Cá voi sát thủ… thù ghét người giàu?

Cá voi sát thủ (orca, orcinus orca, hay killer whale) – ảnh: Marcos del Mazo/LightRocket via Getty Images)

Các nhà khoa học đưa ra hai giả thuyết giải thích tại sao cá voi sát thủ lại thích tấn công các du thuyền sang trọng ngoài khơi Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha trong những tháng đầu năm nay!

Khi cá dữ phập… “chủ nghĩa tư bản”

Những câu chuyện và video về các cuộc tấn công của cá voi sát thủ nhắm vào các du thuyền đắt tiền được chia sẻ rộng rãi trên mạng xã hội và biến loài cá này thành một biểu tượng chống “chủ nghĩa tư bàn”!

Sau khi xảy ra các vụ tấn công bất ngờ, “phập rồi chạy”, tập trung xung quanh eo biển Gibraltar, nơi cá voi tụ tập vào mùa Xuân và mùa Hè, một số nhà quan sát nói đùa “đây là một hành động đoàn kết chống chủ nghĩa tư bản và những kẻ quấy rối môi trường sống của tập thể cá”. Đối với những người nghiêm túc hơn, các màn đột kích giống một cách kỳ lạ với một cảnh trong bộ phim “Avatar” mới nhất có tựa “The Way of the Water” rất ăn khách của đạo diễn James Cameron.

Vụ mới nhất là sáng sớm ngày 25 Tháng Năm, khi cá voi sát thủ đã đâm vào một chiếc thuyền buồm ngoài khơi bờ biển phía Nam Tây Ban Nha, làm thủng thân tàu và hỏng bánh lái. Các đội cứu hộ chạy đua để cứu con tàu. Không bị chìm nhưng tàu bị hư hỏng nặng nên phải dừng cuộc hành trình và kéo vào bờ. Đây không phải là cuộc tấn công đầu tiên của cá voi sát thủ ngoài khơi bờ biển Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha trong năm nay (lần đầu tiên xảy ra vào năm 2020); và chắc chắn cũng không phải là lần cuối cùng chúng nhai bánh lái hoặc đâm vào thân tàu.

“Thông thường, cá voi sát thủ không nguy hiểm đối với con người. Tuy nhiên thời gian gần đây chúng có hành vi bất thường, gây làm thiệt hại nghiêm trọng cho các du thuyền sang trọng đang lưu thông” – Grupo de Trabajo Orca Atlántica (GTOA), một nhóm nghiên cứu về cá voi sát thủ trong khu vực nhận định – dẫn lại từ The Washington Post.

Chuyện gì đang xảy ra?

Các nhà khoa học có nhiều năm nghiên cứu về cá voi không hoàn toàn chắc chắn và họ chỉ đưa ra hai giả thuyết chính.

Giả thuyết số 1: Có họ hàng gần với cá heo mũi chai (bottlenose dolphin), cá voi sát thủ là loài động vật biển có vú rất thông minh, thích tò mò và bắt chước. Bằng cách sử dụng các xung và tiếng huýt dưới nước, những bầy cá voi giao tiếp tinh vi đến mức chúng có cả “phương ngữ” riêng cho mỗi bầy và cá bố mẹ dạy cho cá con các phương pháp săn mồi lưu truyền qua nhiều thế hệ. Sau khi học được một hành vi mới, cá voi non thường lặp lại hành vi đó đến lúc chán giống như con người.

Nhưng đây chỉ là một phần của việc học cách trở thành “kẻ săn mồi hàng đầu”. Theo Alfredo López Fernandez, nhà nghiên cứu tại Đại học Aveiro ở Bồ Đào Nha cộng tác với GTOA, nhận thức trên phù hợp với mô hình tấn công của cá voi vào tàu buồm mà các nhà khoa học đã chứng kiến trong năm nay. “Cách tấn công cho thấy đây là hành vi tự kích thích (“self-induced”) chứ không phải do khiêu khích bên ngoài của con người. Có nghĩa là chúng chỉ đơn thuần lập lại một trò chơi quen thuộc” – Fernandez nhận xét.

Nhưng có một động lực tiềm năng khác nghe có vẻ giống như “Moby Dick” trong giả thuyết thứ hai: Cá voi sát thủ muốn báo thù. Cá voi sát thủ ngoài khơi Bờ biển Iberia thích đi theo các tàu đánh cá để bắt cá ngừ vây xanh trước khi ngư dân cuốn chúng vào lưới. Sự tiếp cận gần này khiến chúng có nguy cơ bị va chạm hoặc vướng vào lưới (GTOA từng nhìn thấy cá voi sát thủ dính dây câu trên người).

Fernandez giải thích: “Có thể một con cá voi sát thủ đã từng đụng phải một chiếc thuyền trong quá khứ nên đã dạy cho những con cá khác cách tấn công trở lại (các nhà khoa học nghi ngờ một con cá voi cái trưởng thành được đặt tên White Gladis đang làm như vậy). Nhưng chúng tôi chưa có đủ thông tin để biết lý do thực sự đằng sau các cuộc tấn công. Ngay cả khi giả định thứ hai là đúng thì chúng ta cũng không biết cái gì đã thực sự kích thích chúng trả thù!”.

Năm 2011 chỉ có 39 con cá voi sát thủ được nhìn thấy nên quần thể cá voi Iberia được Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (International Union for Conservation of Nature) xếp vào loại “cực kỳ nguy cấp” về tuyệt chủng. “Tác động của nguy cơ vướng lưới và va chạm với tàu thuyền đã biến con người thành mối đe dọa lớn nhất đối với tất cả các loại cá voi và cá heo trên khắp thế giới – Fernandez kết luận – Thực tế này buộc chúng ta phải suy nghĩ về các hoạt động của con người (dù gián tiếp) chính là nguồn gốc dẫn đến hành vi tấn công của cá voi”.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: