Tôi xin được hỏi điều này. Chuyện không quan trọng, nhưng biết đâu có ai có bí quyết gì giúp được tôi thì quá tốt.
Gia đình tôi tuy không đặt chuyện hình thức lên hàng đầu, nhưng không coi thường nó. Dù có người nói là bề ngoài không quan trọng, nhưng thực sự thì điều đó luôn ảnh hưởng đến cách người khác đối xử với mình. Tôi đủ trải đời để biết bìa sách đẹp không làm nên được cuốn sách hay, nhưng khi mình có thể thì tại sao lại không bỏ vài phút chăm chút cái bìa vì tôn trọng người đọc?
Tôi và ông xã luôn dạy con mình phải ăn mặc đàng hoàng, tử tế trước khi ra đường. Và chúng nó luôn thực hiện điều này, cả trai lẫn gái, không cần nhắc nhở. Đến khi chúng nó quen người yêu, người yêu cũng không có vấn đề gì, đứa nào cũng xinh xắn nhìn rất có cảm tình. Và tính tình chúng nó dễ thương thật.
Thằng rể tôi, sau khi cưới con gái tôi, thì bỗng dưng ăn vận bê bối khủng khiếp. Cẩu thả một chút thì không nói, đằng này có lần tôi ngồi gần thấy mùi gì âm ẩm.
Tôi không biết phải làm sao để nhắc khéo nó bây giờ, nó đẹp trai, ngày trước đi cùng con gái tôi rất đẹp đôi, giờ thì nhìn nó luộm thuộm quá tôi bực lắm, muốn nói gì đó nhưng lại sợ mích lòng. Tôi nói con gái tôi nhắc chồng ăn vận đàng hoàng, thì nó nói đó là tự do của chồng nó. Rồi tôi thấy con gái tôi cũng bắt đầu luộm thuộm theo…
Có cách nào nhắc nhở một người đàn ông ăn mặc lịch sự mà hiệu quả khi người ta không biết mình đang khó chịu hay không? (Bà Phi)
GÓP Ý
– Nguyên
Kính gửi Bà Phi,
Người Việt Nam có câu: “Thuốc đắng giã tật, sự thật mất long.”
Trong gia đình, Bà cũng như là người mẹ, có thể nói hay nhắc nhở những gì mà Bà cảm thấy không vừa ý, cho dù người đó là con rể.
Bà đã nhắc nhở con gái mình để nói rể mà con rể không nghe, vẫn bê bối luộm thuộm thì Bà phải nói với rể thôi, vì nếu Bà không nói thì ai sẽ nói bây giờ?
Tôi tin rằng khi Bà nói với con rể xong thì cậu ta sẽ sửa đổi, nếu không sửa nhiều thì cũng sửa ít, và cậu ta cũng không thể để cơ thể mình có mùi vị âm ẩm như bà nói; Có ai vạch ra cái lỗi của mình thì mình mới biết mà sửa đổi, chứ nếu không ai nói gì hết thì biết nơi nào ngứa mà gãi đâu?
Trong gia đình tôi, hồi đó ba tôi cũng hay hút thuốc thường xuyên, mẹ tôi có nói nhưng ba tôi cũng chứng nào tật đó, vẫn hút; Nhưng sau này ông nội, bà nội nói thêm vào nên ba tôi giảm dần hút thuốc và bỏ hẳn, Ý của tôi, muốn nói là, khi vợ con nói thì Ba tôi không nghe nhưng vai vế cao hơn trong gia đình thì ba tôi lại nghe. Vậy cho nên Bà nói là đúng đó. Trân trọng.
– VanNguyen
Đúng là khi người thân của mình ăn mặc luộm thuộm hoặc đi chung với ai mà áo quần xốc xếch thì cũng làm cho mình cảm thấy mắc cỡ với những người xung quanh. Còn luộm thuộm như thế nào thì tùy vào cách nghĩ của mỗi người. Có thể mình nhìn người nào đó mình cảm thấy sao họ ăn mặc luộm thuộm quá, nhưng đối với người đó thì là OK, vì nếu như họ biết họ luộm thuộm thì bản thân họ đã không ăn mặc như vậy.
Với con gái và con rể của cô, nếu cô cảm thấy quá bực bội thì khi nào có dịp gặp riêng hai vợ chồng họ, cô cứ nói thẳng, chẳng hạn như là gia đình cô xưa nay luôn để ý đến cách ăn mặc, cô muốn giữ mãi nét đẹp đó, cho nên cô muốn hai vợ chồng họ cũng nên coi lại cách ăn bận của mình. Cô cũng có thể tìm hiểu xem lý do tại sao họ ăn mặc luộm thuộm, tại vì họ không có tiền mua sắm quần áo mới hay vì họ chán đời!
Nếu như nói xong mà họ vẫn như vậy thì chịu thôi.
– Dinh H
Thưa bà, đọc câu chuyện biết bà là người từng trải nên tôi không dám bàn rộng vào vấn đề, chỉ xin nêu ra một vài ý kiến nhỏ.
Trong vai trò là mẹ vợ, bà không nên góp ý với con rể về vấn đề này vì “It is too personal” và có thể khiến con rể phải suy nghĩ “linh tinh.”
Bà cũng không nên đá động đến con rể với con gái của mình, vì như thế có lúc sẽ làm cho con gái khó chịu mà nên nhắc chừng con gái nên chăm chút nhà cửa và ăn mặc cho chồng vì nếu chồng ăn mặc tươm tất thì ắt mình cũng được hãnh diện.
Trước khi trong gia đình có tiệc hay có khách đến thăm nếu biết trước nên cho ý kiến các con cái phải ăn mặc như thế nào cho đúng cách, biết đâu chừng trong buổi gặp gỡ ấy lại chụp vài tấm hình thì ai trông cũng đẹp.
Và tôi xin hỏi nhỏ là tại sao “mình đang khó chịu?” bởi vì mình hay “khó chịu” hay là tại vì mình mong muốn mọi việc với mình phải là “hoàn hảo?”
Theo thiển ý của tôi thì mình không thể thay đổi được một người nhưng mình có thể thay đổi được chính mình và chính điều đổi thay này sẽ khiến cho sự việc được thoải mái hơn.
– Bà Hoà
Chuyện nầy dễ ẹt, đàn ông đã có gia đình, ăn ở sạch dơ là do đàn bà.
Chung quy là vì con gái của chị làm biếng không chịu giặt đồ thường xuyên, nên chồng nó phải mặc đồ dơ xem xấu ai cho biết. Ở Mỹ mà, vừa giặt đồ, vừa nấu cơm, vừa làm đủ thứ chuyện khác, mà có mệt gì cho lắm đâu.
Chị dạy riêng con chị để khỏi mích lòng rể, nếu chị dạy không được thì chị sang nhà nó mà “làm mẫu” cho nó. Dễ ẹt hà. Chào chị.
VẤN ĐỀ MỚI
Tôi có con gái sắp làm đám cưới với một chàng không phải người Việt.
Theo phong tục mình thì vào ngày cưới, nhà trai thường mang mâm quả đến nhà gái làm lễ ra mắt họ hàng nhà gái, xin cưới, rồi xin rước dâu. Nhà gái sau khi chấp nhận thì làm lễ gia tiên sau đó mời ăn tiệc tại nhà, trước khi đi đến nhà thờ làm lễ cưới. Đến tối cùng ngày thì sẽ có tiệc cưới tại nhà hàng với bạn bè và thân quyến của cả hai gia đình.
Điều đang làm tôi suy nghĩ nhức đầu là tổ chức thế nào vào buổi sáng? Cái gì cần thiết phải giữ theo truyền thống, văn hóa của người Việt Nam để người ngoại quốc phải kính trọng đồng thời vẫn thoải mái với các nghi thức đó? Xin giúp chỉ dẫn dùm! (Chị Sui)
*****
“Biết Tỏ Cùng Ai” do cô Nguyệt Nga phụ trách, với những chia sẻ ưu tư và vướng mắc liên quan các vấn đề trong cuộc sống mà quý vị không biết tỏ cùng ai. Mọi liên lạc xin gửi đến hộp thư: [email protected]. Phần góp ý của độc giả về câu chuyện ở trên sẽ được đăng ở kỳ tiếp theo. Kính mời độc giả tham gia.