Thưa cô, năm nay tôi 70 tuổi, người rất nhiều bệnh khiến tôi không ở một mình được. Tôi có bốn người con, gồm hai con trai và hai con gái. Thấy mẹ bệnh hoạn, mà bố lại không còn, nên các cháu bàn sẽ chia nhau chăm sóc mẹ, cứ mỗi ba tháng thì tôi lại sang nhà một đứa để ở. Cứ thế lâu nay, xoay vòng.
Nhưng rồi, chính tôi thấy quá bất tiện, cứ vừa quen với nhà đứa này thì lại phải dọn sang nhà đứa khác, đồ đạc cứ phải khuân tới khuân lui. Người chăm sóc và đem thuốc men cho tôi cũng vậy, cứ ba tháng thì họ phải mang sang một địa chỉ khác. Ban đầu thuốc men chỉ gửi nhà một đứa, rồi đến phiên ai chăm mẹ thì có bổn phận mang theo, nhưng sau đó quá bận rộn nên chuyện dời dọn như thế không được áp dụng.
Thật không thể phiền toái hơn, có hôm không nhớ mình đang ở nhà đứa nào, nên sáng sớm thức dậy mắt nhắm mắt mở tôi đã bị té khi không nhớ restroom nhà mình đang ở nằm hướng nào. Người già mà, trí nhớ càng ngày càng kém, nhiều khi đói bụng tôi cũng không muốn lấy thức ăn để ăn, vì bốn đứa cách thức ăn uống khác nhau, rồi vợ chồng chúng có những thói quen khác nhau, mà tôi cứ thấy mình đang “ăn nhờ ở chịu” nên luôn luôn trong tình trạng phải nhớ từng đứa mà sống chiều theo. Ngay cả các cháu, tôi cứ gọi tên lộn tùng phèo, nhiều khi muốn vào nhà già ở một mình cho nó yên tịnh thoải mái cô à!
Một mẹ nuôi bốn đứa con sao thấy dễ dàng, mà bốn đứa con nuôi mẹ sao tôi thấy quá khó khăn! Tôi muốn sống với một đứa thôi. Nhưng không đứa nào chịu, đứa nào cũng cho mình chăm sóc chu đáo hơn đứa kia. Tôi muốn vào viện dưỡng lão thì cả bốn đứa đều nói rằng làm vậy thiên hạ nhìn chúng còn ra gì nữa! Chỉ còn tâm nguyện ngày trôi qua mau, cho mau chết là yên cô Nguyệt Nga à! (Bà Thịnh)
GÓP Ý
-Thuần
Bác già rồi, bác cứ làm theo ý mình, bác cứ nói với các con, bác muốn ở với con nào. Cùng lắm thì vẫn còn đường cuối là bác vào nhà già bác ở, thế là xong! Cháu thấy mình nuôi con thật khổ, làm tất cả vì con, con nó muốn là mình nai lưng ra làm không chút nề hà, cũng chẳng bao giờ nghĩ đến chuyện “thiên hạ nhìn vào.”
-Hà Ng.
Chị ơi, nói ra thì chị đau lòng, chứ các con của chị đâu có thương gì chị, các cô cậu ấy thì lo bảo vệ mặt mũi của mình mà dành nuôi chị thôi. Tôi cũng thế đó, cũng từng đọc lời khuyên của những người đi trước rằng là chớ ở chung nhà với con, chớ có cho con mượn tiền, chớ có hùn tiền mua nhà, chớ có giữ cháu dùm con. Mà mình đâu có làm được, con là trời, nó cần gì thì cứ dốc hết lòng cho con.
Bởi người xưa có câu, “Mẹ nuôi con biển hồ lai láng, con nuôi mẹ kể tháng kể ngày.” Thôi giờ chị thương thì thương cho trót, nhắm mắt mà đi từ nhà này sang nhà khác cho xong cuộc đời. Nếu một ngày nào chịu không thấu thì hãy khăn gói vào nhà già thôi.
VẤN ĐỀ MỚI
Thưa cô Nguyệt Nga, cháu trở lại lá thư mới đây của độc giả ký tên “Ông Thức.” Ông ngoại tình và có con rơi, ông muốn thú nhận với vợ nhưng không dám, vợ ông qua một thời gian dài vẫn không biết, gia đình vẫn êm ấm, chỉ có ông là sống trong giày vò không bình an. Tâm sự của ông ám ảnh cháu không ngừng.
Cháu lớn lên ở Mỹ, lúc chưa lập gia đình, cháu luôn ngưỡng mộ những người đàn ông trong phim, khi họ có mối tình ngoài hôn nhân chính thức thì họ luôn chọn cách về thú thật với vợ con. Và cháu cũng vậy, khi cháu phạm tội, cháu thú nhận với vợ ngay. Cháu chờ đợi, như trong phim, vợ cháu sẽ làm ầm lên, và cháu sẽ giải thích, hứa hẹn thay đổi. Nhưng thực tế không xảy ra như vậy. Sau khi thú nhận, vợ cháu không nói gì cả. Cô ấy chỉ hỏi cháu, “Anh nói xong chưa?” rồi cô ấy thay áo quần đi làm. Một sự im lặng đáng sợ!
Ngày hôm đó cháu không yên, suy nghĩ lung lắm, cháu hỏi bạn bè, thì mỗi người góp ý một kiểu khác nhau. Một ngày trôi qua như một thế kỷ cô ạ. Từ sở về nhà, cháu đoán rằng sẽ không có vợ ở nhà. Nhưng lạ thay, xe vợ cháu chình ình ở sân trước. Cháu lạnh người không dám bước vào nhà.
Ôi cô ơi! Cháu hiểu thấu đáo, việc ông Thức ao ước có Bụt hiện ra. Cháu ước đến cháy lòng có một ông Bụt hiện ra, cháu sẽ nói ngay một câu ngược hẳn lại với ông Thức, phải chi cháu chưa nói gì hết với vợ!
Những ngày sau đó vợ cháu cũng không một lời, cứ sáng ra đi làm chiều tối về, cơm nước đàng hoàng, con cái tươm tất, nhà cửa đã sạch còn sạch hơn. Tối đến cũng vô giường nằm, nhưng quay lưng lại và cháu có đụng thì hất tay cháu ra, cháu có nói lời xin lỗi thì cứ như lời nói bay vào chân không suốt cả mấy tháng nay.
Cho đến giờ cháu cũng không biết việc “im lặng” và việc “thú tội” thì việc nào nên làm trong hoàn cảnh mình có con ngoại hôn!? (Anh Thành)
*****
“Biết Tỏ Cùng Ai” do cô Nguyệt Nga phụ trách, với những chia sẻ ưu tư và vướng mắc liên quan các vấn đề trong cuộc sống mà quý vị không biết tỏ cùng ai. Mọi liên lạc xin gửi đến hộp thư: [email protected]. Phần góp ý của độc giả về câu chuyện ở trên sẽ được đăng ở kỳ tiếp theo. Kính mời độc giả tham gia.