Cái chết bi thảm của “huyền thoại” BlackBerry

Điện thoại BlackBerry từng là sản phẩm thời thượng đối với dân thích công nghệ lẫn người tiêu dùng bình thường (ảnh: Sean Gallup/Getty Images)

Từng được xem là “legend” theo cách nói của báo chí Anh-Mỹ, chiếc điện thoại BlackBerry một dạo là biểu tượng của thời thượng, của công nghệ bảo mật đỉnh cao, của thời trang sang chảnh khiến thiên hạ lé mắt. Tuy nhiên, nhiều năm nay, BlackBerry đã ốm nằm liệt giường. Chẳng ai còn nhớ nó. Hôm nay, ngày 4 Tháng Một 2022, BlackBerry chính thức được rút ống thở…

Nếu còn chiếc BlackBerry trong tay ở thời điểm này, bạn gần như chẳng làm gì được với nó, kể cả quay số 911 hoặc nhắn tin. Nó đang tiến dần đến giai đoạn “hóa thạch”, với hình ảnh chỉ còn có thể gợi nhớ một thời lịch sử hoàng kim. Sự hiện diện của nó quá lạc lõng trong một thế giới smartphone đang hừng hực khí thế 5G. Từ ngày 4 Tháng Một 2022, bất kỳ điện thoại hoặc máy tính bảng nào chạy phần mềm riêng của BlackBerry – BlackBerry 7.1 trở về trước, BlackBerry 10 hoặc hệ điều hành máy tính bảng BlackBerry PlayBook – sẽ không còn hoạt động, kể cả khi bạn sử dụng Wi-Fi hoặc mạng di động. Tính “hữu dụng” còn lại của BlackBerry bây giờ chắc chỉ có thể dùng làm cục chặn giấy.

Danh trấn giang hồ với bàn phím QWERTY và khả năng bảo mật cao từng mang lại cho BlackBerry 50% thị phần ở Mỹ, chiếc điện thoại này từng được cầm trên tay các người đẹp Kim Kardashian và Paris Hilton, trong túi (Tổng thống) Barack Obama cũng như vô số chính trị gia trong Quốc hội Hoa Kỳ…

BlackBerry từng “tắt máy” khởi động lại vào năm 2013 với một hệ điều hành mới, BlackBerry 10, nhưng không thành công. Năm 2015, họ chuyển sang sản xuất thiết bị Android. Thất bại nốt. Sau đó, năm 2016, nhà sản xuất BlackBerry – Research in Motion (RIM) – bắt đầu cấp phép thương hiệu cho nhà sản xuất bên thứ ba TCL của Trung Quốc (để sản xuất điện thoại BlackBerry chạy bằng hệ điều hành Android với tên sản phẩm thương mại là BlackBerry KEY2). Sản phẩm này thất bại ê chề. Năm 2020, một công ty ở Texas – OnwardMobility – cho biết họ sẽ sản xuất thiết bị BlackBerry chạy Android 5G với bàn phím QWERTY để tung ra thị trường năm 2021. Tuy nhiên, thế giới đã bước qua 2022, điện thoại BlackBerry do OnwardMobility sản xuất chưa thấy lộ diện.

Hôm nay, BlackBerry đã “vĩnh biệt nhân loại” (ảnh: Jesus Hellin/Europa Press/Getty Images)

Sự từ giã cuộc đời của BlackBerry là cái chết của một kẻ ngạo mạn, chậm tư duy, và hoang tưởng sức mạnh. Ngay từ khi iPhone ra mắt năm 2007, nhiều người đã cảnh báo rằng nếu không thay đổi, BlackBerry sẽ chết. Tuy nhiên, RIM bình chân như vại. Tôi to khỏe thế này, chết là chết thế nào! Và BlackBerry đã chết lần chết mòn rất nhanh. Thị phần BlackBerry giảm từ 20% năm 2009 xuống còn dưới 5% năm 2012 – theo Business Insider. Đến năm 2016, khi công ty ngừng sản xuất điện thoại BlackBerry và chuyển sang tập trung vào phần mềm, thị phần của họ đã giảm còn… 0%! Thế mà trước đó hai năm, cuối năm 2014, Giám đốc điều hành BlackBerry, John Chen, vẫn khẳng định rằng chiến lược của công ty là tiếp tục “tập trung ngày càng nhiều hơn vào bàn phím QWERTY”, như thể ông không hề thấy rằng cái gọi là “bàn phím” đã biến mất từ lâu trên tất cả sản phẩm điện thoại thông minh.

RIM được Mike Lazaridis và Douglas Fregin (Canada) thành lập vào Tháng Ba 1984. Thời điểm đó, Lazaridis là sinh viên kỹ thuật tại Đại học Waterloo trong khi Fregin là sinh viên kỹ thuật tại Đại học Windsor. Năm 1988, RIM trở thành nhà phát triển công nghệ dữ liệu không dây đầu tiên ở Bắc Mỹ và là công ty đầu tiên bên ngoài khu vực Scandinavia có khả năng phát triển các sản phẩm kết nối cho mạng truyền thông dữ liệu chuyển mạch gói không dây Mobitex… Năm 1995, RIM giới thiệu Trình đọc KeyKode Phim DigiSync (DigiSync Film KeyKode Reader). Năm 1991, RIM giới thiệu bộ chuyển đổi giao thức Mobitex đầu tiên. Năm 1993, RIM giới thiệu RIMGate, cổng Mobitex X.25 đa dụng đầu tiên. Năm 1994, RIM nhận được Giải thưởng Emmy về Sáng tạo Kỹ thuật và Giải thưởng Công nghệ Cao KPMG.

Năm 1996, RIM giới thiệu Interactive Pager, máy nhắn tin hai chiều đầu tiên và modem radio OEM RIM 900. Năm 1999, RIM giới thiệu máy nhắn tin BlackBerry 850. Năm 2000, họ tung ra BlackBerry 957, điện thoại thông minh BlackBerry đầu tiên – đó là thời điểm người dùng BlackBerry đạt đỉnh cao với khoảng 21 triệu người riêng tại Mỹ, hoặc 36 triệu người dùng nếu tính toàn cầu… Tháng Một 2010, chỉ có 3 triệu (7.1%) trong số 42.7 triệu điện thoại thông minh được sử dụng tại Mỹ là chạy Android, so với 18 triệu thiết bị BlackBerry (43%). Tuy nhiên, chỉ một năm sau, Android đã vượt qua mặt BlackBerry. Đến Tháng Hai 2016, chỉ có 1.59 triệu (0.8%) trong 198.9 triệu người dùng điện thoại thông minh ở Mỹ là xài BlackBerry, so với 104.82 triệu (52.7%) xài thiết bị Android…

Giá như ngay từ đầu BlackBerry hợp tác với Google (Android) thì cớ sự không đến nỗi. Nếu BlackBerry không khinh địch và xem thường đối thủ quá nguy hiểm Apple (iPhone) thì họ sẽ thấy họ chẳng có lý do gì để ngạo mạn và tự hào với “bàn phím” QWERTY cả. Tuy nhiên, chữ “nếu” chỉ không xuất hiện khi mà người ta không để sự hoang tưởng sức mạnh che kín lý trí mình. Thế giới đang thay đổi rất nhanh, nhanh đến mức nó có thể giết chết bất kỳ ai trước khi họ kịp nhận ra mình quá chậm và trước khi họ nhận thức được rằng cái bóng quá khứ của họ không phải là tiền đề cho sự phát triển tương lai.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: