Sau đại dịch, Trung Quốc sẽ thay Mỹ lãnh đạo thế giới? (1)

Đầu năm nay, dịch cúm Vũ Hán bùng phát ở Trung Quốc rồi phát tán khắp thế giới. Trong những ngày đầu đại dịch, cả thế giới nhìn về Vũ Hán với lòng thương cảm và lo lắng. Cũng đã có người ví dịch cúm Vũ Hán với “thảm họa nguyên tử Chernobyl”, sẽ “bắt đầu chuỗi ngày sụp đổ” của đảng Cộng sản Trung Quốc và Hoa Kỳ sẽ có lợi thế trong cuộc cạnh tranh địa chính trị với đối thủ châu Á.

Nhưng tình hình xoay chuyển nhanh chóng, Trung Quốc sớm thoát ra khỏi đại dịch còn châu Âu và Hoa Kỳ lại gánh chịu những hậu quả thảm khốc. Trung Quốc, từ vị trí một “kẻ tội đồ” đã tận dụng cơ hội để sắm vai “người hùng” cứu nhân độ thế. Và từ đó, có ý kiến cho rằng đại dịch Vũ Hán đang sắp xếp lại trật tự thế giới, và Trung Quốc sẽ là người chiến thắng. Đại dịch Vũ Hán, theo nhiều ý kiến từ Trung Quốc, không chỉ cho thấy tài năng quản trị của Đảng Cộng sản Trung Quốc mà còn chứng tỏ tính ưu việt của mô hình chính trị “xã hội chủ nghĩa” so với chế độ dân chủ tự do!

Nên nhìn nhận vấn đề này như thế nào? Loạt bài sau đây của Saigon Nhỏ trình bày các góc nhìn khác nhau của một số nhà nghiên cứu chính trị để bạn đọc tham khảo. Nếu bạn đọc quan tâm tới đề tài này và có ý kiến thảo luận, xin vui lòng góp ý ở phần bình luận bên dưới.

Bài 1: Trung Quốc sẽ giành được thế giới thời hậu coronavirus, Hoa Kỳ sẽ bị bỏ lại phía sau

KISHORE MAHBUBANI

Trong bài phân tích về thế giới thời kỳ hậu dịch cúm Vũ Hán đăng trên MarketWatch ngày 16-04, giáo sư Mahbubani nhận định:

Để hiểu thế giới thời hậu dịch sắp tới, chúng ta cần nhớ một thống kê quan trọng về nhân lực: có 330 triệu người sống ở Mỹ; 1,4 tỷ người ở Trung Quốc và khoảng 6 tỷ người ở phần còn lại của thế giới. Sáu tỷ người này, rải rác ở 191 quốc gia, đã tự chuẩn bị cho cuộc cạnh tranh địa chính trị giữa Mỹ và Trung Quốc. Sự lựa chọn của họ sẽ quyết định ai là người chiến thắng.

Với đa số người Mỹ, đây là sự lựa chọn quá dễ: nếu chọn giữa một nước Mỹ dân chủ, yêu tự do với một Trung Quốc cộng sản và đàn áp, thì sáu tỷ người đó sẽ chọn Mỹ. Thật vậy, Mỹ có nhiều cái hấp dẫn: các trường đại học lừng danh, kịch nghệ Broadway, phim ảnh Hollywood. Các siêu cường dù xuống dốc cũng vẫn giữ được các thành quả văn hóa của mình.

Giới tinh hoa đang điều hành 191 quốc gia phần lớn đã được đào tạo tại các trường đại học phương Tây. Họ học được cách tính toán lạnh lùng, cân nhắc chi phí-lợi ích mà cả Mỹ và Trung Quốc đem lại cho họ. Tình cảm không có vai trò gì ở đây cả. Họ phải quyết định, Hoa Kỳ và Mỹ, nước nào sẽ giúp cải thiện cuộc sống của nhân dân họ.

Châu Phi là một ví dụ. Các nhà lãnh đạo châu Phi nghiên cứu các câu chuyện thành công kinh tế của Đông Á và học tập. Thương mại chứ không phải viện trợ mới kích thích tăng trưởng kinh tế. Trung Quốc bây giờ là cường quốc thương mại số một, tổng khối lượng ngoại thương lên tới 4.430 tỷ Mỹ kim, so với 3.890 tỷ Mỹ kim của Hoa Kỳ. Để thúc đẩy thương mại trong lục địa châu Phi, cần có hạ tầng giao thông hạng nhất. Trung Quốc bây giờ là siêu cường về hạ tầng của thế giới, họ xây những bến cảng, đường sắt, đường bộ, nhà máy điện khắp châu Phi, như hải cảng khổng lồ Bagamoyo ở Tanzania, đường sắt Addis Ababa-Djibouti. Tổng thống Rwanda Paul Kagame nói: “Trung Quốc mang tới những gì mà châu Phi cần: vốn đầu tư và tiền bạc cho các chính phủ, các doanh nghiệp.” Một dấu hiệu rõ ràng là khi Trung Quốc triệu tập hội nghị cấp cao Trung Quốc-Phi châu, tất cả các nhà lãnh đạo châu Phi đều có mặt.

Có một niềm tin rộng rãi rằng Trung Quốc đang lôi kéo các nước nghèo vào bẫy nợ, nhưng quan điểm đó không đúng. Trong một báo cáo nghiên cứu năm 2019, giáo sư Deborah Brautigam của Đại học Johns Hopkins kết luận rằng phần lớn những quốc gia nghèo này đều tự nguyện ký tên vay nợ và có trải nghiệm tích cực khi làm việc với Trung Quốc. “Bằng chứng cho tới nay, kể cả trường hợp Sri Lanka, cho thấy những lời cảnh báo về việc các ngân hàng Trung Quốc tài trợ các dự án hạ tầng khắp Vành đai và Con đường (BRI) là nói quá”, bà Brautigam viết và thêm “… một số lượng lớn người dân có quan điểm tốt về Trung Quốc như là một hình mẫu về kinh tế, và coi Trung Quốc là một đối tác hấp dẫn trong công cuộc phát triển của họ. Ví dụ, năm 2104 có 65% người Kenya, 67% người Ghana và 85% người Nigeria – nước đông dân nhất châu Phi – có cái nhìn thiện cảm về Trung Quốc”.

Italy là một chỉ dấu hàng đầu cho thấy thế giới đã đảo ngược như thế nào. Italia là thành viên nhóm G-7 nhưng nền kinh tế ốm yếu. Trung Quốc đứng ra cung cấp đầu tư cho Italia. Cựu bộ trưởng tài chánh và kinh tế Italia Giovanni Tria gọi đầu tư của Trung Quốc là “một vòng tròn đức hạnh, thỏa mãn và khuếch tán tăng trưởng”, là “một đoàn tàu mà Italia không để bị lỡ”. Bây giờ đại dịch Covid-19 đang thúc đẩy mạnh quan hệ Trung Quốc-Italia. Trong lúc các thành viên Liên minh châu Âu lúc đầu ngần ngại không hỗ trợ Italia thì Trung Quốc đáp ứng gần như ngay lập tức, gửi 31 tấn trang bị y tế hết sức cần thiết cho Italia, như máy trợ thở, khẩu trang và quần áo bảo hộ.

Trong những vụ thiên tai trước đây, như vụ sóng thần đêm trước lễ Giáng sinh ở Indonesia năm 2004, Hoa Kỳ là nước đầu tiên đem viện trợ đến, Trung Quốc giúp rất ít. Với đại dịch Covid-19, vai trò đã đảo ngược. Sáu tỷ người ngoài Trung Quốc và Mỹ đã thật sự kinh ngạc khi thấy sự trái ngược rõ ràng giữa phản ứng hiệu quả của Trung Quốc và phản ứng bất lực của Hoa Kỳ. Họ sẽ đồng ý với nhận định của Tổ chức Y tế thế giới: “Cách xử lý táo bạo để kiềm chế sự phát tán nhanh của mầm bệnh hô hấp đã làm thay đổi đường đi của một đại dịch chết chóc và lan rộng nhanh chóng”.

Cũng quan trọng như vậy, tờ Lancet, tạp chí y khoa hàng đầu của phương Tây, đã đăng một thư ngỏ của nhiều nhà y học và sức khỏe công cộng hàng đầu khen ngợi phản ứng của Trung Quốc, lưu ý những nỗ lực của “các nhà khoa học, chuyên gia y tế cộng đồng, y bác sĩ của Trung Quốc là rất đáng chú ý”.

*

Nhưng tất cả những điều đó không có nghĩa là đại đa số các nước sẽ từ bỏ Hoa Kỳ và gia nhập phe Trung Quốc. Còn lâu. Phần lớn các quốc gia đều muốn duy trì quan hệ tốt với cả hai cường quốc, không muốn bị buộc phải chọn một. Nếu Trung Quốc cung cấp công nghệ viễn thông 5G tốt và rẻ của Huawei chẳng hạn thì đa số các nước (kể cả các đồng minh của Mỹ như Anh quốc, Đức và Pháp) đều muốn chọn công nghệ tốt nhất cho hạ tầng viễn thông của mình. Khi Hoa Kỳ áp đặt cấm vận lên nước nào mua đồ của Huawei thì xảy ra trục trặc với bạn bè.

Tự do lựa chọn cái gì tốt nhất cho nước mình là một yêu cầu mà nhiều bạn bè của nước Mỹ đòi hỏi. Ấn Độ và Thổ Nhĩ Kỳ muốn tự do chọn hỏa tiễn S-400 của Nga; Indonesia muốn mua máy bay chiến đấu Sukhoi; còn Anh, Pháp và Đức muốn tự do buôn bán với Iran thông qua Instex – một cơ chế thanh toán mà họ lập ra để dễ giao dịch với Iran.

Hoa Kỳ vẫn có thể khôi phục ảnh hưởng rất lớn của họ trên thế giới. Vẫn còn rất nhiều thiện chí dành cho Hoa Kỳ, ở 10 quốc gia Đông Nam Á chẳng hạn. Thực tế hai trong số 10 quốc gia này, Thái Lan và Phi Luật Tân, là những đồng minh “kỹ thuật” của Hoa Kỳ. Nhưng chắc chắn rằng cả hai nước đó đều gần gũi với Trung Quốc hơn Hoa Kỳ. Cả 10 nước ASEAN đều buôn bán với Trung Quốc nhiều hơn với Hoa Kỳ, bù lại, đầu tư của Hoa Kỳ vào ASEAN thì lớn hơn; tổng đầu tư của Hoa Kỳ tại ASEAN là 328 tỷ Mỹ kim, nhiều hơn vốn đầu tư vào Ấn Độ, Trung Quốc, Nhật Bản và Nam Hàn cộng lại. Trong khi đó, đầu tư của Trung Quốc tại ASEAN chỉ vào khoảng 150 tỷ Mỹ kim.

10 quốc gia ASEAN, cũng như 181 quốc gia khác, không muốn vướng vào cuộc tranh chấp địa chính trị “được ăn cả, ngã về không” giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc. Điều rất hợp lý là họ muốn giữ cho mọi lựa chọn luôn mở. Nếu có một nền ngoại giao khéo léo, Hoa Kỳ có thể thắng cuộc chơi. Đáng buồn là, nghệ thuật ngoại giao đã bị mất ở thủ đô Washington D.C. Điều đó tạo ra khoảng trống khổng lồ mà Trung Quốc đang tận dụng tối đa trên con đường giành chiến thắng một thế giới thời hậu Covid-19.

Kishore Mahbubani là nhà nghiên cứu nổi tiếng của Viện Nghiên cứu châu Á, Đại học Quốc gia Singapore, tác giả sách “Has China Won? The Chinese Challenge to American Primacy” (Public Affairs, 2020). Nguyên là nhà ngoại giao cao cấp của Singapore, ông từng đảm nhiệm chức chủ tịch Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc từ 01-2001 đến 05-2002.

XEM THÊM

Sau đại dịch, Trung Quốc sẽ thay Mỹ lãnh đạo thế giới? (2)

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Hình như là…
Người bạn nàng, bạn thời trung học, tha thiết rủ rê nàng sang Mỹ chơi một chuyến. Hắn bảo, nhà cửa hắn rộng rãi thoải mái, không việc gì phải…
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: