Tôi có con gái sắp làm đám cưới với một chàng không phải người Việt.
Theo phong tục mình thì vào ngày cưới, nhà trai thường mang mâm quả đến nhà gái làm lễ ra mắt họ hàng nhà gái, xin cưới, rồi xin rước dâu. Nhà gái sau khi chấp nhận thì làm lễ gia tiên sau đó mời ăn tiệc tại nhà, trước khi đi đến nhà thờ làm lễ cưới. Đến tối cùng ngày thì sẽ có tiệc cưới tại nhà hàng với bạn bè và thân quyến của cả hai gia đình.
Điều đang làm tôi suy nghĩ nhức đầu là tổ chức thế nào vào buổi sáng? Cái gì cần thiết phải giữ theo truyền thống, văn hóa của người Việt Nam để người ngoại quốc phải kính trọng đồng thời vẫn thoải mái với các nghi thức đó? Xin giúp chỉ dẫn dùm! (Chị Sui)
GÓP Ý
– ChiLe
Theo tôi thì đám cưới lớn nhỏ tùy gia cảnh của mỗi nhà. Phần tặng nữ trang cho cô dâu nên có, cần nhất là nhẫn, nếu có điều kiện thì thêm bông tai và dây chuyền. Hồi xưa nếu nhà gái giàu có mà ưa làm “vẻ vang” trước mặt hai họ thì đưa của cho nhà trai mượn, để nhà trai trao cho cô dâu… lễ cưới ở nhà hàng, hay ở nhà tùy hai bên thương thảo.
Thật ra khi qua đây, lễ nghi cũng có thay đổi, nếu cô muốn đầy đủ thủ tục lễ nghĩa thì nên kiếm trên Google, sẽ có mục nói về phong tục lễ nghĩa cưới hỏi như thế nào thì làm y như vậy cho đúng lễ phép.
Theo tôi nghĩ càng cầu kỳ thì càng hao tốn, khổ cho thằng rễ, khổ cho đàng trai thì gián tiếp làm khổ cho con mình sau này thôi. Nghe nói đám cưới ở Mỹ này cô dâu bao hết (không biết có phải vậy không), nếu thật vậy thì càng khổ cho con gái của mình.
Dư dả không nói gì chứ gia cảnh bình thường mà làm cầu kỳ thì nợ thẻ càng khẩm, trả bao giờ cho hết, chừng đó lấy nhau rồi hạnh phúc đâu không thấy mà mặt mày ai cũng bí xị thì lại mất vui.
Ý mình là thế, mong quý độc giả nào am tường hơn cho thêm ý kiến. Thân chào!
-Thu Kết
Tôi đã có tổ chức đám cưới cho con gái chúng tôi, nó cũng có chồng người ngoại quốc.
Theo chúng tôi, khó hay dễ, bối rối hay không bối rối là do con gái mình hay là do mình mà thôi.
Trường hợp của cô thì tui thấy rằng cô lo hơi nhiều vì sợ họ không coi trọng.
Thật ra, việc trọng hay không trọng là do ở nhiều khía cạnh khác cô ạ! Nếu như khi họ đã đồng ý cho mình làm theo nghi thức của người Việt Nam thì cũng cho họ biết luôn là “nhập gia là phải tùy tục.”
Tóm lại, theo tôi việc gì mình cho nó dễ là nó dễ, cho nó đơn giản là nó đơn giản, cho nó thoải mái là nó thoải mái. Đừng nên quá nguyên tắc, hay phải theo đúng một nghi lễ nhất định nào.
Cô có nghe người ta thường nói rằng “Đám cưới nói vô, đừng bàn ra; Chuyện trong nhà trong cửa đừng bép xép.” Cô nên yên chí lớn đi, mọi người đến ăn đám cưới đều chung một ý chủ yếu là chúc cho cô dâu và chú rễ trăm năm hạnh phúc. Chỉ nhắc nhỏ với cô là nhớ thết đãi thức ăn cho khách thật ngon là được rồi.
Chúc cô được mọi điều may mắn như ước muốn!
– Thiện Hoàng
Theo tôi nhớ thì khi nhà trai qua rước dâu, làm lễ xong, nhà gái chỉ mời nhà trai ăn bánh ngọt uống nước trà, xong rồi rước dâu qua nhà trai, chứ bên nhà gái thường không đãi tiệc trong ngày đưa dâu.
Trong trường hợp của chị, vì nhà trai là người nước ngoài, có thể họ không hiểu hoăc không rành về vấn đề mâm quả, nếu chị muốn thì chị có thể giúp họ chuẩn bị sẵn mâm quả, họ chỉ bưng qua nhà gái khi rước dâu, còn nếu thấy rườm rà quá thì cặp rượu hộp bánh cũng được rồi.
– Hoà
Theo tôi, chị cứ giữ những lễ nghi của người Việt như ý chị muốn, vì một khi đã yêu con gái chị, lại đi tới cùng, tức là sẽ đám cưới, tức ít nhiều chàng rể cũng thông hiểu những lề thói, phong tục của người Việt Nam.
Tuy nhiên chị cũng nên nói chuyện với con gái chị. Phải tùy theo ý của con gái, vì là đám cưới của nó chứ không phải của mình. Thế nào mà cô dâu và chú rể chẳng đã bàn bạc nhau trước đó về lễ cưới của mình. Chị cứ nói lên đề nghị, ý muốn của mình nhưng quyết định sau cùng vẫn nên tùy vào cô dâu chú rễ.
Chị cũng không nên đặt nặng quá chuyện phải làm cho người ngoại quốc tôn trọng. Tôn trọng hay không, không phải căn cứ vào lễ nghi trong ngày cưới, mà ở vào cách ăn ở sau này của đôi bên.
VẤN ĐỀ MỚI
Người ta nói “Ngưu tầm ngưu, mã tầm mã”, rồi “chơi với bạn bè coi chừng bị ảnh hưởng” làm con cũng sợ bạn bè để lại cái huông cho con.
Nói ra cô đừng đánh giá con nha! Con thương bạn bè lắm, nhưng con sợ thật, chứ không phải mê tín đâu. Con có ba đứa bạn thân từ tiểu học, chơi với nhau tới giờ. Mà lần lượt, đứa nào lấy chồng đâu hai ba năm là chịu hết nổi, nếu không ly dị thì cũng ly thân, vợ chồng xem nhau như người kia không tồn tại trên đời.
Phần con, con đang có người yêu, anh ấy cũng có nói chuyện cưới xin, nhưng con không sẵn sàng vì con sợ giống mấy đứa bạn, rồi giờ hổng lẽ con nghỉ chơi bạn mình để khỏi bị huông! (Tường V.)
*****
“Biết Tỏ Cùng Ai” do cô Nguyệt Nga phụ trách, với những chia sẻ ưu tư và vướng mắc liên quan các vấn đề trong cuộc sống mà quý vị không biết tỏ cùng ai. Mọi liên lạc xin gửi đến hộp thư: [email protected]. Phần góp ý của độc giả về câu chuyện ở trên sẽ được đăng ở kỳ tiếp theo. Kính mời độc giả tham gia.