Hình trên là cái “chạn” hay còn gọi là cái “gác-măng-dê”… là một dạng tủ đựng thức ăn giống như tủ lạnh nhưng nó không lạnh.
Phải giới thiệu thế vì nhiều bạn trẻ có thể không biết nó là cái gì.
***
Có câu chuyện về một vị hiền triết Hy Lạp, ông chủ trương sống tối giản. Một hôm, cậu bé hàng xóm sang xin ông vài cục than nóng, ông vào bếp nhưng hỏi cậu bé: “Cháu không mang cái gì đựng thì làm sao mang than nóng về được?”
Cậu bé lấy một ít tro nguội vào lòng bàn tay, rồi đặt mấy cục than nóng lên, đi về nhà.
Cậu bé này dạy ta một điều, rằng ta vẫn dư thừa một vật.
Thế là nhà hiền triết đem đập vỡ cái chén duy nhất có trong nhà.
***
Từ lạc hậu, mông muội sang văn minh hiện đại cần thời gian để ý thức nó chuyển hóa dần, nó tha hóa thích nghi dần, chứ không phải đang đốt đèn dầu chuyển sang bóng điện Neon hay LED là tự động tư duy nó thay đổi ngay tắp lự.
Trước 1975, dĩ nhiên, nhà tôi đã có tủ lạnh (hồi đó thì chỉ có tủ lạnh một cửa thôi, đêm nó kêu rì rì, ngày nó kêu rọc rọc). Thế nhưng các cô tôi vẫn cứ phải có cái chạn để trong bếp, bốn cái chân kê bốn cái chén đổ nước vào chống kiến, mà rồi bọn kiến, bằng nhiều cách, chúng vẫn bò vào chạn được.
Phải mãi sau này, các cô mới quen dùng tủ lạnh.
Đừng nói hồi đó. Ngay cả bây giờ, ngay tại nước Mỹ, vẫn có những người không dùng nồi cơm điện hay lò microwave, với lý do của riêng họ. Ví dụ cơm nồi điện không ngon, nấu bằng microwave có hại,…
Mấy tháng trước, cái tủ lạnh cũ của tôi bị hư, lúc lạnh lúc không. Tính kêu người sửa nhưng các con nó gạt phăng, nó mua cho tôi cái mới tinh, rồi thuê 50 đô để họ chở tủ lạnh cũ vứt đi. Cái tủ mới có những tính năng mà đọc sách hướng dẫn nhức đầu, nên kệ, cứ thấy ngăn đông thì đông, ngăn lạnh thì lạnh là được.
***
Ăn tươi, chỉ ăn cá và rau, ra chợ trước khi nấu ăn 1 tiếng … cũng vẫn buộc phải có tủ lạnh. Nó không chỉ là tiện nghi văn minh giúp tiết kiệm thời gian, tạo dễ chịu, nó còn là sự sạch sẽ và an toàn thực phẩm.
Từ cái “chuồng hôi” ngoài Bắc, “cầu tõm” trong Nam đến cái bồn toilet hiện đại sạch thơm American Standard của Mỹ hay Toto của Nhật, nó cũng cần nhiều thời gian.
Đôi khi, thời gian cũng chịu thua.
Lúc đó ta nói “có thể lôi con khỉ ra khỏi khu rừng nhưng không thể lôi khu rừng ra khỏi con khỉ.”