Đừng gọi anh bằng chú!

(Minh họa: Ann H/Pexels)

Thưa cô Nguyệt Nga, lâu nay em bực mình ông chồng già khú đế của em. Nhiều lần em muốn cự nự mà cứ hẹn rày hẹn mai, rồi lại sợ bị mang tiếng là ghen bóng ghen gió. Em cứ chờ có cơ hội để nói ra lòng mình, rồi thì bao lần cơ hội đến nhưng lại hẹn, thôi để kỳ sau. Nói thiệt nhiều khi em bực luôn chính em!

Chồng em năm nay cũng 50 rồi, con cái thì cũng có đứa đã lập gia đình, cũng sắp có cháu gọi bằng “Ông” đến nơi. Mà lạ ghê ra đường cứ thấy mấy cô choi choi gọi mình bằng “chú” thì cự người ta, tại sao không gọi bằng “anh” mà gọi bằng “chú.”

Nghe là thấy muốn điên lên, em chướng tai kinh khủng! Mà trên đời cũng có nhiều cô lạ lùng lắm, nghe ổng nói vậy thì vội vàng đổi ngay “chú” thành “anh.” Rồi còn quay sang gọi em bằng “cô” nữa chứ. Vậy mà nghe được lỗ tai. Mà ổng thì hơn em cả chục tuổi, có tức không? Cái tức nhất là sau khi nghe các em gọi bằng anh thì cười tít tắp.

Làm sao để nói cho chồng em biết là đừng có bắt mấy đứa nhỏ kêu mình bằng “chú” mà chướng tai gai mắt lắm.

Em thấy Mỹ mà hay, ai cũng “you” hoặc “me” hết mà khỏe. (Thanh Mỹ)

GÓP Ý

-Hạnh Ng.
Ai cũng muốn mình trẻ cả em à, càng già càng muốn trẻ lại. Cứ nghĩ coi, tự nhiên bao năm chồng em ra ngoài đường được gọi bằng “Anh,” Bỗng dưng một hôm nào đó có người gọi bằng “Chú,” sợ quá chứ!

Về nhà soi gương thấy mình cũng không đến nỗi gì cũng an tâm. Nhưng sau đó ra đường, lại có người gọi bằng “Chú” nữa, số người gọi “Chú” càng ngày càng tăng. Đích thị là mình già rồi. Sợ lắm nên nhất định phải chận ngay những “đứa” gọi bằng “Chú” cho cuộc đời nó bình an.

Em thông cảm đi! Một ngày nào đó, khi em ra đường tụi nhóc cứ xúm lại gọi bằng “Cô” rồi bằng “Bác” rồi bằng “Bà” em mới thấy thương chồng mình.

Thuỷ Lệ
Định gọi chị bằng “Cô” nhưng thấy mình vô duyên nên gọi bằng “Chị” cho nó lành. Hình như chị, tức mấy cái cô choi choi đó nhiều hơn tức chồng phải không?

Mà thôi chị cũng đừng tức chi cho nó già. Chị cứ nói với chồng, giả tỉ con mình ra đường gọi ông nào đó bằng “Chú,” rồi ông đó biểu, đừng có gọi anh bằng chú, gọi bằng anh đi, anh có tức cái thằng cha đó không? Mà cái thằng cha đó già… cỡ anh!

Cái này bảo đảm với chị rằng, chồng chị sẽ tức hơn chị một ngàn lần. Mà thôi chị ơi, một sự nhịn chín sự lành, cho ổng níu xuân xanh một thời gian đi. Cũng sẽ đến lúc, chẳng ai la rầy, ổng cũng phải tự động xưng với người khác bằng “Bác.”

-Kiều Lan
Thanh Mỹ ơi! Em mà bực mình quá là mau già, mà già là giống ổng đó. Để cho một mình ổng già đi. Không tức, không giận, không nhăn nhó… tất cả những thứ đó sẽ đem đến cái già, nên mình phải “Say no!” nghe em. Chúc em trẻ mãi không già, và cầu mong chồng em càng ngày càng nhiều người gọi bằng “Chú.”

(Minh họa: Andre Taissin/Unsplash)

VẤN ĐỀ MỚI 

Thưa cô Nguyệt Nga, vợ chồng tôi bao nhiêu năm làm ăn đầu tắt mặt tối, tánh vợ tôi, tiết kiệm, ăn không dám ăn, tiêu không dám tiêu, cứ kiếm được chín đồng thì ráng kiếm thêm một đồng nữa cho đủ chục rồi cất đi. Tôi mà có muốn mua cái gì thì không dễ cô ấy ói ra đồng nào.

Tôi nhớ cái thời bao cấp ở Việt Nam, quần tây của tôi, sau một thời gian cũ, cô ấy tháo hết rồi lộn trái, tẩn mẩn tỉ mỉ, may bên trong thành bên ngoài, bên ngoài thành bên trong, khi may xong, nhìn cứ như quần mới. Áo sơ mi sờn cổ thì tháo cái cổ ra xoay lại. Cô ấy khéo lắm nên nhờ vậy mà áo quần luôn luôn mặc được hai “lửa.”

Nhưng mà đó là thời bao cấp, giờ chúng tôi cũng đã sống ở Mỹ và đã khá lên rồi, có đồng ra đồng vào. Bao lần tôi nói thôi đừng quá tiết kiệm chết đâu có mang theo được, hãy đãi ngộ cho riêng mình một tí, nhưng cô ấy vẫn giữ lấy hầu bao, nhất định ky cóp, cứ lo “lỡ có chuyện gì thì làm sao!” mà “chuyện gì” là chuyện gì?

Cô ấy vịn vào lý do, để dành tiền cho con vào đại học, cho già yếu, đau ốm bịnh tật…

Cô ấy cứ bắt cả nhà ăn mắm mút dòi miết. Cô ấy cứ lam lũ, ăn mặc như con mụ nhà quê, trong khi saving thì tiền tiết kiệm đã lên sáu số. Tôi và các con xin đổi xe, mà nói khản cổ nhất định không là không.

Chỗ làm của cô ấy gần nhà, nên hàng ngày cô đi bộ, đâu hiểu nỗi khổ của ba cha con tôi. Chiếc xe Toyota cà tàng, chạy cà xịch cà ụi của ba cha con, lần nào đi đến nơi về đến chốn là thở phào, còn nằm đường là chuyện thường ngày ở huyện.

Cô là phụ nữ, cô hiểu rõ tâm tính và điểm yếu của phụ nữ, cô chỉ dùm tôi cách xin tiền của bà vợ keo kiệt, tôi xin cám ơn nghìn lần! (Ông Thọ)

*****

“Biết Tỏ Cùng Ai” do cô Nguyệt Nga phụ trách, với những chia sẻ ưu tư và vướng mắc liên quan các vấn đề trong cuộc sống mà quý vị không biết tỏ cùng ai. Mọi liên lạc xin gửi đến hộp thư: [email protected]Phần góp ý của độc giả về câu chuyện ở trên sẽ được đăng ở kỳ tiếp theo. Kính mời độc giả tham gia.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Chứng hôi miệng
Chứng hôi miệng là một tình trạng phổ biến, gây khó chịu cho bản thân, những người xung quanh và thậm chí cô lập xã hội, ảnh hưởng đến mọi…
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: