Khoảnh khắc tình yêu thăng hoa trong đêm giao thừa chuyển giao năm mới là thời điểm tuyệt đẹp tạo nên bước ngoặt mới trong mối quan hệ mà đạo diễn hay chọn để thể hiện, nổi bật nhất có thể kể đến bốn bộ phim dưới đây.
New Year’s Eve
Cố đạo diễn Gary Marshall là bậc thầy làm phim lãng mạn, mang nhiều nội dung ý nghĩa, đem lại những tiếng cười nhẹ nhàng nhưng sâu sắc vcho người xem. Đặc biệt, ông nổi tiếng với các phim tập hợp một dàn sao hùng hậu, với các nhân vật và mẩu chuyện khác nhau, ghép lại thành bức tranh tổng thể một nhân dịp ngày lễ.
Bộ phim “New Year’s Eve” là một trong số những bộ phim đặc trưng của Gary Marshall khi kể về câu chuyện khác nhau trong đêm Giao Thừa của các nhân vật sinh sống ở thành phố New York năng động và nhộn nhịp. Mỗi người mỗi hoàn cảnh, mỗi số phận, mỗi góc khuất với ngổn ngang cảm xúc trong thời khắc chuyển giao năm mới khi quả cầ u ánh sáng hạ xuống tại quảng trường Times hạ xuống vào đúng 12 giờ đêm.
Đó có thể là mẫu chuyện của nam ca sĩ nổi tiếng Jensen, người đang cố gắng hàn gắn lại mối quan hệ với người bạn gái đầu bếp Laura với màn tỏ tình trong giây phút giao thừa; hay anh chàng MC của chương trình “Afren Records Masquerade Ball” Sam luôn thao thức ngóng trông người con gái hẹn anh trong năm mới; cũng có thể là Randy, chàng họa sĩ truyện tranh ghét đêm giao thừa vì những ám ảnh chia tay trong quá khứ, tình cờ gặp gỡ cô nàng ca sĩ chuyên hát bè Elise và nên duyên với cô; hay như mối quan hệ giữa bà mẹ đơn thân Kim và đứa con gái đang tuổi lớn Hailey; và cảm động nhất là cuộc đối thoại giữa nữ y tá Aimee và bệnh nhân ung thư giai đoạn cuối Stan trong thời khắc ông chuẩn bị lìa đời với mong mỏi được nhìn ngắm quả cầu lần cuối sẽ khiến khán giả không khỏi bùi ngùi.
Phim có sự tham gia của hàng loạt tên tuổi nổi tiếng ở Hollywood, bao gồm Halle Berry, Jessica Biel, Bon Jovi, Abigail Breslin, Rober De Niro, Josh Duhamel, Zac Efron, Ashton Kutcher, Katherine Heigl, Lea Michele, Sarah Jessica Parker, Seth Meyers, Michelle Pfeiffer, Hilary Swank và Sofia Vergara.
Carol
Năm 2015, đạo diễn Tom Haynes chọn bước đi mạo hiểm khi sản xuất phim “Carol” lấy đề tài về đồng tính nữ, là một trong những bộ phim tiên phong khai thác về tình yêu giữa hai người con gái ở Hollywood, dựa trên cuốn tiểu thuyết “The Price of Salt” của nhà văn Patricia Highsmith.
Xã hội Mỹ trong thập niên 50 vốn vẫn còn khắt khe về tình yêu đồng tính, đặc biệt là giữa nữ giới nhưng không vì thế mà nó có thể cản trở những rung động trái tim của nữ nhà văn Carol Aird và nữ nhiếp ảnh gia trẻ tuổi Therese Belivet, cho dù một người đã là mẹ của hai đứa con và người kia đang có một tình yêu đẹp với người bạn trai bảnh bao, nam tính.
Câu chuyện tình yêu của Carol và Therese tiếng cười thì ít mà nước mắt thì nhiều, khi cả hai không thể phá bỏ được những định kiến hằn sâu trong suy nghĩ của xã hội thời đó, lại càng không thể đối diện với những thực tại và định kiến hà khắc dưới con mắt người thường.
Khoảnh khắc nụ hôn mà Carol dành cho Therese trong bữa tiệc đêm giao thừa sẽ khiến khán giả không thể rời mắt. Nó vừa mãnh liệt, cháy bỏng, khao khát có được sự chấp nhận nhưng cũng ẩn chứa những lo lắng, sợ hãi về mối tình vụng trộm không chỉ có thể bị thiên hạ dè bỉu mà còn làm tổn thương gia đình của mình, đặc biệt là những đứa trẻ của Carol.
Sleepless in Seatles
Ra mắt khán giả năm 1993 nhưng cho đến tận bây giờ, bộ phim “Sleepless in Seatles” vẫn được xem là tác phẩm kinh điển tồn tại mãi với thời gian. Đây cũng là bộ phim nổi tiếng của nam tài tử Tom Hanks và minh tinh Meg Ryan, tạo nên mối tình trên phim đầy lãng mạn, sâu lắng và giàu cảm xúc.
Cuộc đời của “gà trống” Sam Baldwin một mình nuôi con sau khi vợ qua đời vô cùng khó khăn với nỗi đau mất mát quá lớn, khiến anh luôn rơi vào trạng thái trầm cảm, cô đơn. Đứa con trai tám tuổi Jonah tuy còn nhỏ nhưng cực kỳ tình cảm, đã lém lỉnh lén lút gọi điện đến chương trình trò chuyện đêm khuya trên radio để tìm vợ của cho cha mình. Tình cờ, cô nàng phóng viên Annie nghe được câu chuyện, đã gửi thư đến cho Sam làm quen. Trong hằng hà sa số lá thư gửi đến cho Sam, bé Jonah chỉ lấy duy nhất lá thư của Annie và thuyết phục cha mình gặp người con gái ở Baltimore. Giây phút Sam đến New York, hối hả chạy lên tòa tháp Empire State Building trong khoảnh khắc bước sang năm mới để gặp người tri kỷ qua thư sẽ khiến người xem xốn xao con tim mình.
“Sleepless in Seatles” không chỉ hớp hồn khán giả, có doanh thu cao mà còn được xếp vào danh sách các bộ phim lãng mạn hay nhất của Mỹ trong thế kỷ 20.
When Harry Met Sally
Bạn sẽ phản ứng như thế nào nếu như nhận được lời tỏ tình vào đúng đêm giao thừa? Đó cũng chính là cảnh kết trong phim “When Harry Met Sally,” phát hành năm 1987, khi cô nàng Sally Albright, do minh tinh Meg Ryan thủ vai, trong phim được người bạn học lâu năm Harry Burns, do tài tử kỳ cựu Bill Crystal đóng, tỏ tình trong giây phút chuyển sang năm mới.
Cả hai đều là những học từ thời sinh viên ở trường đại học University of Chicago trong thập niên 70, và không bao giờ hài lòng về nhau, thậm chí là còn ghét nhau ra mặt. Sally là mẫu người con gái thông minh, nguyên tắc một cách cứng nhắc, trong khi Harry là người háo thắng, một chút phóng túng và thích áp đặt suy nghĩ của mình lên người khác. Sau khi tốt nghiệp, cả hai nhất quyết không gặp lại nhau vì những khoảng cách khác nhau quá lớn, nhưng đời lại đưa đẩy họ lại vô tình thấy nhau ở New York. Tuy nhiên, cả hai một lần nữa lại vụt mất nhau cho đến khi 10 năm nữa gặp lại, khi một người bị vợ bỏ, một người vừa chia tay với mối tình lâu năm, thì đây mới đúng là thời điểm của Harry và Sally.
Không chỉ vẽ nên câu chuyện tình đầy dí dỏm, nhân văn và lãng mạn, cái hay của “When Harry Met Sally” chính là lời thoại cực kỳ dí dỏm, hóm hỉnh, những màn đấu khẩu của hai nhân vật chính đầy hài hước nhưng cũng cực kỳ thông minh.