Cái chết của ông Nguyễn Phú Trọng là một đề tài gây nhiều tranh cãi trong dư luận xã hội những ngày qua và trong nhiều ngày tới. Một số người ủng hộ chiến dịch “đốt lò,” chống tham nhũng thì đổi ảnh đại diện trên mạng xã hội thành màu đen để chia buồn. Một số người thì rủ nhau mua bia ăn mừng khi thấy một lãnh tụ độc tài qua đời.
Bên cạnh đó cũng có một số khác thì cho rằng ông này mất thì ông khác thay vào thì cũng không có thay đổi gì. Họ lập luận rằng “chết một con ruồi sẽ không làm ảnh hưởng tới một đống phân, ông “Lú” chết thì lại có thằng “Lầm” lên thay, cái cần là phải dọn đống phân.” Nhưng cũng có người cho rằng “chết thằng nào thì đỡ thằng đó,” phản ứng của người dân cũng là lời cảnh tỉnh cho những lẻ còn lại.
Lại có người khác thì lan truyền những câu thơ mỉa mai công cuộc đốt lò của ông Trọng chẳng khác gì “nuôi ong tay áo.” Kiếm củi đót lò nhưng thành ra dọn đường cho Tô Lâm “thống nhất thiên hạ”. Câu thơ như sau:
“Trồng rừng kiếm củi đốt lò,
Lò thì đã tắt, rừng còn y nguyên.”
Rừng tức là nói tới Tô Lâm.Hoặc có câu thơ khác mỉa mai ông Trọng “bắt tép nuôi cò”, để cuối cùng bị phe công an nắm hết binh quyền:
“Công anh đốn củi xây lò
Công an lấy củi đốt lò anh luôn.”
Thế nhưng một hiện tượng đặc biệt nhất diễn ra từ khi có tin ông Trọng qua đời, đó là “bàn số đề.”
Không biết cộng sản Việt Nam chấn hưng văn hoá, xây dựng “con người xã hội chủ nghĩa” kiểu gì, mà những năm gần đây ở Việt Nam cứ nhà nào có đám tang là người ta lại tụm nhau bàn… số đề, thay vì thương khóc chia buồn cùng tang quyến. Câu chuyện này đã từng được báo chí cộng sản nhắc tới từ năm 2008. Tờ báo Tiền Phong kể rằng mỗi khi trong làng Triều Khúc (xã Tân Triều, Thanh Trì, Hà Nội) có người chết thì số lượng người chơi lô, đề lại tăng vọt, mức tiền chơi cũng tăng lên gấp 4-5 lần.
Theo bài viết này thì cứ có ai chết là dân ghiền lô, đề lại hoan hỉ vì có số để chơi. “Chơi số đề” nói lái là “chê số đời”, nên người chơi sẽ tập trung vào những “con lô”, “con đề” theo ngày mất, tuổi tác của người vừa lìa đời. Ví dụ ông Nguyễn Phú Trọng hưởng thọ 80 tuổi thì sẽ ghi đề theo tuổi âm lịch là 81. Hoặc chơi theo ngày mất, ông Trọng được công bố mất ngày 19 Tháng Bảy, tương đương ngày âm lịch là 14 tháng 6, thì “bao lô” số 14.
Lúc bộ chính trị công bố cái chết của Nguyễn Phú Trọng, dân chơi số đề cho rằng đám tang thì ngày nào cũng có nhưng quốc tang lâu lâu mới có 1 lần, nên dự đoán là nhà nước sẽ “thưởng nóng” cho người dân trúng vài con lô để mua bia. Ai vui thì có tiền làm tiệc ăn mừng; còn ai tiếc thương thì cũng có tiền mua thêm thùng bia, dĩa mồi để chia buồn. Dân Việt Nam mà, vui hay buồn gì thì cũng phải làm vài lon bia cho sôi động.
Cũng chẳng biết là linh nghiệm ra sao, nhưng trùng hợp là kết quả xổ số ngày 20 Tháng Bảy thì đài Sài Gòn lại ra số đầu là 14. Dân chơi số đề lại trúng ngay ngày đầu đám tang theo tỷ lệ 1 ăn 70. Những ngày quốc tang sắp tới người chơi đề lại đổ xô nhau theo số 81, số tuổi của ông Trọng.
Thậm chí có người nói quốc tang năm 2018 ghi đề theo tuổi 63 của Trần Đại Quang bị sai là do ông Quang khai tuổi giả; còn nay ông Trọng xài tuổi thật nên sẽ dễ trúng hơn. Năm sau không biết lại có thêm cái quốc tang nào không để ghi đề kiếm tiền mua bia. Thật chẳng còn gì mỉa mai bằng chuyện người dân chỉ đợi quốc tang để bàn số đề.
Chưa nói tới chuyện chính trị, thanh trừng phe phái, tham nhũng, Ciputra, Formosa,… chỉ riêng chuyện người dân háo hức bàn số đề nhân dịp quốc tang là có thể thấy ông Trọng đã thất bại ngay trong việc xây dựng cái gọi là “con người xã hội chủ nghĩa”. Sau 18 năm cầm quyền, từ chủ tịch quốc hội tới tổng bí thư, rồi có lúc kiêm nhiệm thêm ghế chủ tịch nước, ông Trọng là người đầu tiên phải chịu trách nhiệm khi đạo đức người dân xuống cấp trầm trọng như ngày hôm nay.