Vào ngày vui của các “Tình nhân của Champagne” 22 Tháng Mười 2021, bạn sẽ khui chai nào? Theo thứ tự chữ cái Latin, chọn chai nào có nhãn bắt đầu bằng chữ A chăng? Ayala? Armand de Brignac? Hay là chai Argonne? Muốn vậy mời bạn làm chuyến du hành vào quá khứ cách nay hơn 100 năm.
RỪNG ARGONNE NĂM XƯA
Nằm ở phía Tây Bắc nước Pháp, cách Paris không xa, ngay trong vùng Champagne là một khu rừng già dày đặc với những hàng cây sồi cao vút hơn 35m. Đó là rừng Argonne, nơi diễn ra nhiều trận chiến ác liệt trong lịch sử Pháp.
Đầu Tháng Chín 1918, quân Đồng Minh lập kế hoạch tấn công tập trung mặt trận phía Tây. Cuộc tấn công đầu tiên sẽ diễn ra ở địa danh có tên là Argonne được giao cho lính Mỹ đảm đương. Mục tiêu là chiếm chặng đường sắt nối liền hai thành phố Metz và Sedan, vì đây là trục tiếp viện quan trọng của quân Đức. Ngày 26 Tháng Chín, cuộc tấn công bắt đầu bằng màn mưa đạn đại pháo xuống phòng tuyến đối phương, sau đó hàng hàng lớp lớp lính Mỹ ào lên. Tuy nhiên, đạn đại liên từ các giao thông hào mà lính Đức đào sâu kiên cố cứ đốn ngã họ. Trên bầu trời thì diễn ra các cuộc không chiến! Đây là cuộc tấn công quy mô lớn nhất cuối cùng của lực lượng viễn chinh Mỹ và lính Pháp khiến cuối cùng quân Đức thua trận và Đức đầu hàng.
Mặt trận Argonne cũng là nơi mà lính Mỹ chịu nhiều tổn thất nhất trong Đại chiến thứ nhất. Từ ngày 26 Tháng Chín đến ngày 11 Tháng Mười Một 1918, tức ngày lệnh ngừng bắn được ký kết, đạn pháo, đại liên và bom mìn của Đức đã đốn gục 26,277 binh sĩ Mỹ và làm bị thương trên 100,000. Phía Đức chết 28,000 lính. Ngày nay, thân nhân những người lính Mỹ năm xưa vẫn tìm đến nghĩa trang Romagne-sous-Montfaucon bên sông Meuse để thăm viếng. Tại đây có đến 14,236 ngôi mộ lính Mỹ, phủ khắp diện tích 52 héc-ta. Mà đó chỉ là đoàn quân viễn chinh Mỹ mới đặt chân lên Lục địa cũ vào năm 1917 để cùng quân đồng minh Anh, Canada, Pháp, Bỉ đánh trả quân Đức. Tổng quát, cuộc tấn công Meuse-Argonne đã quy tụ đến 1.2 triệu sĩ quan và binh sĩ Mỹ! Trận chiến ác liệt kéo dài hơn sáu tuần (chính thức là 47 ngày đêm); phía đối phương cũng tập trung đến 450,000 lính phòng ngự trên toàn mặt trận Verdun!
Sử sách nhận định rằng trận Argonne là trận đầu tiên mà quân đội Hiệp Chủng Quốc Hoa Kỳ được “khai sinh trong tiếng súng”. Khi ấy các tướng Mỹ chưa thực sự có kinh nghiệm chiến trận quy mô lớn. Sự can đảm và hy sinh của những chàng lính trơn (có rất nhiều lính da đen) đã cứu cho Mỹ không thất bại ở Argonne. Có đến một nửa tổng số Huân chương Danh dự (Medal of Honor) trao cho lính Mỹ trong Đại chiến thứ nhất là thuộc về những người lính tác chiến ở Argonne cách nay hơn 100 năm…
ARGONNE NGÀY NAY
Rừng cây sồi bị bom đạn tiêu hủy một thế kỷ trước nay đã dày đặc tươi tốt. Khi hạ gốc sồi to cao xuống, xẻ ra lấy ván làm thùng ủ vang sủi Champagne, người ta thỉnh thoảng vẫn thấy những viên đạn bám sâu trong gỗ! Nghiện sách sử, xem loạt phim về Đại chiến thứ nhất nên tôi biết địa danh Argonne từ khá lâu nhưng mãi đến Tháng Năm 2018, nhờ đọc bài báo trong tạp chí của hãng Air France, thì mới biết thêm có nhãn Champagne Argonne, một sản phẩm đỉnh của nhà Henri Giraud! Chờ mãi cho đến gần đây mới lần đầu tiên cầm Argonne trong tay. Đó là một chai niên vụ 2011.
Dáng chai cổ dài cổ điển rất đẹp. Màu đen tuyền. Trên cổ chai thon thả có khắc laser “lý lịch” số bao nhiêu vì nghe đâu chỉ có khoảng 5,000 chai Argonne 2011 làm ra từ thửa nho Ay Grand Cru (nhớ rằng trong tổng số 323 crus của toàn vùng Champagne thì chỉ có 17 thửa được xếp hạng “Grand Crus”). Nhãn chai cũng rất đặc biệt: Một vuông giấy vàng 18k thật mịn. Rồi còn chiếc “que thần” lát vàng kiểu dáng thanh lịch để mở nút chai, được thiết kế để “thân thiện với môi trường”. Tức không bọc lớp foil nào cả. Ngoài ra còn tấm thẻ xác nhận kiểm tra chất lượng hàng hóa. Bảo vệ chai Argonne là cái hộp gỗ sồi.
Nói đến Champagne của nhà Henri Giraud là nói đến rừng gỗ sồi Argonne, đất ở Ay, với khạp ủ vang hình quả trứng làm bằng đất nung terra cotta. Mỗi năm người ta đóng hoàn chỉnh 80 thùng gỗ sồi có ghi rõ thu hoạch từ phần đất nào trong rừng Argonne để tùy theo đó mà cho ủ vang làm sâm banh. Thành lập từ năm 1625, nhà Henri Giraud hiện được công nhận là một trong những nhà sản xuất Champagne lâu đời nhất mà vẫn hoạt động theo truyền thống gia đình cha truyền con nối. Claude Giraud, chủ nhân chính, là thế hệ thứ 12 của gia đình Giraud. Năm 2002 Claude Giraud bắt tay sản xuất một dòng Champagne mới mang tên Argonne, với đặc điểm lên men, cất ủ hoàn toàn trong những thùng gỗ sồi lấy từ rừng Argonne. Chai đầu tiên theo công thức này là Argonne 2004, tiếp đó là Argonne 2011; và Argonne 2012 thì trình làng người sành điệu trên thế giới từ Tháng Hai 2020.
Chẳng biết bao giờ mới có những chai Champagne Argonne mới lạ khác. Nhà Giraud bắt đầu cho nghiên cứu DNA của cây sồi trong các mẫu rừng mà họ đã mua trong khu rừng Argonne. Chờ bao lâu đây, khi mà thời gian mà cây sồi đạt tuổi trưởng thành mất đến 180 đến 200 năm!
LÝ LỊCH TRÍCH NGANG
*Champagne Henri Giraud vẫn là một nhà sản xuất nhỏ lẻ kiểu gia đình với trung bình mỗi năm khoảng 250,000 chai các loại.
*Champagne Henri Giraud xếp hạng 26 trong Top 30 Nhãn Champagne được ngưỡng mộ nhất thế giới năm 2019, theo bình chọn của tạp chí Drinks International. Năm 2020, họ nhích lên hạng 18 và hạng 17 năm 2021.
*Lò Champagne Henri Giraud tọa lạc gần đại lộ mang tên cố Tổng thống Pháp Charles de Gaulle, con đường chạy xuyên thị trấn Ay. Khi còn sống, ông Charles de Gaulle rất thích uống Champagne đậm chất nho Pinot Noir, trồng nhiều nhất tại Ay.
*Nhà phê bình vang tài danh Robert Parker (Mỹ) nhận định, “Henri Giraud là nhà Champagne tuyệt diệu nhất mà hầu như chưa ai nghe nói đến bao giờ!”.
Bài và ảnh: P. Nguyễn Dũng