AI thông minh, dễ mến, nhưng chớ nên ‘phó thác’ hoàn toàn

ChatGPT là một chatbot AI giúp lập trình, làm bài tập và giải thích đa số các câu hỏi. (minh họa: Emiliano Vittoriosi/Unsplash)

Nếu bạn chỉ sử dụng AI để chỉnh sửa hình ảnh tự chụp hoặc tìm công thức nấu ăn thì bạn đang tự giới hạn rất nhiều lợi ích của “cái đầu nhân tạo” này.

Theo Sarah Hoffman, phó chủ tịch về nghiên cứu trí tuệ nhân tạo (Artificial Intelligence – AI) tại Fidelity Investments, những công cụ này có khả năng giúp bạn thăng tiến trong sự nghiệp. Cô đặc biệt yêu thích việc sử dụng ChatGPT, chatbot AI tổng hợp phổ biến của OpenAI, trong môi trường làm việc chuyên nghiệp.

Tại lễ hội Fast Company Innovation Festival năm 2023 gần đây, Hoffman cho biết: “Ai tìm ra cách sử dụng công cụ này để làm việc tốt hơn và làm khác đi với những gì tôi đã làm trước đây là những người sẽ thành công.”

Hoffman cho biết, nếu bạn thành thạo việc sử dụng ChatGPT – một phiên bản miễn phí cho bất kỳ ai có tài khoản OpenAI – bạn sẽ khiến bản thân trở nên tài năng, sáng tạo và hiểu biết hơn.

Dưới đây là những cách để thực hiện điều đó:

-Cải thiện năng suất và hiệu quả công việc

Hoffman cho biết, cho dù bạn đang soạn thảo một báo cáo, tạo bản trình bày PowerPoint hay viết mã phần mềm, AI tổng quát có thể giúp bạn tăng tốc quá trình đó.

Nếu bạn đặt ra yêu cầu: “Hãy viết cho tôi một mẫu thuyết trình về kinh doanh thời trang,” công cụ này sẽ tạo một bản phác thảo chi tiết cho bạn, chỉ sau vài giây. Sau đó, công việc của bạn chỉ là kiểm tra và chỉnh sửa văn bản đã được AI soạn sẵn.

Điều này đặc biệt hữu ích cho những ai đang phải vật lộn với hội chứng “bí bài”, nhìn chằm chằm vào một tờ giấy trắng hoặc màn hình máy tính mà chẳng “lòi” ra được chữ nào. Nhưng đối với người thiếu cẩn trọng, hoặc hạn chế về kiến thức, AI sẽ không phải là sự lựa chọn hoàn hảo, vì bạn cần phải kiểm tra thật kỹ sản phẩm được tạo ra bởi chatbot.

Một nghiên cứu vào Tháng Tám năm 2023 của Purdue University cho thấy, khi được hỏi một loạt 512 câu hỏi về kỹ thuật phần mềm, ChatGPT đưa ra 52% câu trả lời sai. 77% trong số những câu trả lời đó quá dài dòng, càng cho thấy sự cần thiết của bàn tay, và cả trí óc của con người thật.

Hoffman nói: “Trong nhiều trường hợp, bạn có lẽ phải cần một ai đó bằng xương bằng thịt tham gia vào vì công nghệ này tìm và lọc ra từ các nguồn, vì vậy những thông tin đó cần phải được xác minh là đúng hay sai.”

Ngoài ra, những câu hỏi liên quan đến tình hình thời sự, hoặc dự đoán, thường được từ chối trả lời, hoặc khuyên nên tìm hiểu từ các nguồn chính thống.

Những câu hỏi mang tính thời sự hoặc dự đoán, thường không có câu trả lời. (minh họa, chụp qua màn hình)

-Động não hơn
Hoffman thích sử dụng ChatGPT “như một đối tác trong việc động não,” cô nói. Trong bối cảnh này, những lỗi và cách chế tạo của công cụ không quan trọng, bạn chỉ sử dụng AI để lấy cảm hứng thôi.

Hoffman nói: “Tôi không bận tâm nếu AI tự nghĩ ra một điều gì đó trong khi tôi đang suy nghĩ. Tôi không sử dụng AI như một công cụ để nghiên cứu hoặc công cụ thực tế.”

Trong một thử nghiệm gần đây, Make It đã hỏi ChatGPT: “Nếu cần dạy bài học cho mấy đứa học trò, làm sao để có được sự sáng tạo?

Chatbot trả lời: “Kết hợp các hoạt động thực hành hoặc mô phỏng để thu hút học sinh của bạn một cách tích cực. Ví dụ như bạn có thể sử dụng các bài tập nhập vai, trò chơi tương tác hoặc nghiên cứu điển hình trong thế giới thực có liên quan đến chủ đề mà bạn đang dạy.”

ChatGPT cũng khuyến nghị sử dụng video, hoạt ảnh và các công cụ tương tác trực tuyến để giúp quá trình học trở nên năng động hơn.

Hầu hết các giáo viên đã quen thuộc với nhiều chiến lược đó, nhưng vấn đề không phải là học điều gì đó mà bạn không biết. Hoffman cho biết, bạn đang thiết lập một điểm xuất phát để định hướng bộ não của mình đi đúng hướng.

Logo ChatGPT của một chatbot do OpenAI khởi chạy được nhìn thấy trên điện thoại thông minh và logo OpenAI ở phía sau. (ảnh: Pavlo Gonchar/SOPA Images/LightRocket via Getty Images)

-Vô tư đặt câu hỏi mà không phải lo ngại gì
Một nghiên cứu năm 2020 của University of Central Florida cho thấy 62% sinh viên cho biết họ cảm thấy không tự tin để đặt câu hỏi trong lớp vì lo ngại các bạn khác trong lớp sẽ đánh giá mình. Hiện tượng tương tự cũng xảy ra ở nơi làm việc, Hoffman cho biết.

“Nếu muốn hỏi gì, tôi sẽ hỏi một đồng nghiệp khác ‘Này, giúp tớ giải thích chủ đề này được không?’ Nếu tôi vẫn không hiểu, có lẽ tôi sẽ không dám hỏi lần thứ hai,” Hoffman nói. “Nhưng với ChatGPT thì tôi chẳng ngại gì, nếu không hiểu, tôi vẫn được giải thích mà không một lời kêu ca, chẳng bị nói là “ngu như bò”, và hỏi cả trăm lần cũng được.”

Trong bối cảnh này, bạn chắc chắn cần phải xác minh rằng mọi thông tin được đưa ra đều chính xác về mặt thực tế và khoa học. Tùy thuộc vào mức độ kiểm tra, bạn sẽ nhận được kết quả tốt, hoặc một cái kết không hay ho gì. Tuy nhiên, việc sử dụng AI ít nhất cũng giúp bạn giảm bớt lo lắng khi đặt câu hỏi cho sếp hoặc các giáo sư của mình.

(theo CNBC)

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: