Tụi em lấy nhau được năm năm và chưa có con. Anh ấy là người có tài, tính tình hiền lành, tốt bụng, không trai gái bậy bạ.
Hiện chúng em đang ở chung với bố mẹ em. Anh được bố mẹ em thương như con ruột, nhất là mẹ. Mẹ em cưng chồng em lắm, lúc thì giặt ủi áo quần cho, khi chồng em thay áo quần ra vứt tùm lum thì mẹ là người đi lượm để giặt. Mẹ em còn bênh chồng em hơn em nữa.
Em cảm thấy không thoải mái khi mọi thứ trong nhà đều do một tay em và mẹ làm. Đi chợ, nấu ăn, sửa điện, sửa nước, đổ rác, lau nhà, khiêng đồ nặng vẫn là mẹ và em.
Chồng em còn cái tính là không bao giờ đúng hẹn, công việc bao giờ cũng đợi nước đến chân mới nhảy. Khách hàng đúng hẹn gọi, chồng em không thèm trả lời. Những lúc như vậy họ lại gọi em, em lại phải nói dối với khách như chồng đang bị bệnh hay đang đi công tác. Tính em lại rất đàng hoàng, ghét nói dối và thất hẹn, mà em phải làm điều đó hoài vì chồng em.
Tụi em muốn có con nhưng thấy chồng như vậy em sợ quá. Em muốn vấn kế cô Nguyệt Nga, chỉ cho em cách “dạy” lại ông chồng hư của em.
Em Thục
GÓP Ý CỦA ĐỘC GIẢ
-Nancy
Để chấp nhận mà bỏ qua cái tật của những người có tài, ông bà mình thường nói “có tài có tật.” Chồng em nội việc có tài không thôi đã được cho phép có tật. Huống chi ngoài có tài, chồng em còn có tính tình hiền lành, tốt bụng và nhất là không trai gái bậy bạ. Thục ạ, việc không trai gái bậy bạ thì theo chị chồng em xứng đáng được có rất nhiều… tật.
-Thiện Liên
Cháu có nghĩ chồng cháu hư là tại cháu và mẹ không? Những ngày đầu ở chung, cô không tin là chồng cháu dám vứt áo quần tùm lum để cho mẹ đi lượm. Tại mẹ lượm mà vẫn vui nên ảnh mới vứt. Nếu mẹ không lượm, sẽ đến một lúc hết áo quần mặc, anh ấy sẽ tự động lượm và đi giặt, khi ấy chả lẽ một người tốt như ảnh lại chỉ giặt riêng áo quần của mình mà không giặt luôn đồ của mọi người? Cô nói vậy để cháu nhớ, từ nay dặn mẹ đừng có lượm áo quần của anh nữa.
-Hùng Ng.
Về khách hàng, cô không cần phải nói dối, cô cứ đưa điện thoại cho ông xã trả lời.
-NBD
Cô cho tôi hỏi, giữa một người đàn ông biết đi chợ, nấu ăn, sửa điện, sửa nước, lau nhà, xếp mền gối ngay ngắn nhưng không hiền lành, không tốt bụng, trai gái bậy bạ; làm việc đúng hẹn với khách hàng, nhưng khách đến một lần là đi luôn, vì làm xấu quá và chồng cô hiện tại thì cô chọn ai?
-Tuấn Hiên
Sao trên đời có người hạnh phúc thế, mà thói thường khi người ta hạnh phúc, sung sướng thì người ta không có lý do gì để thay đổi. Đồ dơ quăng đó, tự dưng nó biến thành đồ sạch, thì dại gì mà không tiếp tục quăng đó? Việc làm hẹn với khách, mà cứ cù cưa, khách bỏ đi rồi cũng quay lại thì dại gì mà không cù cưa?
Bây giờ nếu chồng Thục nhờ Thục ra thoái thác với khách, mà Thục trả lời một câu rất đúng nguyên tắc đại khái như: “Lỗi tại anh, anh ra mà giải thích với người ta,” rồi thì liệu có còn nhờ nữa không?
_______
VẤN ĐỀ MỚI
Thưa cô Nguyệt Nga,
Năm 2017, cháu quen qua mạng và đi đến hôn nhân với một người Mỹ. Cháu kết hôn là do yêu thương chứ không phải vì muốn có quốc tịch Mỹ vì gia đình cháu cũng khá giả nên việc có quốc tịch không khó đối với đứa con gái duy nhất của gia đình. Thật ra ý nguyện của ba mẹ cháu là muốn bắt rể. Nhưng vì đang học dở dang để lấy bằng thạc sĩ, nên anh ấy không muốn ở Việt Nam, thêm nữa anh không muốn xa bố mẹ nên cháu chiều chồng và bằng lòng rời Việt Nam khi đang mang thai ba tháng.
Khi quen, cháu không biết nhiều về hoàn cảnh gia đình của anh vì cháu nghĩ người Mỹ nào cũng giàu có, có nhà cao, cửa rộng. Không ngờ trên thực tế cháu khá là ngỡ ngàng. Anh sống chung với bố mẹ trong căn nhà trung bình mọi thứ, bố mẹ anh làm công nhân cho một hãng giày, cách nhà khoảng 1km. Hằng ngày họ đi bộ đến chỗ làm, gia đình chỉ có một cái xe cũ dùng làm phương tiện đi lại cho cả ba người.
Cũng may khi qua, cháu mang theo một số tiền kha khá, để sắm sửa cho hai vợ chồng. Anh không bằng lòng dùng tiền của cháu, nhưng biết làm sao hơn khi nhu cầu giờ đây khác trước. Trong thời gian sống chung, hai đứa gây nhau hoài, anh khó và keo kiệt thấy sợ luôn. Cháu xài gì anh cũng dòm chừng và nhắc cháu tiết kiệm về nước, điện và gas. Anh toàn nói những điều sách vở xa vời như tiết kiệm là cứu trái đất, làm sạch môi trường nếu không sẽ biến đổi khí hậu. Sao không nói đơn giản là xài nhiều tốn tiền, có phải dễ hiểu hơn không!
Cháu cũng không đồng ý cách nuôi dạy con của anh ấy. Nói thật với cô Nguyệt Nga, cháu không dám gửi hình con về cho ông bà ngoại coi vì con cháu cứ cao nhòng mà xương sườn xương sống giơ ra thấy thương. Chồng cháu thì lại nói khoẻ là được không cần phải mập.
Tất cả mọi thứ, khiến cháu thấy rất rõ là từ ngày làm vợ anh, cháu đi xuống một cách tệ hại vì cháu không có điều kiện chăm sóc mình. Cháu cảm thấy mình bỏ phí tuổi xuân của mình, năm nay cháu 32 tuổi. Cháu muốn li hôn và làm lại cuộc đời của mình trước khi thành quá muộn, có được không cô? (Hồng Nhan)
*****
“Biết Tỏ Cùng Ai” do cô Nguyệt Nga phụ trách, với những chia sẻ ưu tư và vướng mắc liên quan các vấn đề trong cuộc sống mà quý vị không biết tỏ cùng ai. Mọi liên lạc xin gửi đến hộp thư: [email protected].
Phần góp ý của độc giả về câu chuyện ở trên sẽ được đăng ở kỳ tiếp theo. Kính mời độc giả tham gia.