Im lặng hay thú tội, đường nào cũng chết!

(Minh họa: Jeremy Perkins/Unsplash)

Thưa cô Nguyệt Nga, cháu trở lại lá thư mới đây của độc giả ký tên “Ông Thức.” Ông ngoại tình và có con rơi, ông muốn thú nhận với vợ nhưng không dám, vợ ông qua một thời gian dài vẫn không biết, gia đình vẫn êm ấm, chỉ có ông là sống trong giày vò không bình an. Tâm sự của ông ám ảnh cháu không ngừng.

Cháu lớn lên ở Mỹ, lúc chưa lập gia đình, cháu luôn ngưỡng mộ những người đàn ông trong phim, khi họ có mối tình ngoài hôn nhân chính thức thì họ luôn chọn cách về thú thật với vợ con. Và cháu cũng vậy, khi cháu phạm tội, cháu thú nhận với vợ ngay. Cháu chờ đợi, như trong phim, vợ cháu sẽ làm ầm lên, và cháu sẽ giải thích, hứa hẹn thay đổi. Nhưng thực tế không xảy ra như vậy. Sau khi thú nhận, vợ cháu không nói gì cả. Cô ấy chỉ hỏi cháu, “Anh nói xong chưa?” rồi cô ấy thay áo quần đi làm. Một sự im lặng đáng sợ!

Ngày hôm đó cháu không yên, suy nghĩ lung lắm, cháu hỏi bạn bè, thì mỗi người góp ý một kiểu khác nhau. Một ngày trôi qua như một thế kỷ cô ạ. Từ sở về nhà, cháu đoán rằng sẽ không có vợ ở nhà. Nhưng lạ thay, xe vợ cháu chình ình ở sân trước. Cháu lạnh người không dám bước vào nhà.

Ôi cô ơi! Cháu hiểu thấu đáo, việc ông Thức ao ước có Bụt hiện ra. Cháu ước đến cháy lòng có một ông Bụt hiện ra, cháu sẽ nói ngay một câu ngược hẳn lại với ông Thức, phải chi cháu chưa nói gì hết với vợ!

Những ngày sau đó vợ cháu cũng không một lời, cứ sáng ra đi làm chiều tối về, cơm nước đàng hoàng, con cái tươm tất, nhà cửa đã sạch còn sạch hơn. Tối đến cũng vô giường nằm, nhưng quay lưng lại và cháu có đụng thì hất tay cháu ra, cháu có nói lời xin lỗi thì cứ như lời nói bay vào chân không suốt cả mấy tháng nay.

Cho đến giờ cháu cũng không biết việc “im lặng” và việc “thú tội” thì việc nào nên làm trong hoàn cảnh mình có con ngoại hôn!? (Anh Thành) 

GÓP Ý 

– Duy
Đọc thư anh Thành, cười muốn chết luôn. Nhất là đoạn anh nói vụ ngưỡng mộ cách hành xử của mấy ông trong “phinh.”

Anh tin chi mấy ông đó, trên phim mà anh, ai lại bắt chước mấy ông trong phim thì chết rồi! Mấy bà khi nào cũng nói là không được giấu, nếu có lỗi thì phải kể ra, giấu thế nào cũng có ngày bị khám phá, khi đó tội to hơn. Cái tội đã phạm là một, thêm tội giấu nữa là hai.

Kệ mấy bà ấy nha anh, mấy bà muốn dụ mình đó! Theo kinh nghiêm của tôi thì cứ im cho đến khi bị khám phá, lúc đó mình sẽ có nhiều cách để chaỵ tội. Không đánh không khai là đúng nhất!

Châu Ng
Anh hỏi cô Nguyệt Nga là đúng đó, xử với đàn bà mình phải hỏi đàn bà, chớ dại mà hỏi đàn ông là trật lất.

-Hiền Hữu
Thật ra thì chẳng biết đâu mà lần, vì cũng có những người đàn bà tuyên bố rằng nếu bạn có biết chồng tôi ngoại tình, xin đừng kể cho tôi nghe. Cũng có vô số người yêu bài hát “Kiếp Đam Mê” của Duy Quang, với những câu van xin:

Tôi xin người cứ gian dối
Cho tôi tưởng người cũng yêu tôi
Cho tôi còn được thấy đời vui

Cũng có những người đàn bà muốn chồng thú thật, sau đó giày xéo chồng hay tha thứ, cũng có những người hợp tác với chồng giải quyết chuyện cho êm đẹp.

Nói chung là không biết chừng, đầu tiên là bạn phải biết vợ bạn thuộc dạng nào để tuy cơ ứng biến.

– Dì Tòng
Cách hay nhất là đừng phạm tội!

(Minh họa: Monstera/Pexels)

VẤN ĐỀ MỚI 

Em quá bực mình khi chính mẹ em là người chuyên môn nói xấu em với con em, nói đúng hơn là thường dạy cháu bằng những gương xấu của em.

Chẳng hạn, có lần mẹ em bảo thế này với con em, “Con có yêu ai thì nhớ chọn lựa kỹ càng, phải bỏ thì giờ ra tìm hiểu người đó thật kỹ trước khi quyết định, đừng có như mẹ mày, ào một cái rồi suốt đời mang hận.”

Hay như, “Đi học thì phải ăn mặc kín đáo, ở trường là chốn đông con trai, cứ hở hang riết là tạo điều kiện cho tụi con trai dòm ngó. Mẹ mày ngày xưa cũng vì ăn mặc kiểu đó rồi sinh chuyện, mà nói hoài không nghe. Giờ thì thôi bó tay!”

Có lúc thì lại, “Bà đã nói rồi, đừng có sấy tóc, tóc nó khô và gãy không đẹp, cứ bắt chước mẹ mày, la hoài không được, cứ gội đầu xong là sấy tóc.”

Rồi lại khi, “Đi thì đừng có nhún nhẩy, thấy mẹ mày không, chân cứ như gắn lò xo, chân không chạm đất thì làm sao mà khá được!”

Thưa cô, mẹ em có 1,001 cách dạy cháu mà đem em ra làm vật hiến thân và bao giờ cuối cùng mẹ em cũng chêm thêm câu, “Nhà này chỉ có bà là thương con và lo cho con thật tình!”

Em không biết ý mẹ em là sao? Vậy tình thương của em dành cho con là giả dối sao!?

Nhiều lần em lên tiếng, nhưng chỉ nhận những câu đáp trả cay nghiệt của mẹ dành cho em. Nhiều lúc em cũng muốn thuê một căn nhà khác để yên thân, nhưng hoàn cảnh không cho phép.

Mẹ em khá giả, nên em phải sống bám vào để nuôi con, nhà cửa bây giờ có lẽ kiếp sau em cũng không sao có được căn nhà chui ra chui vào. Mà sống chung vậy thì quá tội cho em, đã một đời thất bại từ tình trường đến sự nghiệp, nay lại ngụp lặn trong cảnh sống nhọc nhằn khổ từ tinh thần đến vật chất, em chẳng biết làm sao giải quyết! (Em Thảo Nhi)

*****

“Biết Tỏ Cùng Ai” do cô Nguyệt Nga phụ trách, với những chia sẻ ưu tư và vướng mắc liên quan các vấn đề trong cuộc sống mà quý vị không biết tỏ cùng ai. Mọi liên lạc xin gửi đến hộp thư: [email protected]Phần góp ý của độc giả về câu chuyện ở trên sẽ được đăng ở kỳ tiếp theo. Kính mời độc giả tham gia.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: