới là điều khôn ngoan nhất.
Điều chỉnh lại bản dự thảo là điều Tổng Thống Trump nên làm. Ông tuyên bố hoãn áp thuế đối ứng được thì cũng có thể điều chỉnh bản dự thảo khai thác đất hiếm của Ukraine được. Nếu không vì lý trí thì là vì “trái tim.” Những người ủng hộ chính nghĩa của Ukraine đang chờ trái tim của ông Trump lên tiếng!