Cách chữa ‘bệnh’ mua sắm theo cảm xúc

Black Friday, nhiều khi chẳng cần gì cũng chịu đứng xếp hàng chờ vô mua sắm, lâu ngày thành ra cái “bệnh”. (ảnh: John Paraskevas/Newsday RM via Getty Images)

Một cuộc khảo sát gần đây của LendingTree cho thấy gần 70% người Mỹ cho biết họ bị cảm xúc ảnh hưởng đến việc đi chợ búa, mua sắm, chi tiêu.

“Căng thẳng quá, Chủ nhật này đi shopping nhe, chỉ khi đi mua sắm mới giúp mình bớt stress, bạn ạ,” Tina Trần dụ cô bạn của mình. Hai người làm chung hãng, ở thuê hai nhà gần nhau ở một apartment trên đường Euclid, thành phố Santa Ana, nên khá thân thiết và làm gì cũng có nhau.

Vấn đề là Tina hay bị căng thẳng, mà mỗi lần như vậy, cô đều phải đi mua sắm, mua rất nhiều, cả những thứ chưa cần dùng đến.

Tina không phải là trường hợp cá biệt. Nhà tâm lý học tài chính Brad Klontz nói vớiCNBC Make It, rằng thế hệ trẻ thường dễ bị cảm xúc lấn chiếm thói quen mua hàng của mình. Khoảng 75% thế hệ Millennials và Gen Z thừa nhận việc mình thường chi tiêu theo cảm xúc, và vì họ ít nghĩ đến quỹ hưu trí khi nhấp vào nút “mua hàng.”

Klontz cho biết: “Nhiều bạn trẻ sẵn sàng móc hầu bao ra, xài xả láng. Điều đó không có nghĩa là cảm xúc tiêu cực thôi thúc bạn phải tiêu tiền, nhưng hành động mua sắm sẽ tạo cho bạn sự phấn khích, hào hứng, nên cứ chán nản là shopping, căng thẳng là ra trung tâm mua sắm, buồn là ra chợ,…”

Trong khi căng thẳng là cảm xúc hàng đầu mà người Mỹ cho rằng nó đang thúc đẩy việc chi tiêu của họ thì sự phấn khích (44%) và hạnh phúc (38%) lại nằm trong tốp ba. Điều đó không có gì đáng ngạc nhiên khi 54% chia sẻ rằng họ có nhiều khả năng chi tiêu hơn khi đang ở trong một tâm trạng vui vẻ, theo LendingTree.

Chi tiêu theo cảm xúc (Emotional spending) là thói quen phổ biến, và cũng là “vấn đề lớn”. Gần 40% những người chi tiêu theo cảm xúc cho biết họ bị mắc nợ vì mua sắm lung tung. Hơn thế nữa, Klontz cảnh báo nếu cứ chi tiêu theo cảm xúc, sẽ có khả năng gây hao tổn cho nguồn tài chính cũng các mối quan hệ của chính bạn.

“Cách chúng ta nhìn nhận tiền bạc gắn liền với những kỷ niệm và trải nghiệm. Nó phức tạp và mang tính cảm xúc,” Slemer, người sáng lập Finasana, một nền tảng hiểu biết về tài chính trực tuyến.

“Chúng ta lớn lên như thế nào, trải nghiệm thời thơ ấu của chúng ta xung quanh tiền bạc, chúng ta sống ở thành phố nào, phương tiện truyền thông nào chúng ta sử dụng, thời gian của chúng ta với ai và chúng ta làm gì cho công việc, tất cả đều có ảnh hưởng lớn đến cách chúng ta tiêu tiền, cho dù chúng ta có nhận ra hay không.”

Mua sắm online. (minh họa: tabitha turner/Unsplash)

Có cách nào để tránh lâm vào tình trạng “chi tiêu theo cảm xúc”?

Slemer nói chìa khóa là chấp nhận rằng không phải tất cả các quyết định chi tiêu của chúng ta đều sẽ hoặc phải logic 100%. “Không chỉ là đưa ra những quyết định ‘đúng đắn’ về tiền bạc, mà chỉ cần đưa ra nhiều quyết định đúng đắn hơn là những quyết định xấu, chúng ta có thể cảm thấy khá tự tin vào tài chính của mình,” Slemer nói.

Vì vậy, làm thế nào bạn có thể biết liệu bạn đang chi tiêu theo suy nghĩ hay cảm xúc? “Bạn cần tạo ra nhiều không gian hơn trong việc mua hàng, từ quá trình suy nghĩ đầu tiên đến việc quẹt thẻ tín dụng,” Slemer giải thích. “Hãy tự hỏi bản thân trước khi quyết định chi tiêu một thứ gì đó: tôi cần cái này hay tôi muốn cái này? Tôi đặt Grab vì đó là thói quen, hay vì đã trễ rồi, không thể bày ra nấu nướng và Grab là lựa chọn an toàn?”

Slemer nhắc mọi người nên lưu ý đến các kiểu chi tiêu bốc đồng và “vung tay quá trán” để rồi… đổ nợ. Thay vào đó, đôi khi bạn chỉ cần nói chuyện đó với một người bạn hoặc thay đổi môi trường làm việc, là có thể vượt qua những cảm xúc này thay vì chi tiêu quá mức.”

Lời khuyên từ Klontz

Klontz cho biết, nếu bạn coi mình là một người hay chi tiêu theo cảm xúc và muốn đặt ra một số ranh giới cho thói quen của mình, thì hãy làm theo năm lời khuyên về cách chống lại bản năng tiêu cực đó:

-Thực hành quy tắc 24 giờ
Để chống lại sự thôi thúc mua hàng của não, hãy dành chút thời gian giữa sự thôi thúc của bạn và việc thật sự mua một thứ gì đó. Để làm việc này, Klontz đề xuất quy tắc 24 giờ.

“Bạn chất đồ vào giỏ hàng trên Amazon, nhưng bạn sẽ không mua ngay, mà sẽ đợi 24 giờ rồi quay lại để xem liệu đó có phải là thứ bạn rất cần và muốn mua hay không,”  Klontz nói. “Hiệu quá lắm đó nghe! Vì nhiều người sau đó đã quyết định không mua, bởi vì họ chưa cần, và nếu bạn không đợi qua qua hết 24 giờ, có khi bạn tốn tiền cho món đồ chưa cần đến.”

-Sử dụng tiền mặt bất cứ khi nào có thể
Khi mua sắm trực tiếp tại các cửa hàng, Klontz khuyên bạn nên sử dụng tiền mặt thay vì đưa thẻ. Làm như vậy, bạn có thể biết chính xác số tiền mình chi tiêu.

Phần lớn việc chi tiêu của nhiều người là vô thức, và khi bạn đưa ra mấy tờ đôla, bạn sẽ cảm giác xót xa một chút, thay vì quẹt thẻ sẽ không nhận ra mình đã tiêu bao nhiêu trong tài khoản.

(minh họa: Unsplash)

-Chất vấn bản thân
Klontz nói rằng trước khi mua một thứ gì đó, hãy đặt ra cho mình một loạt những câu hỏi để xác định xem việc mua món đồ đó có xứng đáng hay không.

Bạn viết ghi chú trên điện thoại của mình: Mình có nên mua món này không? Mình đã thật sự cần đến nó chưa? Mua rồi sẽ đặt nó ở đâu?

-Rủ bạn đi mua sắm
Cách kiềm chế việc mua sắm, bạn nên có người đi cùng. Có thể họ sẽ sáng suốt hơn bạn. Tốt nhất là rủ chồng/vợ của bạn cùng đi, vì hai bạn ở chung nhà, hiểu rõ nhu cầu cần thiết là gì, người này có thể “cản” người kia và kiểm soát nhau để tránh mua lố ngân sách gia đình.

Klontz nói: “Vợ tôi và tôi hay đi mua sắm chung là vậy đó. Chỉ cần biết rằng bạn sắp phải tư vấn cho người khác, cũng đủ giúp bạn giải quyết được rất nhiều vấn đề.”

-Nghĩ về mục tiêu dài hạn

Mặc dù việc chi tiêu theo cảm xúc thường là điều không thể tránh khỏi, nhưng xem xét các mục tiêu tài chính cũng là cách hiệu quả để ngăn cản “hành động” làm tiêu hao nguồn tài chính của bạn.

Klontz nói: “Hãy ngồi lại và suy nghĩ về những gì bạn thật sự muốn trong cuộc sống. Đừng nghĩ mua vài món đồ lặt vặt không ảnh hưởng đến kế hoạch đổi xe hoặc mua nhà. Việc chi tiêu theo cảm xúc ở thời hiện tại chẳng những liên quan đến các giá trị và mục tiêu thực tế của bạn và còn có khả năng phá hoại những kế hoạch quan trọng của bạn.”

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Chứng hôi miệng
Chứng hôi miệng là một tình trạng phổ biến, gây khó chịu cho bản thân, những người xung quanh và thậm chí cô lập xã hội, ảnh hưởng đến mọi…
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: