Theo thống kê từ Sở GD&ĐT TP.HCM được báo Pháp Luật trích dẫn cho thấy, trong ba năm học từ 2020-2021 đến nay, đã có tổng cộng 219 cán bộ quản lý, 2,483 giáo viên rời khỏi ngành giáo dục ở Sài Gòn, trong đó có 1,233 người nghỉ việc.
Vì thế, trong năm học này, chỉ tính riêng bậc tiểu học, thành phố thiếu tới hơn 3,600 giáo viên (tương đương 12.8% số lượng giáo viên cần có), chưa kể phải xây dựng thêm hơn 1,700 lớp học nữa mới đủ chỗ cho học sinh.
Sự thiếu hụt giáo viên, vô hình chung làm tăng thêm gánh nặng cho những người ở lại, nên mỗi thầy cô phải gánh công việc nhiều hơn 12.8% so với số lượng công việc họ chịu trách nhiệm. Nếu cứ thêm một giáo viên nghỉ việc, thì gánh nặng đổ thêm xuống trên vai người còn lại. Thế là không chịu nổi, lại có thêm giáo viên tiếp tục nghỉ, rất khó để có thể ngăn được.
Việc dồn lên vai, nhưng đồng lương vẫn như cũ, và thấp đến vô lý, đến tủi thân, đến mức không thể chấp nhận được.
Theo quy định từ Bộ GD&ĐT, lương của giáo viên mới tuyển dụng sau khi đã trừ bảo hiểm xã hội, là 3.3 triệu đồng/tháng (khoảng hơn $140).
Nhiều người đặt câu hỏi rằng làm sao giáo viên có thể sống được với đồng lương rẻ mạt như thế ở thành phố đắt đỏ nhất nước?
Các lãnh đạo sẽ trả lời rằng họ vẫn sống được từ bao lâu nay, vì có giáo viên nào chết đói đâu?
Xem ra, sức chịu đựng của giáo viên, và cả xã hội này rất cao, gần 70 năm nay vẫn chưa có ai chết đói vì đồng lương bèo bọt, và cũng chẳng ai quan tâm làm thế nào họ sống được. Tuy nhiên, hình như thời thế đã thay đổi, người dân hiện nay sẵn sàng đứng lên đòi hỏi quyền lợi, chứ không cam chịu nữa.
Nhìn mức lương của người giáo viên mới bước chân vào nghề, mới thấy nhà nước “chăm lo” cho người đi xây dựng thế hệ tương lai nhiều lắm!
Rất mỉa mai khi lấy mức lương căn bản của công nhân ra so sánh với lương giáo viên. Ở vị trí lao động thời vụ, tạp vụ, bảo vệ, nhân viên bán hàng,… những người không qua đào tạo, không có tay nghề, người công nhân được trả 5 triệu đồng/tháng.
Mức lương này cao hơn mức lương của giáo viên tiểu học gần 2 triệu đồng!
Câu hỏi được báo Lao Động đặt ra là: Nếu không có sự thay đổi, rồi đây ai sẽ đi học ngành sư phạm để ra làm thầy cô giáo dạy tiểu học? Và nếu có người còn theo nghề, thì liệu có thể hết lòng với nghề nghiệp, dạy tốt khi mà họ không thể sống tử tế với đồng lương của mình?
Câu hỏi của báo Lao Động cho thấy người giáo viên vẫn sống được, nhưng họ không thể nào “sống tử tế với đồng lương của mình”. Chẳng có lãnh đạo nào cảm thấy có trách nhiệm khi để xảy ra tình trạng đó.
Thế nên, chuyện không lạ khi hiện nay người giáo viên đã không còn chờ sự thay đổi ở các cấp lãnh đạo nữa. Họ đã hết tin những lời hứa suông có tình lừa phỉnh. Các giáo viên đang tự tạo sự thay đổi trong môi trường làm việc của họ bằng cách nghỉ việc.