5 tác dụng phụ của chất bổ sung dầu cá Omega-3

(Hình minh họa: Unsplash)

Chất béo lành mạnh là cần thiết, nhưng các bác sĩ cảnh báo một số tác dụng phụ tiềm ẩn nếu bạn dùng dưới dạng thực phẩm bổ sung.

Axit béo omega-3 – chất béo lành mạnh – đóng vai trò quan trọng trong mọi thứ, từ chức năng tim và não đến sức khỏe khớp và mắt. Có một số chất dinh dưỡng như vitamin D mà cơ thể khỏe mạnh có thể tự tổng hợp, nhưng omega-3 lại là thứ chúng ta cần bổ sung thông qua khẩu phần ăn uống hàng ngày. Thực phẩm giàu omega-3 bao gồm các loại cá như cá hồi, cá thu và cá mòi, cũng như trong các nguồn thực vật như hạt lanh, quả óc chó và hạt chia.

Với nhận thức chất béo omega-3 rất quan trọng đối với sức khỏe, nhiều người chuyển sang sử dụng các chất bổ sung dinh dưỡng dưới dạng viên nang hoặc dạng khác để tăng lượng omega-3 hấp thụ. Tuy nhiên, nghiên cứu cho thấy chỉ riêng chất bổ sung omega-3 không làm giảm nguy cơ mắc bệnh tim. Thay vào đó, ăn hải sản từ một đến bốn lần một tuần có thể làm giảm nguy cơ tử vong do các bệnh liên quan đến tim.

Theo Cleveland Clinic, tốt hơn là nên bổ sung omega-3 từ nguồn thực phẩm nguyên chất thay vì thực phẩm bổ sung. Riêng đối với những người có lượng triglyceride cao hoặc những người được chẩn đoán mắc bệnh viêm khớp dạng thấp, các chất bổ sung omega-3 như viên dầu cá có thể mang lại một số lợi ích nhất định.

Các tác dụng phụ tiềm ẩn của omega-3 để phòng tránh rủi ro, và dùng chất béo lành mạnh này theo cách phát huy lợi ích tốt nhất.

1.Nguy cơ chảy máu
Axit béo omega-3 nhìn chung an toàn, nhưng có thể gây ra tác dụng phụ khi dùng ở liều cao. Một rủi ro tiềm ẩn là nguy cơ chảy máu, đặc biệt là khi dùng dầu cá liều cao. Nguyên nhân là do omega-3 hoạt động như chất chống đông máu tự nhiên, có nghĩa là nó có thể làm giảm nhẹ quá trình đông máu bằng cách ảnh hưởng đến chức năng tiểu cầu.

Một bài đánh giá gần đây được công bố vào Tháng Năm năm 2024 trên Tạp chí của Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ được bình duyệt đã xem xét liệu các chất bổ sung omega-3 có làm tăng nguy cơ chảy máu hay không, đặc biệt là liên quan đến liều lượng và việc sử dụng đồng thời các loại thuốc làm loãng máu. Các nhà nghiên cứu đã phân tích dữ liệu từ 11 thử nghiệm lâm sàng ngẫu nhiên với 120,643 người tham gia cho đến Tháng Năm năm 2023.

Nghiên cứu phát hiện ra rằng axit béo không bão hòa đa omega-3 (PUFA) thường không làm tăng nguy cơ chảy máu. Tuy nhiên, những người dùng liều cao axit eicosapentaenoic tinh khiết (EPA), một loại omega-3 cụ thể, có thể phải đối mặt với nguy cơ chảy máu tăng nhẹ mặc dù tác dụng này là nhỏ và có thể không có ý nghĩa lâm sàng.

Trước khi bắt đầu dùng chất bổ sung omega-3, điều quan trọng là phải tham khảo ý kiến của bác sĩ chăm sóc sức khỏe, đặc biệt nếu bạn có tiền sử rối loạn chảy máu, đang dùng thuốc làm loãng máu hoặc sắp phải trải qua một thủ thuật y tế. Bác sĩ có thể tư vấn về liều lượng an toàn nhất hoặc đề xuất các phương pháp thay thế để giúp giảm thiểu mọi rủi ro tiềm ẩn.

2.Rung nhĩ
Rung nhĩ (AFib) là một tác dụng phụ nghiêm trọng khác có liên quan đến các chất bổ sung omega-3 có nguồn gốc từ dầu cá. AFib là một loại nhịp tim không đều làm tăng nguy cơ hình thành cục máu đông, đột quỵ và suy tim. Một nghiên cứu gần đây được công bố vào Tháng Năm năm 2024 trên Tạp chí Y khoa Anh xem xét liệu việc bổ sung dầu cá thường xuyên có ảnh hưởng đến nguy cơ và sự tiến triển của bệnh tim mạch hay không.

Nghiên cứu này theo dõi hơn 415,000 người tham gia ở các giai đoạn khác nhau của sức khỏe tim mạch.

Cá hồi có chứa omega-3. (Hình minh họa: Orkun Orcan/Unsplash)

Đối với những người khỏe mạnh nói chung (không mắc các bệnh tim mạch), các phát hiện cho thấy việc bổ sung dầu cá thường xuyên có thể làm tăng nhẹ nguy cơ phát triển AFib hoặc đột quỵ. Tuy nhiên, ở những người tham gia đang mắc bệnh tim, dầu cá dường như mang lại lợi ích bảo vệ, có khả năng làm chậm quá trình tiến triển từ AFib thành các biến chứng nghiêm trọng hơn và giảm nguy cơ tử vong liên quan đến suy tim.

Những kết quả này cho thấy tác động của dầu cá đối với sức khỏe tim mạch có thể khác nhau tùy thuộc vào tình trạng tim mạch của mỗi người. Vấn đề này cần nghiên cứu sâu rộng thêm.

3.Các vấn đề về đường tiêu hóa
Theo Viện Y Tế Quốc Gia, đôi khi thực phẩm bổ sung Omega-3 có thể gây khó chịu cho hệ tiêu hóa, bao gồm các triệu chứng như ợ nóng, buồn nôn và tiêu chảy. Một phần là do axit béo omega-3 có tác dụng nhuận tràng nhẹ và chứa nhiều chất béo, một số người có thể thấy khó tiêu hóa hơn. Để giúp làm dịu các triệu chứng này, hãy cân nhắc bắt đầu với liều thấp hơn và tăng dần theo thời gian. Uống thực phẩm bổ sung omega-3 cùng với bữa ăn cũng có thể cải thiện tiêu hóa và giảm sự khó chịu.

4.Vị tanh sau khi uống
Vị tanh sau khi uống và đôi khi là “ợ cá” có thể là tác dụng phụ không mong muốn của các chất bổ sung omega-3 gốc dầu cá, theo Mayo Clinic. Để giảm thiểu tác dụng khó chịu này, hãy chọn các loại bổ sung tinh khiết, chất lượng cao, lý tưởng nhất là có lớp phủ ruột, giúp bỏ qua giai đoạn dạ dày và hòa tan trong ruột. Uống chất bổ sung omega-3 trong bữa ăn cũng có thể làm giảm vị tanh sau khi uống.

Nếu bạn nhận thấy viên dầu cá có mùi nồng nặc khác thường, thì đó có thể là dấu hiệu dầu đã bị ôi. Dầu cá bị ôi không chỉ có vị khó chịu mà còn mất tác dụng và có thể tạo ra các hợp chất có hại. Trong trường hợp này, tốt nhất là bạn nên vứt bỏ và thay thế bằng một sản phẩm mới, chất lượng cao. Để có độ tươi tối ưu, hãy luôn bảo quản chất bổ sung omega-3 ở nơi mát mẻ, tránh ánh sáng trực tiếp.

5.Tác động đến hệ miễn dịch
Axit béo omega-3 được biết đến là có tác dụng hỗ trợ sức khỏe miễn dịch bằng cách giảm viêm, tăng cường màng tế bào và thúc đẩy hoạt động của tế bào miễn dịch khỏe mạnh. Tuy nhiên, nghiên cứu cho thấy dùng liều lượng omega-3 rất cao có thể làm giảm một số phản ứng miễn dịch. Tác dụng này phụ thuộc vào liều lượng, nghĩa là nó có nhiều khả năng xảy ra khi lượng omega-3 uống vào vượt quá lượng khuyến nghị hàng ngày.

Viện Y Tế Quốc Gia khuyến nghị lượng omega-3 nên dùng hàng ngày là 1,1 đến 1,6 gram, trong khi Hiệp Hội Tim Mạch Hoa Kỳ khuyên nên bổ sung hai khẩu phần cá (mỗi khẩu phần khoảng ba đến bốn ounce) mỗi tuần như một phần của cách ăn tốt cho tim. Cục Quản Lý Thực Phẩm và Dược Phẩm Hoa Kỳ khuyến cáo nên duy trì lượng omega-3 từ các chất bổ sung (kết hợp EPA và DHA) không quá năm gram mỗi ngày.

(theo Reader’s Digest)

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: