(Hình minh họa: Joshua Brown/Unsplash)

1.

Vừa qua, Quân đội Israel tiến hành những cuộc tấn công vào các căn cứ của Lực Lượng Gìn Giữ Hòa Bình LHQ (UNIFIL) . Theo giới quan sát, Israel làm thế để tăng cường quyền kiểm soát tại các khu vực biên giới.

Hành động này của Israel ngay lập tức vấp phải phản ứng mạnh mẽ từ nhiều quốc gia. Họ cho rằng Israel đã xem LHQ không ra gì, và rằng Israel chà đạp lên Nghị quyết 1701 năm 2006 của LHQ.

Nhưng nếu đọc kỹ lại nghị quyết này, người ta sẽ thấy rằng nó không chỉ yêu cầu Israel rút quân khỏi Liban, mà còn yêu cầu Hezbollah không được hiện diện ở Liban để tấn công Israel. Thế nhưng, trước những cuộc tấn công của Hezbollah vào Israel, UNIFIL hầu như chẳng làm gì để ngăn cản Hezbollah ngoài việc lên tiếng “quan ngại sâu sắc.” UNIFIL phải chịu trách nhiệm chính khi để Hezbollah chà đạp lên nghị quyết 1701. Việc Israel đưa quân trở lại Liban để dẹp Hezbollah là điều có thể hiểu được và không thể xem đó là lỗi của Israel.

Trong mắt Israel, UNIFIL chỉ là một đám ăn hại, tồn tại mà giống như không tồn tại. Thậm chí, có lẽ không quá lời nếu cho rằng UNIFIL, trong một chừng mực nào đó, gần như đồng lõa với Hezbollah khi để mặc cho Hezbollah pháo kích vào Israel mà không có bất kỳ sự phản đối nào.

Nghĩ cho cùng, với tình hình hiện nay ở Liban, sự tồn tại của UNIFIL là không cần thiết nữa. Thực ra, trước khi tấn công các căn cứ của UNIFIL, quân đội Israel đã yêu cầu LHQ rút UNIFIL khỏi Liban, nhưng LHQ không chấp nhận. Thủ Tướng Israel là ông Benjamin Netanyahu từng cho rằng UNIFIL chỉ là “lá chắn sống” bảo vệ Hezbollah. LHQ không chịu giải tán UNIFIL thì nên để Israel giải tán.

Chẳng việc gì phải tiếc xót một đám ăn hại, một lũ bung sung.

2.

Ông Lobos Blaha, một nghị sĩ Slovakia, đã tới Nga để “xin lỗi vì thái độ kỳ thị Nga ở Phương Tây.” Ông này nói muốn xin lỗi vì những “nghị quyết hiếu chiến, thù hận mà EU thông qua chống lại Nga.”

Khi nói lời xin lỗi đó, ông nghị sĩ này dường như đang trong tình trạng không tỉnh táo. Bởi nếu tỉnh táo, hẳn ông ta cần đặt câu hỏi rằng tại sao Phương Tây lại kỳ thị Nga. Nhưng đâu chỉ Phương Tây kỳ thị Nga mà nhiều nước khác trên thế giới cũng có ác cảm với Nga. Cái ác cảm đó đến từ cái chế độ độc tài mà Putin đang áp đặt lên nhân dân Nga. Chế độ độc tài này luôn kỳ thị Phương Tây, xem Phương Tây là mối đe dọa cho sự tồn tại của nó. Không chỉ thế, Putin và bộ sậu của ông ta còn thèm muốn đất đai của các nước khác, và sẵn sàng gây chiến tranh để chiếm đoạt đất đai của các nước khác. Cuộc xung đột Nga-Ukraine là một ví dụ.

Rốt cuộc, Không phải Phương Tây mà chính Nga mới là kẻ phải xin lỗi vì sự kỳ thị mà Nga dành cho Phương Tây. Tất nhiên, xin lỗi thôi thì không đủ. Putin và các “đồng chí hiếu chiến” của ông ta còn phải dứt khoát từ bỏ độc tài để đưa nước Nga trở lại quỹ đạo của nền dân chủ. Đó là mong muốn của cả thế giới.

3.

Giữa lúc căng thẳng Nam Hàn và Bắc Hàn leo thang, Trung Quốc lên tiếng.

Bà Mao Ninh, phát ngôn viên Bộ Ngoại Giao Trung Quốc, tuyên bố Trung Quốc kêu gọi các bên trên bán đảo Triều Tiên tránh leo thang căng thẳng hơn nữa. Bà Mao nhấn mạnh: “Căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên không phục vụ lợi ích chung của tất cả các bên.”

Vậy là Trung Quốc không muốn chiến tranh nổ ra giữa Nam Hàn và Bắc Hàn. Trong khi đó, được hỏi liệu Nga có hỗ trợ Bắc Hàn, nếu nước này bị Nam Hàn tấn công hay không, ông Putin đáp rằng Hiệp Ước Đối Tác Chiến Lược Toàn Diện được ký giữa Nga và Bắc Hàn nói lên tất cả. Hiệp ước này vốn bao gồm cam kết của hai nước về việc hỗ trợ quân sự cho nhau nếu một trong hai nước bị tấn công.

Vậy là Nga không có ý ngăn chặn một cuộc chiến tranh giữa Nam Hàn và Bắc Hàn. Và rằng Nga sẵn sàng hỗ trợ Bắc Hàn, nếu nước này có chiến tranh với Nam Hàn.

Sau khi Nga và Bắc Hàn ký kết hiệp ước trên, Nam Hàn từng tuyên bố quan hệ Nga-Hàn có tốt đẹp hay không là tùy thuộc Nga có coi trọng mối quan hệ này hay không. Nghĩa là Nam Hàn muốn Nga phải dứt khoát chọn ai. Như thế khi nói Nga sẽ tuân thủ cái hiệp ước đã ký với Bắc Hàn, thì xem như Nga không chọn Nam Hàn.

Mặt khác, với tình hình hiện tại, Bắc Hàn xem như đã chọn Nga làm chỗ dựa chứ không phải Trung Quốc như bao lâu nay. Với Bắc Hàn, Trung Quốc có lẽ đã thuộc về quá khứ, còn Nga mới là hiện tại và tương lai.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: