Chào chị Nguyệt Nga,
Năm nay tôi 62 tuổi và đã li dị vợ. Sau thời gian sống đơn côi một mình, tôi quen được một cô gái qua mạng. Sau khi tìm hiểu, tôi về Việt Nam và cưới cô ấy năm 2019, rồi bảo lãnh cô ấy từ Việt Nam sang được hơn sáu tháng. Thời gian quen nhau, chúng tôi liên lạc với nhau mỗi ngày, cho nên tuy ở xa nhưng chúng tôi cảm thấy rất gần gũi nhau.
Năm đầu mới sang, cô ấy còn nhiều bỡ ngỡ, tiếng Anh thì chưa đủ để giao tiếp, thêm nữa giấy tờ chưa xong, nên cô ấy ở nhà lo việc nhà, nấu ăn, dọn dẹp nhà cửa và chăm sóc chồng. Phần tôi, tôi cũng tận tình lo lắng, thương yêu để cô ấy không cảm thấy lạc lõng.
Vừa rồi cô ấy xin được một chân phụ bếp của một nhà hàng gần nhà. Không biết có phải do công việc bận rộn mà tôi thấy cô ấy có phần thay đổi, ít quan tâm đến nhà cửa, và ngay cả việc sinh hoạt vợ chồng, vợ tôi cũng lơ là. Cô ấy là người hướng ngoại, thích giao tiếp, và dễ làm thân với mọi người. Trong gia đình, anh em nhà tôi rất thích cô ấy. Những thay đổi ở cô làm tôi suy nghĩ và buồn.
Thật sự tôi vẫn ao ước có một người vợ hướng nội, chăm sóc gia đình, gần gũi với chồng con và ít giao tiếp bên ngoài. Ngày mới quen, cô ấy là người như vậy, không ngờ khi qua đây cô ấy dần dần khác đi.
Thư này xin hỏi ý kiến chị Nguyệt Nga, là phụ nữ, chị nghĩ tôi nên làm gì để vợ tôi vui mà thay đổi cách sống, để thuận hoà và lâu dài mối quan hệ trong hôn nhân? (Huynh)
GÓP Ý:
Tú:
Thưa ông, tôi không nghĩ là cô vợ ông thay đổi vì có lẽ cô ấy vẫn vậy ngay từ đầu. Nhưng do mới qua không có điều kiện để tiếp xúc bên ngoài, chưa đi làm, còn lạ nước lạ cái, nên cô mới chăm chú vào việc nhà và lo cho chồng. Sau này khi đã có dịp đi làm thì bản tính cởi mở vui vẻ có dịp bộc lộ, và từ đó khiến ông nghĩ là cô ấy dần dần khác đi.
Vấn đề là sự khác đi này có phải là manh nha một thay đổi trong tình yêu không? Nếu là sự thay đổi trong tình yêu mới là điều đáng ngại, còn nếu chỉ là sự vui vẻ quảng giao với bên ngoài thì đâu có gì khiến ông phiền não?!
Tám chuyện:
Trong thư ông không nói đến tuổi của cô vợ mà chắc nhiều phần là cô ấy trẻ hơn ông nhiều. Nếu như tôi đoán đúng thì đây là cái giá phải trả ông ạ. Thêm vào đó, ông hơi nghiêng về phía người chồng thuộc cổ xưa, nói nôm na là “gia trưởng” đấy.
Vợ là người ngang hàng với ông trong mọi lãnh vực, kể cả pháp lý, chứ không phải là kẻ ăn người làm như thời phong kiến. Đó là chưa kể ông đang ở Mỹ thì vợ là “kèo trên” đó ông. Ông nên đối xử với vợ rộng lòng hơn, đừng nghĩ mình có công đem người ta qua mà có quyền đòi hỏi này nọ.
Dung Ng.
Ôi chuyện cưới vợ rồi bảo lãnh từ Việt Nam qua Mỹ, người vợ trở mặt thay đổi thì xảy ra hà rầm. Theo tôi ông nên chuẩn bị tình hình xấu hơn để khỏi ngỡ ngàng.
VẤN ĐỀ MỚI
Thưa cô, cách nay hai năm, bố mẹ tôi bảo lãnh gia đình tôi gồm hai vợ chồng và hai con ở tuổi 16 và 14 đi Mỹ. Nhưng đến phút cuối thì chồng tôi đổi ý do ở Việt Nam anh đã có sự nghiệp rất vững vàng với công việc là giám đốc một trung tâm bán xe hơi.
Anh đang ở thời kỳ làm ra tiền, chỉ vài năm nữa là tuổi hưu đến, anh muốn vớt vát khi còn có thể. Anh muốn tôi và hai con đi cho kịp học hành, anh sẽ hậu thuẫn về tài chánh. Thêm vào đó, vợ chồng vẫn có thể đi qua đi lại, nếu muốn thăm nhau, thậm chí tôi có thể gửi con cho ông bà ngoại để về Việt Nam sống vài tháng bên anh.
Nghe lời anh, tôi và hai con đi trước nhưng ai ngờ dịch bệnh ập đến. Khi tâm dịch ở Mỹ vừa nguôi thì tâm dịch ở Việt Nam bùng phát. Hai năm trời vợ chồng con cái không hề gặp nhau mà anh thì chẳng hậu thuẫn được chút nào cho ba mẹ con. Anh nói thời gian qua công ty anh coi như đóng băng, không mua bán gì được, mà tiền thuê chỗ thì phải trả hàng tháng. Căn nhà chúng tôi mua để cho thuê cũng không kiếm được tiền vì người thuê thất nghiệp họ đã dọn về quê, nhà bỏ trống lâu nay.
Tôi thì xưa nay sống dựa vào chồng, giờ không có nguồn cung cấp đành phải tự xoay xở kiếm sống. Tôi làm các món ăn, làm bánh trái rồi rao bán trên mạng kiếm đồng ra đồng vào cho nhà năm miệng ăn, là gồm cả ba mẹ già.
Tôi xuống tinh thần quá, con cái thì học online không đến trường, chồng thì coi như không biết tình trạng thế nào khi một mình ở Việt Nam đầy cạm bẫy. Lo chồng, lo con, lo tương lai, tôi ốm dần ốm mòn, người cứ thẳng đuột như cây tăm.
Vợ chồng lâm vào ngõ cụt chẳng biết xoay xở làm sao, tôi muốn về cũng không có đường mà chồng muốn qua cũng chẳng có ngõ, khi mà hai năm qua ảnh từ chối đi, nên đâu có thể giờ muốn đi là đi được. Tôi giờ rối bời, chẳng thiết làm gì cả.
Cô ơi, mong cô ở ngoài sẽ sáng suốt để chỉ cho tôi một hướng giải quyết. Cám ơn cô. (Anh Nga)
*****
“Biết Tỏ Cùng Ai” do cô Nguyệt Nga phụ trách, với những chia sẻ ưu tư và vướng mắc liên quan các vấn đề trong cuộc sống mà quý vị không biết tỏ cùng ai. Mọi liên lạc xin gửi đến hộp thư: [email protected].
Phần góp ý của độc giả về câu chuyện ở trên sẽ được đăng ở kỳ tiếp theo. Kính mời độc giả tham gia.