Ánh sáng trong nhà và sức khoẻ

Hình minh hoạ: pexels-curtis-adams

Ánh sáng trong nhà có thể ảnh hưởng tích cực hay tiêu cực đến tâm trạng. Không có mẫu số chung về cách tận dụng tốt nhất những lợi ích của ánh sáng vì hiện có quá nhiều chọn lựa. Nhưng sau đây là những lời khuyên phù hợp với tuyệt đại đa số.

Theo nhiều nghiên cứu mới, đây là cách chọn ánh sáng tốt nhất cho sức khỏe mà có thể bạn không ngờ đến: Ánh đèn huỳnh quang chói loà phía trên thực sự tạo cảm giác như bạn đang đứng trên độ cao. Và có lẽ không phải ngẫu nhiên mà bạn cảm thấy bình yên khi ngồi cạnh ánh sáng màu hổ phách êm dịu của chiếc đèn bàn trong phòng khách. 

Dù hầu hết chúng ta đều biết ánh sáng phù hợp trong nhà là rất quan trọng như chỉ để tránh va chạm trong nhà bếp hoặc tránh “thảm họa” khi trang điểm, nhưng ngày càng có nhiều nghiên cứu cho thấy chọn loại ánh sáng phù hợp cũng rất cần thiết đối với sức khỏe con người, đặc biệt là tâm trạng. 

Sally Augustin, nhà tâm lý học thiết kế và môi trường ở thành phố Chicago nhận định: “Ánh sáng có ảnh hưởng đáng kể đến tâm lý của con người cũng như cách chúng ta suy nghĩ và hành xử. Các loại động vật cần ánh sáng để giữ cho tâm trí và cơ thể luôn ở trạng thái tốt nhất có thể. 

Tiếp xúc với ánh sáng tự nhiên và một số loại ánh sáng nhân tạo giúp cơ thể duy trì nhịp sinh học (đồng hồ bên trong điều chỉnh các chức năng chính như “mẫu” thức-ngủ, giải phóng hormone, huyết áp và dao động nhiệt độ cơ thể). Chẳng hạn, một nghiên cứu năm 2021 đăng trên tạp chí International Journal of Environmental Research and Public Health đã phát hiện “việc tiếp cận với ánh sáng tự nhiên đã giúp những người tham gia nghiên cứu ngủ nhanh hơn vào ban đêm và có tràn đầy sức sống hơn vào ban ngày”. 

Hình minh hoạ: pexels-nina-hill

Một nghiên cứu năm 2022 trên tạp san Building and Environment kết luận: “Việc kết hợp ánh sáng tự nhiên trong hầu hết các phòng (nhà bếp, phòng ngủ, phòng khách và phòng ăn) sẽ giúp cải thiện tâm trạng. Chất lượng và nguồn ánh sáng bên trong ngôi nhà rất quan trọng, ảnh hưởng đến vô số khía cạnh của tâm trạng, từ mức độ cáu kỉnh đến năng suất lao động. 

Dưới đây là các chiến lược cần xem xét khi lập kế hoạch chiếu sáng cho không gian của riêng bạn. 

Tận dụng (hoặc làm giả) ánh sáng tự nhiên

Augustin nói: “Ánh sáng tự nhiên giống như liều thuốc kỳ diệu giúp cải thiện tâm trạng, hoạt động tinh thần và khả năng hòa đồng với đám đông. Nhưng bạn cần cẩn thận với ánh sáng chói vì nó khiến mắt phải làm việc nhiều hơn, dễ dẫn đến căng thẳng, mệt mỏi. Để giảm thiểu, hãy thử buông rèm cửa hoặc tránh cửa sổ”.

Kati Peditto, nhà tâm lý học ở thành phố Denver và giám đốc phòng thí nghiệm Human Experience Lab tại công ty kiến trúc Perkins and Will lưu ý: “Nếu ngôi nhà của bạn không nhận được nhiều ánh sáng tự nhiên, bạn vẫn có thể tạo ra ánh sáng lý tưởng vào ban ngày với một bóng đèn quang phổ đầy đủ (full-spectrum lightbulbs). Những bóng đèn này tái tạo ánh sáng mặt trời tự nhiên và bán tại các cửa hàng phần cứng, cửa hàng tạp hóa và trực tuyến”. 

Ánh sáng quang phổ đầy đủ bao gồm các dạng ánh sáng nhìn thấy được và không nhìn thấy được (tia hồng ngoại và tia cực tím chẳng hạn) đồng thời nó có hiệu ứng bắt chước ánh sáng ban ngày giúp giảm căng thẳng và tăng cường tỉnh táo. Ánh sáng quang phổ đầy đủ có liên quan đến mức độ thấp hơn của các hormone gây căng thẳng như cortisol trong cơ thể con người. 

Hình minh hoạ: pexels-max-rahubovskiy

Trong không gian được chiếu sáng nhân tạo, các chuyên gia cũng khuyên nên sử dụng “nhiệt độ” ánh sáng khác nhau vào các thời điểm khác nhau. Ban ngày, Augustin khuyên nên dùng ánh sáng dịu mát có tông màu từ xanh lam đến trắng vì chúng cung cấp năng lượng, đồng thời thúc đẩy sự tập trung và làm việc tập trung. Mặt khác, buổi chiều hoặc buổi tối sống trong không gian ánh sáng ấm áp có tông màu từ vàng đến cam sẽ kích thích thư giãn và tư duy sáng tạo. 

Nói chung, Augustin khuyên nên sử dụng đèn có ánh sáng dịu mát ở trên cao trong phòng và đèn ấm áp (đèn bàn hoặc đèn sàn) ở thấp hơn để tối ưu thế mạnh của mỗi loại và tâm trạng của bạn. Khi mua bóng đèn, chú ý các ghi chú biểu thị độ mát (chẳng hạn “white”, “cool white” hoặc “daylight”) hoặc độ ấm (“soft white” hoặc “warm white”). Để bắt chước mặt trời lặn, hãy đặt đèn ở chế độ điều chỉnh giảm dần độ sáng. 

Ngồi dưới ánh sáng vào ban đêm có thể ức chế giải phóng melatonin khiến bạn khó đi vào giấc ngủ. Kết quả cũng như thế khi tiếp xúc với ánh sáng xanh và ánh sáng trắng có sắc xanh mà thủ phạm phổ biến là thiết bị điện tử như máy tính, điện thoại di động và TV, đèn LED và bóng đèn huỳnh quang.

Sử dụng các loại ánh sáng khác nhau trong các phòng khác nhau

Augustin, hiện làm chủ công ty Design With Science đã sử dụng các nguyên tắc của khoa học thần kinh để tạo không gian kích thích trạng thái tinh thần tích cực. Ông giải thích: “Bạn có thể chia các khu vực trong nhà thành những vùng ánh sáng khác nhau để phù hợp với các hoạt động khác nhau. Ví dụ chiếu sáng trong nhà bếp (và để đèn nhỏ dưới tủ) để tăng cường an toàn đồng thời tránh mỏi mắt hoặc dùng đèn bàn văn phòng có bóng màu vàng trong để kích thích sáng tạo. 

“Trong phòng tắm, chất lượng màu sắc cũng quan trọng vì chúng ta thường kiểm tra diện mạo của mình bằng cách nhìn vào gương – Jennifer Veitch, nhà tâm lý học môi trường ở Ottawa hiện là trưởng bộ phận nghiên cứu tại National Research Council of Canada góp ý –  Ánh sáng cần phải đủ sáng (ít nhất 60 watt, tùy vào kích thước phòng tắm và những trang thiết bị để bạn có thể nhìn rõ chính mình nhưng đủ ấm về tông màu để làn da của bạn không có màu kỳ lạ. 

Hình minh hoạ: pexels-charlotte-may

Khi để đèn ngủ trong phòng tắm và hành lang đề phòng đi đến đó lúc nửa đêm, cũng nên dùng ánh sáng tối và ấm (màu hổ phách đến màu đỏ). Nếu không, bạn sẽ phải… ngủ sấp tránh ánh sáng hắt vào mặt”. 

Về phòng khách và phòng ngủ, Peditto đề nghị dùng ánh sáng ấm áp thuận lợi cho nghỉ ngơi và giao tiếp. “Nằm trong một không gian có ánh sáng ấm áp chúng ta sẽ đi vào giấc ngủ dễ dàng hơn – Veitch nói và nhấn mạnh – Dù các nguyên tắc chiếu sáng áp dụng cho hầu hết mọi người, nhưng phản ứng của một số cá nhân có thể khác biệt. Nếu rơi vào trường hợp này, bạn sẽ phải thử nghiệm và điều chỉnh để tìm ra mẫu ánh sáng nào phù hợp nhất với mình. Việc chọn ánh sáng phức tạp hơn nhiều so với chúng ta tưởng vì hiện nay trên thụ trường có qua nhiều thiết bị phát sáng để lựa chọn”.

Tham khảo:

https://www.washingtonpost.com/home/2023/04/11/lighting-mental-health-well-being/

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: