Cái túi giấy màu nâu “huyền thoại” của Bloomingdale’s

Chiếc túi giấy đơn giản đã trở thành một phần của văn hóa tiêu dùng Mỹ (ảnh: Bloomingdale’s)

Nó đã xuất hiện trong phim “Friends”, “Gossip Girl” và “Elf”. Nó đã được tái sinh thành một chiếc bánh, một hộp sứ Limoges và một mặt dây chuyền kim cương màu sâm panh. Nó được làm bằng nhựa mạ chrome như một phần tác phẩm điêu khắc về họa sĩ lừng danh Andy Warhol của nghệ sĩ Rob Pruitt. Và, giống như các thực thể khác trong thế giới thời trang đã được chỉnh sửa và biến đổi trong 50 năm qua, hình ảnh giấy nâu của nó không có sự thay đổi đáng kể về khuôn mặt.

Đó chính là chiếc túi mua sắm được khai sinh từ Bloomingdale’s. Nó sẽ tròn 50 tuổi trong tháng này.

“Big Brown Bazaar” trong Bloomingdale’s ở 59th Street, Manhattan, New York với những sản phẩm được tung ra dịp kỷ niệm 50 năm ngày ra đời “Big Brown Bag” (ảnh: Bloomingdale’s)

Để ăn mừng, Bloomingdale’s đã giới thiệu chương trình “Big Brown Bazaar” tại cửa hàng của họ ở 59th Street, Manhattan, New York, nơi hiện chứa đầy hàng hóa lấy cảm hứng từ cái túi giấy màu nâu huyền thoại, trong đó có sản phẩm cái vợt ping pong Big Brown ($98), tạp chí Big Brown ($19,95), chiếc áo len Polo Ralph Lauren ($188) có hình một con gấu đang cầm một chiếc túi màu nâu lớn. Một phiên bản kỷ niệm của chiếc túi với số “50” màu vàng và quai bằng dây cũng sẽ được cung cấp cho khách hàng tại cửa hàng này trong suốt Tháng Mười.

Ảnh: Marco Garcia/Getty Images for Bloomingdale’s

Được giới thiệu vào năm 1973, cái túi giấy màu nâu đựng đồ mua hàng – Big Brown Bag – ra mắt trong bối cảnh việc đổi thương hiệu tại Bloomingdale’s bắt đầu một năm trước đó dưới thời Marvin Traub, khi đó là giám đốc điều hành, nhân dịp kỷ niệm một thế kỷ kinh doanh.

Ông Traub, qua đời năm 2012, viết trong hồi ký rằng, thời điểm đó, phó chủ tịch phụ trách quảng cáo và kinh doanh Mary Joan Glynn đề xuất thiết kế lại logo cho Bloomingdale’s. Thế là Bloomingdale’s nhờ đến Massimo và Lella Vignelli, hai vợ chồng sáng lập công ty thiết kế đồ họa Vignelli Associates, nơi vào năm 1972 đã thiết kế lại bản đồ tàu điện ngầm của New York City. Vợ chồng Vignelli thiết kế kiểu chữ mới cho Bloomingdale’s: phông (font) chữ sans-serif, trong đó cái tên được hiển thị với một nét chữ xoáy gợi liên tưởng đến chữ ký viết tay. Ông Traub, trong cuốn hồi ký, viết rằng bà Mary Joan Glynn đặt tên cho phông chữ là Bloomingtype.

Vào khoảng thời gian bắt đầu sử dụng Bloomingtype, Bloomingdale’s cũng giới thiệu một loại túi mua hàng bằng giấy kraft nâu với kích thước lớn hơn, để đáp ứng yêu cầu túi to mà bộ phận khăn trải giường (linens department) của Bloomingdale’s đề nghị, nhằm để vừa những món đồ như gối, chăn… Trên những chiếc túi đó có in ba chữ xếp chồng lên nhau: “Big Brown Bag”. Sau đó, “Little Brown Bag” ra đời, dành cho khách mua mỹ phẩm; và tiếp đó là “Medium Brown Bag”.

Emily Orr, phó giám tuyển (associate curator) tại Cooper Hewitt thuộc Bảo tàng Thiết kế Smithsonian (Smithsonian Design Museum) cho biết, chính sự đơn giản trong thiết kế lẫn chất liệu đã đưa chiếc túi trở thành một biểu tượng địa vị (a status symbol). Emily Orr nói: “Chiếc túi không đáng nhớ vì chất liệu lạ mắt hay bề ngoài hào nhoáng mà vì “nó rất dễ đọc (readable), dễ nhận biết và giúp thiết kế dễ tiếp cận”. Khoảng hai thập niên sau, chiếc túi được làm lại với tên Bloomingdale’s ở hai bên thân. Đến thời điểm đó, chúng đã trở thành biểu tượng của Bloomingdale’s và phong cách sống mà nó biểu thị. Nó càng được chú ý khi người ta thấy được xách bởi Jacqueline Kennedy; bởi các nhà thiết kế tên tuổi Diane von Furstenberg và Calvin Klein; và cả họa sĩ Andy Warhol…

Diễn viên-ca sĩ Ashley Tisdale với chiếc túi Bloomingdale’s (ảnh: Jean Baptiste Lacroix/WireImage)

Kể từ khi Big Brown Bag ra mắt đến nay, Bloomingdale’s đã giới thiệu các mẫu túi mua sắm được thiết kế-sản xuất với sự hợp tác của các nhà thiết kế lẫn họa sĩ danh tiếng. John C. Jay, giám đốc sáng tạo truyền thông và tiếp thị tại Bloomingdale’s, cho biết những chiếc túi này có họa tiết đặc trưng của nhà thiết kế thời trang Franco Moschino và nhà thiết kế nội thất Ettore Sottsass, cùng nhiều người khác, được giới thiệu như là một cách để truyền đạt nhận thức văn hóa của Bloomingdale’s tới khách hàng. Những chiếc túi mang nét “văn hóa Bloomingdale’s” được tung ra từ năm 1979 đến năm 1992. Một số hiện nằm trong bộ sưu tập của Cooper Hewitt và Hiệp hội Lịch sử New-York.

Những sản phẩm được giới thiệu nhân dịp 50 năm ngày ra đời cái túi giấy Bloomingdale’s

Big Brown Bag và những đứa “em gái” của nó chưa bao giờ biến mất. Năm 1995, nó được “chuyển thể” thành túi PVC màu nâu với nhiều kích cỡ khác nhau. Hình ảnh cái túi nâu thậm chí được in trên ly cốc, bìa passport, móc chìa khóa và vô số sản phẩm khác. Frank Berman, phó chủ tịch điều hành kiêm giám đốc tiếp thị của Bloomingdale’s cho biết: “Mọi người thích mang một phần thương hiệu về nhà. Chúng tôi đã làm những chiếc ô – những chiếc ô Big Brown. Chúng tôi đã làm những chiếc ghế bãi biển Big Brown, chúng tôi đã làm những chiếc khăn Big Brown, chúng tôi đã làm những hộp chocolate Big Brown.”

Cũng có những phiên bản đặc biệt của Big Brown Bag. Năm 2018, Bloomingdale’s tạo ra Super Brown Bag với các nhân vật trong Super Mario Bros. để quảng cáo bộ sưu tập thời trang mà Bloomingdale’s hợp tác với Nintendo. Một năm sau, phiên bản túi Big Little Lies ra mắt nhằm quảng bá sự hợp tác với HBO.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: