Có nên làm ngơ trước những điều ‘chướng tai gai mắt’ ở công cộng?

(Minh họa: Toni Cuenca/Unsplash)

Sáng nay em đưa con đi học bơi mà ở đó xảy ra một chuyện. Ở hồ bơi, người ta để những đồ chơi cho các em chơi dưới nước. Một em nhỏ, chừng bảy, tám tuổi người Việt Nam, lấy hết những đồ chơi đó sắp lên thành hồ và canh giữ. Em nhỏ không cho bất cứ bạn nào lấy những đồ chơi đó. Em nào đến lấy là em này giật lại rồi sắp lên thành hồ. Một vài phụ huynh người Mỹ, rất khó chịu, ra hiệu cho con mình tránh đi chỗ khác. Trong khi đó, bà mẹ của cô bé lại đang huơ tay múa chân tám với mấy người mẹ khác.

Em chứng kiến cảnh này và cảm thấy quá bực bội. Em muốn đến nói với bà mẹ là hãy la con mình. Nhưng mẹ em cản khuyên đừng dính vào bà mẹ phải như thế nào thì con cái mới như vậy, em dính vào rồi gây phiền phức nơi công cộng.

Em về nhà mà lòng quá ấm ức, và thấy cách xử sự của mình nó hèn hèn làm sao! Muốn yên thân nên nhắm mắt trước những điều xấu trong xã hội. Em còn tức và nhục khi thấy em bé kia là người Việt Nam.

Thưa cô Nguyệt Nga, chuyện này rất thường xảy ra nơi công cộng, và phần lớn người ta im lặng bỏ đi. Cũng có khi cha mẹ lên tiếng, nhưng thường sau đó là lời qua tiếng lại, có khi to tiếng, và em chưa từng thấy một lời xin lỗi từ phía gây chuyện.

Tại sao mình cứ làm ngơ trước cái xấu để cầu mong sự an thân!? Em thật mong qua thư này, em nhận được những góp ý về cách sống sao cho hợp lẽ, em cám ơn cô cùng quý độc giả. (Em Nhàn)

GÓP Ý

-Hoà

Đọc thư chị xong mà em buồn cười quá! Vì sáng nay đi học yoga, em cũng chứng kiến một cảnh trái tai, nhân vật chính của em không phải là một đứa bé, mà là một bà sồn sồn và diêm dúa. Ở lớp yoga có quy định là khi vào lớp không được mang điện thoại và. Vậy mà bà sồn sồn này không những đem điện thoại mà trong lúc tập bà còn để điện thoại trước mặt và mở Youtube thật lớn nghe hài Hoài Linh, rồi còn cười hí hí từng chập nữa!?

Thật là khủng khiếp, những học viên trong lớp đều quay nhìn, nhưng bà vẫn tỉnh bơ vừa tập vừa cười. Bà chỉ hậm hực tắt điện thoại khi cô giáo đến cảnh cáo.

Chị ơi, so với cô bé ở hồ bơi thì bà sồn sồn còn “đẳng cấp” hơn nhiều, bởi thế chị đừng buồn. Chị có biết triết gia Einstein từng nói này không, “Không thể vượt qua được thế lực của những kẻ ngu dốt, bởi chúng quá đông và nguy hiểm”. Vậy đi, mình thua chị ạ!

-Thy

Theo tôi thì mình nên dạy cho con mình về việc trọng lẽ phải, công bằng và không sợ điều xấu. Chính các cháu thấy điều xấu sẽ tự hành động để bảo vệ mình.

Trong trường hợp ở hồ bơi, chị không cần phải lên tiếng mà hãy dạy cháu can đảm, thẳng thắn nói với bạn kia rằng bạn làm vậy là sai, đồ chơi là của chung, bạn không được chiếm làm của riêng mình. Hãy dạy cháu trọng sự công bằng ngay từ nhỏ, để sau này cháu có thể xử lý đúng đắn những trường hợp bị ăn hiếp.

-Dũng

Anh bạn tôi làm trong ngành có liên quan đến vấn đề bắt nạt ở học đường và từng nói với tôi rằng khi các cháu bé bị bắt nạt hay bị đánh thì hãy dạy các cháu tự vệ, và có thể đánh lại. Nhưng trước khi đánh lại, phải nói to cho mọi người chung quanh nghe thấy, để họ có thể làm chứng cho mình. Nói to lên ba lần để chắc chắn những người chung quanh nghe thấy. Đồng thời, cũng nói cho người đánh mình biết, “Nếu đánh tôi một lần nữa thì tôi sẽ đánh lại, và khi đánh lại phải nhắc, tại bạn đánh tôi trước, tôi đã nhịn một lần, nhưng bạn vẫn tiếp tục đánh thì tôi phải tự vệ.”

(Minh họa:Romain Dancre/Unsplash)

VẤN ĐÈ MỚI

Thưa cô Nguyệt Nga, cách nay 19 năm, cháu theo mẹ định cư ở Mỹ. Ba cháu ở lại và có con với người đàn bà khác. Cháu và đứa em cùng cha khác mẹ, thỉnh thoảng vẫn liên lạc với nhau. Cháu cũng thương em, thấy em ham học và tha thiết muốn đi Mỹ vì em học rất giỏi và cũng rất ngoan. Vì thế cháu có ý định làm giấy tờ bảo lãnh em.

Vấn đề tưởng đơn giản, không ngờ khi nói chuyện với mẹ, mẹ cháu cương quyết chống đối. Mẹ cháu bảo, đó là nỗi đau của mẹ, mẹ cố quên để sống, không ngờ sắp tới mẹ phải sống cùng với nỗi đau đó. Mẹ nói rằng mẹ cũng gần đất xa trời, nếu con quyết tâm bảo lãnh thì chờ mẹ chết đã rồi muốn làm gì thì làm.

Cháu đã thưa với mẹ rằng đứa em không có tội, nó lại là đứa chăm chỉ, giỏi giang, nó xứng đáng để được sống ở Mỹ. Tất cả những ý kiến của cháu đã không giúp cho việc bảo lãnh tốt đẹp hơn, mà còn khiến xấu đi tồi tệ. Mẹ cháu nhất quyết không đồng ý.

Thưa cô, cháu có nên cứ nộp giấy tờ, vì bảo lãnh diện anh em đến hơn 10 năm, đến khi ấy có thể mẹ cháu sẽ nguôi giận. Cháu có nên thế không? (Cháu Nguyệt)

*****

“Biết Tỏ Cùng Ai” do cô Nguyệt Nga phụ trách, với những chia sẻ ưu tư và vướng mắc liên quan các vấn đề trong cuộc sống mà quý vị không biết tỏ cùng ai. Mọi liên lạc xin gửi đến hộp thư: [email protected]Phần góp ý của độc giả về câu chuyện ở trên sẽ được đăng ở kỳ tiếp theo. Kính mời độc giả tham gia.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: