Thưa cô Nguyệt Nga, vừa rồi cháu có post lên Facebook của mình hình Phật Bà Quan Âm, bên dưới là hình cháu ngước mặt lên. Cháu viết vài hàng đại ý là nói cháu rất cám ơn sự gia ân của Phật Bà đã cứu cháu ra khỏi sự trầm luân của bệnh tật. Các bạn nhảy vào chúc mừng, hỏi thăm rối rít. Có vài bạn hỏi cháu đã đổi đạo rồi phải không?
Bạn bè thăm hỏi, nhưng mẹ cháu và hai chị thì mắng như tát nước vào mặt cháu. Nhất là mẹ cháu, bà nổi xung điên khi biết cháu đi chùa cầu khấn, trong khi gia đình thờ Chúa mấy đời, em của mẹ cháu hiện tại là một cha xứ ở Việt Nam.
Ban đầu cháu cũng xin lỗi và dịu giọng với mọi người, nhưng sau đó vì gia đình bắt cháu phải tháo xuống những gì cháu đã đăng trên Facebook thì cháu không chịu được. Năm nay cháu đã gần 30 tuổi, dù cháu chưa lập gia đình và còn ở chung với mẹ và chị, nhưng điều đó không có nghĩa là cháu phải chịu mọi chi phối của gia đình. Trong khi cháu đã đi làm và hàng tháng vẫn góp tiền chi phí chung của gia đình.
Cháu thấy gia đình quá vô lý, cháu lấy xuống cũng được, miễn sao lòng cháu chân thành cám ơn Phật Bà, nhưng tại gia đình làm quá dữ và doạ đuổi khỏi nhà nếu vẫn cứng đầu không nghe theo ý của mọi người, và dám đổi đạo.
Thưa cô Nguyệt Nga, đạo nào cũng khuyên người ta làm tốt, ăn lành ở phải. Việc cháu cầu xin ơn trên và đã được chứng giám thì cháu mang ơn, có gì to lớn đâu mà làm quá với cháu như vậy!
Một người chị họ thì khuyên, thôi cứ lấy xuống cho yên ổn trong nhà, nhưng cháu thấy như vậy thì mình quá nhu nhược. Cho đến nay, cả tuần rồi cháu vẫn chưa xoá những gì mình đã đăng, và cả nhà hầm hè với cháu. Cháu muốn hỏi ý một người nhiều kinh nghiệm như cô, xin cô và quý độc giả cho cháu một ý kiến, cháu cám ơn rất nhiều! (Kim Thoa)
GÓP Ý
-Kim Lý
Theo tôi thì cháu nên nghe lời người chị họ. Dĩ nhiên cháu không có điều gì sai và có quyền sống theo ý thích của mình. Nhưng cháu suy nghĩ lại đi, trong cuộc sống mọi việc đều liên đới với nhau, mình sống là luôn “sống với,” với gia đình, với bè bạn, với hàng xóm láng giềng… không phải sống một mình, nên mình phải tuân theo những luật bất thành văn.
Gia đình cháu mấy đời thờ Chúa, tin Chúa thì hà cớ gì cháu lại làm khác đi. Cháu cũng không hề nói là cháu đã cầu Chúa mà không có kết quả, nên phải đổi để qua cầu Phật. Khi cháu làm trái lề thói của gia đình, cháu còn bướng bỉnh thì ai mà không nổi xung thiên. Mà chuyện cũng chả có gì lớn lao, chỉ yêu cầu lấy xuống trên Facebook. Cháu nên làm theo lời gia đình đi cho êm thấm trong ngoài.
-Thuỳ Lê
Nếu chị cho rằng mình đã trả tiền cho những chi phí trong gia đình đầy đủ thì mình có quyền làm gì thì làm thì chị sai đó. Chị ở nhà riêng, chị cũng phải theo luật lệ của khu phố, dù rằng chị trả tiền nhà đầy đủ, vườn tược sạch sẽ, điện nước không thiếu nhưng chị cứ mở nhạc to lúc nửa đêm, coi thử chị có bị hàng xóm thưa lên thành phố không?
Chị đừng nói cái kiểu góp đủ tiền chi phí trong gia đình, đừng nói vậy! Chị cứ thử đau rồi nằm liệt giường đi, khi đó ai là người nấu miếng cháo, ai là người chăm sóc chị, nếu không phải là mẹ chị? Đừng nói giọng bạc bẽo chị ạ, không nên!
-Văn
“Có gì to lớn đâu mà làm quá với cháu như vậy!” Ừ thì có gì to lớn đâu mà không chịu xóa!
– TangM.
Độc giả Kim Thoa không có gì đắc tội với gia đình, mà theo tôi sự tự do tín ngưỡng là quyền của một cá nhân. Sau khi lập gia đình các vị Công giáo hay bắt buộc người phối ngẩu phải theo đạo, mà tôi được hiểu các đấng chí tôn không yêu cầu, miễn là chúng ta hướng thiện. Nhưng tôi xin góp ý lòng tôn kính không bắt buộc ai đó phải theo. Cô nầy có lý của cá nhân cô, vì cô đã trưởng thành. Ngược lại nếu cô ấy là tín đồ Phật giáo theo Chúa thì sao?!
VẤN ĐỀ MỚI
Năm nay tôi đã 70 tuổi, bệnh hoạn đau yếu, biết mình không sống được bao lâu nữa nên tôi cũng lo sắp xếp để chuẩn bị cho ngày ra đi.
Tôi đã trải qua hai đời vợ, cả hai người đều bỏ tôi mà đi, xin nói rõ “bỏ” đây có nghĩa là phản bội chứ không phải qua đời. Cả hai đều có con, các con tôi khá giả, thành tài và đang sống ở nước ngoài.
Hiện tôi sống không chính thức với người thứ ba. Cô ấy còn rất trẻ, khi tôi quen cô ấy, gia đình và bạn bè đều lên án, nhưng thời gian đã chứng mình, cô ấy đã ở bên tôi năm năm, vẫn chung thuỷ và chăm sóc từng miếng ăn giấc ngủ của tôi. Tội nghiệp cô gái, tôi biết với tuổi trẻ và sắc đẹp cô có thì cô dư điều kiện để đến với các đại gia. Cô ấy vẫn bên tôi trong những ngày tháng tôi hoạn nạn và đau yếu. Tôi thấy cô xứng đáng được hưởng những gì trong tầm tay tôi có thể cho cô.
Hiện tại tôi làm chủ một căn hộ cao cấp và có một số tiền tiết kiệm không lớn nhưng cũng không nhỏ. Tôi muốn chuyển sở hữu sang tên của cô. Tôi muốn thấy cô vui và biết rằng tình yêu, công lao của cô dành cho tôi, nay được đáp đền cụ thể.
Nhưng các anh chị em và ngay cả các cháu phản đối kịch liệt, họ lấy lí do là cô ấy lợi dụng, làm khổ nhục kế. Còn tôi thì biết rõ hơn trăm lần mấy người ấy, khi tôi đau ốm có bà con nào đến nấu cho miếng cháo đâu, quanh đi quẩn lại cũng chỉ thấy mình cô gái bên cạnh!
Nếu tôi có quan tâm đến ý kiến này nọ thì cũng chỉ quan tâm đến ý kiến các con của mình. Thưa cô Nguyệt Nga, thú thiệt là nếu đừng hỏi ý kiến con cái thì tôi thích hơn, nhưng suy cho cùng thì tôi có cần hỏi không, khi mà tài sản tôi có, không phải là tôi ngửa tay xin của các con. Nếu tôi ký giấy sang tên cho cô gái, thì sau này các con tôi có thể kiện cô ấy không? Tôi không muốn cô ấy gặp phiền toái khi tôi chết đi. (Ông Khôi)
*****
“Biết Tỏ Cùng Ai” do cô Nguyệt Nga phụ trách, với những chia sẻ ưu tư và vướng mắc liên quan các vấn đề trong cuộc sống mà quý vị không biết tỏ cùng ai. Mọi liên lạc xin gửi đến hộp thư: [email protected]. Phần góp ý của độc giả về câu chuyện ở trên sẽ được đăng ở kỳ tiếp theo. Kính mời độc giả tham gia.