Black Friday – ‘Thời hoàng kim’ nay còn đâu!

Walmart Black Friday 2023. (ảnh: Brian van der Brug / Los Angeles Times via Getty Images)

Vì mọi người có thể mua hàng online, và sức mua cũng giảm vì lạm phát, không còn cảnh giành giật nhau từng món hàng trong ngày Black Friday năm nay.

Hiệp hội Bán lẻ Quốc gia Mỹ (NRF) ước tính khoảng 182 triệu người dự định mua sắm tại cửa hàng và trực tuyến trong suốt kỳ nghỉ lễ Lễ Tạ Ơn kéo dài 5 ngày. Riêng ngày Black Friday có hơn 130 triệu khách hàng tiềm năng.

Nhưng trước tình hình lạm phát toàn cầu, các chuyên gia kinh tế lo lắng sức mua sẽ giảm mạnh. Phân tích của GlobalData cho Vouchercodes ở Anh, dự báo gần 8.7 tỷ bảng Anh sẽ được chi tiêu từ sáng Thứ Sáu đến tối Thứ Hai tuần này, chỉ tăng 0.4% so với năm ngoái.

Thật ra trong những năm gần đây, Black Friday trên thế giới không còn nhộn nhịp và đông đúc như trước. Không còn cảnh người mua sắm tranh nhau đến xô xát để lấy cho được chiếc TV giá hời và các đồ gia dụng đắt tiền khác.

Mua sắm ở Walmart trước Black Friday ở Burbank, CA. (ảnh: Brian van der Brug / Los Angeles Times via Getty Images)

Cái thời hoàng kim của Black Friday giờ không còn nữa.

Ngày đặc biệt này có xuất xứ từ tình trạng tắc nghẽn giao thông xảy ra vào ngày Thứ Sáu sau Lễ Tạ Ơn năm 1965 ở Philadelphia, khi hàng trăm nghìn người Mỹ chen chúc nhau ở các con phố, vỉa hè đi mua sắm để sửa soạn cho Lễ Noel sắp đến, theo truyền thống được xem là ngày bắt đầu mùa mua sắm Giáng Sinh, tương tự như Boxing Day ở nhiều quốc gia Khối thịnh vượng chung.

Nhiều cửa hàng bán hàng giảm giá mạnh vào Black Friday và mở rất sớm, chẳng hạn như lúc nửa đêm. Black Friday không phải là ngày lễ chính thức, nhưng California và một số tiểu bang khác coi “Ngày Sau Lễ Tạ Ơn” như một kỳ nghỉ cho nhân viên chính phủ tiểu bang, đôi khi thay cho một kỳ nghỉ liên bang khác, chẳng hạn như Ngày Columbus.

Nhiều nhân viên và trường học được nghỉ hai ngày Lễ Tạ Ơn và ngày Thứ Sáu sau đó, cùng với hai ngày cuối tuần Thứ Bảy, Chủ Nhật, làm cho kỳ nghỉ này dài tới bốn ngày liên tục, do đó làm tăng số lượng người mua sắm.

Các tư liệu sớm hơn có từ những năm 50 và 60 của thế kỷ trước. Jie Zhang, Giáo sư tiếp thị và Chuyên gia nghiên cứu quản lý bán lẻ Harvey Sanders tại Học viện Kinh doanh Robert H. Smith thuộc University of Maryland, chỉ ra rằng năm 1951 có đề cập đến “Black Friday” trong một ấn phẩm thương mại có trụ sở tại New York. Nó lưu ý rằng nhiều công nhân xin nghỉ bịnh vào ngày sau Lễ Tạ ơn với hy vọng có một kỳ nghỉ cuối tuần dài.

Được coi là ngày mở hàng cho mùa mua sắm Giáng Sinh của Mỹ, kể từ năm 1952, thuật ngữ “Black Friday” không được sử dụng rộng rãi cho đến những thập niên gần đây, trở nên nổi tiếng với lượng người đổ về các cửa hàng đứng xếp hàng chờ mua sắm và ùa vào khi cửa hàng mở cửa để mua được nhiều món hàng giảm giá, có khi tới 75%.

Nhưng sự gia tăng của mua sắm online đã giúp việc săn hàng giảm giá thuận tiện hơn, khiến quy mô các đám đông xếp hàng và mua sắm ở các siêu thị, trung tâm bán lẻ không còn lớn như xưa.

Theo Jay Zagorsky, Phó giáo sư tại Trường Kinh doanh Questrom của Boston University, đỉnh cao của doanh số bán lẻ truyền thống trong Tháng Mười Một đã cách đây 20 năm. Bên cạnh mua sắm trực tuyến gia tăng, giá của một số mặt hàng có giá trị lớn – vốn thu hút mọi người chờ đến Black Friday để tranh giành – nay đã khá rẻ, ví dụ TV.

Chen lấn giành giựt nhau mua TV ở Brazil năm 2018. (ảnh: Cris Faga/NurPhoto via Getty Images)

Khoảng 20 năm trước, một chiếc TV màn hình phẳng mới thường có giá vài nghìn đôla. Nghĩa là săn TV vào Black Friday và được giảm giá 15% hoặc 20% thì có thể tiết kiệm hàng trăm đôla, theo Zagorsky. Nhưng ngày nay, người tiêu dùng có mua một chiếc TV 32 inch chỉ từ $80.

Nếu chỉ được giảm vài chục đồng để mua được chiếc TV, chẳng ai mất công, mất thời gian xếp hàng chờ giữa đêm hôm lạnh ngắt. Mà hàng vẫn còn giảm tới mấy hôm sau, thậm chí lên online mua để được ship về tận nhà, không phải chen lấn.

Những năm gần đây, mọi người không còn nôn nao đón chờ để “được” xếp hàng mua sắm vào tối của ngày Lễ Tạ Ơn, vì nhiều cửa hàng mở từ sớm, từ chiều, chứ không chờ tới đúng 12 giờ khuya. Thậm chí nhiều đợt giảm giá bắt đầu từ trước Halloween.

Những người mua sắm xếp hàng bên ngoài cửa hàng Michael Kors tại Tanger ở Riverhead, New York lúc 6 giờ sáng ngày 27 Tháng Mười Một năm 2020. Những cảnh này giờ ít thấy. (ảnh: John Paraskevas/Newsday RM via Getty Images)

Ngoài ra, mùa Lễ Tạ ơn không chỉ có mỗi Black Friday. Các sự kiện mua sắm khác bao gồm Small Business Saturday và Cyber Monday, chính thức xuất hiện vào năm 2005 bởi Liên đoàn Bán lẻ Quốc gia Mỹ.

Trong đó, Cyber Monday phát triển mạnh trong kỷ nguyên mua sắm trực tuyến. Theo Adobe Analytics, người tiêu dùng Mỹ đã chi tổng cộng kỷ lục $11.3 tỷ vào Cyber Monday năm 2022, đánh dấu sự kiện mua sắm trực tuyến lớn nhất trong năm. Trong giờ cao điểm, người mua sắm chi $12.8 triệu mỗi phút.

Vậy liệu Black Friday có biến mất? Zagorsky cho rằng điều đó sẽ không xảy ra, dù ngày này không còn được như xưa, nhưng không khí náo nhiệt hấp dẫn của xã hội và niềm vui của mọi người, chuyện đi mua sắm vào ngày Thứ sáu – cũng là ngày cuối tuần sẽ thuận tiện hơn cho mọi người. “Black Friday đang dần trở nên ít quan trọng, nhưng nó sẽ không bao giờ biến mất,” Zagorsky nói.

(theo Fortune và nguồn tổng hợp)

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: