Mỏi mòn chờ chip!

Minh hoạ: Adi Goldstein/Unsplash

Những công ty công nghệ lệ thuộc vào chip máy tính (chất bán dẫn) đang ở vào thời điểm khó khăn khi hàng triệu sản phẩm như xe hơi, máy giặt, điện thoại thông minh… phải ngồi chờ “bộ não” của chúng. Lý do, thế giới hiện không có đủ chip trong khi nhu cầu ngày càng tăng. Hệ quả là rất nhiều sản phẩm phổ thông không thể tung ra thị trường chỉ vì không có chip. 

Mọi người đều bị ảnh hưởng

Nhiều người hầu như không thể mua được máy chơi game PS5. Ngay cả một số công ty tưởng chừng không liên quan đến chip cũng bị ảnh hưởng. Ví dụ công ty Mỹ CSSI International sản xuất máy… chải lông cho chó! Các nhà máy lắp ráp điện thoại thông minh cũng chẳng khá hơn. 

Apple cảnh báo thiếu chip có thể ảnh hưởng đến doanh số bán iPhone mới do lượng máy xuất xưởng không đủ. Các hãng xe hơi Toyota, Ford và Volvo phải hoạt động cầm chừng, thậm chí ngừng sản xuất. Doanh số bán xe hơi cũ tăng vì nguồn cung xe hơi mới sử dụng hàng ngàn chip cá nhân giảm mạnh. 

Kris Halpin, một nhạc sĩ sống tại North Warwickshire thuộc một trong những người trải nghiệm sự bất mãn vì…chíp! Bị chứng bại não phải thuê một chiếc xe hơi thông qua chương trình hỗ trợ Motability, nay, theo quy định của chương trình, khi hợp đồng kết thúc vào Tháng Mười ông phải trả lại chiếc xe. Tuy nhiên, đại lý địa phương thông báo với ông chiếc xe ông đặt trước phải đến đầu năm sau mới giao được, thậm chí trễ hơn! Nguyên nhân cũng là do thiếu chip! 

Ngồi trên xe lăn, ông than thở: “Là người khuyết tật, tôi lệ thuộc hoàn toàn vào chiếc xe. Tôi không thể ra ngoài khu dân cư (drive) tôi sống mà không có xe hơi”. Rất may, Motability đã đồng ý gia hạn hợp đồng thuê và bảo hiểm cho chiếc xe ông đang sử dụng cho đến khi có xe mới. 

Nhưng không phải ai cũng may mắn như thế. Những con chip thực hiện nhiều nhiệm vụ khác nhau trong các sản phẩm công nghệ hiện đại nên thường có nhiều con chip trong mỗi thiết bị. Trong những tháng tới, đặc biệt là mùa Christmas, khả năng khan hiếm chip còn trầm trọng hơn. 

Piotr Esden-Tempski, nhà sáng lập kiêm Giám đốc công ty 1bitsquared trụ sở tại Mỹ chuyên về phần cứng điện tử đã đặt mua hàng ngàn bảng mạch giao diện điện tử để giúp người dùng kết nối các linh kiện khác nhau với máy tính của họ. Nhưng nhà cung cấp vừa thông báo, một số linh kiện cần gắn chip sẽ phải mất ít nhất 12 tháng mới có hàng!. “Bạn không thể ráp sản phẩm nếu thiếu một thành phần của nó” – Esden-Tempski than thở. 

Minh hoạ: Manuel/Unsplash

Vấn đề không hề mới

Thật ra, tình trạng khan hiếm chip đã có từ nhiều năm nay, và càng lúc càng tăng. Koray Köse, nhà phân tích tại công ty Gartner nhận định: “Trong những áp lực mà kỹ nghệ chip phải đối mặt trước khi xảy ra đại dịch Covid-19 là sự nổi lên của mạng 5G, một ‘thủ phạm’ chính làm tăng nhu cầu chip”. 

Thứ hai là quyết định của Mỹ ngăn chặn bán chip và chuyển giao công nghệ Mỹ cho công ty Huawei của Trung Quốc. Ngay lập tức, đơn đặt hàng từ  các công ty Trung Quốc “dội bom’ xuống các nhà sản xuất chip bên ngoài nước Mỹ. 

Một nguyên nhân ít nhận thấy hơn là sự phức tạp trong sản xuất cũng cản trở việc cung cấp nhanh chip. Ví dụ, có hai phương cách chính để sản xuất chip vào lúc này. Đó là sử dụng tấm xốp (wafer) 200mm hoặc tấm xốp 300mm (chỉ đường kính của tấm xốp hình tròn được chia thành lô nhỏ chứa chip). Tấm xốp lớn hơn sẽ đắt hơn và được dùng cho các thiết bị cao cấp hơn. 

Hiện nhu cầu chip chi phí thấp 200mm đang bùng nổ do chúng được gắn trong nhiều loại sản phẩm tiêu dùng phổ biến. Từ Tháng Hai, 2020, trang tin kỹ nghệ bán dẫn cảnh báo nguy cơ thiếu chip rẻ do thiếu dây chuyền sản xuất tấm xốp 200mm. Khi đại dịch bùng phát và xuất hiện những dấu hiệu cảnh báo về sức cầu, nhiều công ty công nghệ sản xuất các sản phẩm tiêu dùng đua nhau  tích trữ và đặt hàng trước chip, khiến các công ty khác phải vật vã mới mua được một ít. 

Những người làm việc tại nhà cần máy tính xách tay, máy tính bảng và webcam để làm việc trong khi các nhà máy sản xuất chip phải đóng cửa một thời gian vì lockdown. “Tuy nhiên, đại dịch không phải là nguyên nhân duy nhất gây ra tình trạng thiếu chip mà chỉ là giọt nước cuối cùng làm tràn ly!” – Köse nói. 

Thiên tai làm trầm trọng thêm vấn đề. Trận bão mùa Đông dữ dội ở tiểu bang Texas đã buộc các nhà máy bán dẫn ngưng hoạt động và hỏa hoạn tại một nhà máy ở Nhật Bản cũng gây ra hệ quả tương tự.

Minh hoạ: Johannes Plenio/Unsplash

Thiếu chip sẽ cón kéo dài

Vận chuyển đường biển (logistics) toàn cầu càng làm tình hình thêm phức tạp. Oliver Chapman, Giám đốc điều hành công ty OCI, một đối tác trong chuỗi cung ứng toàn cầu, nhận định: “Đã qua rồi thời kỳ phí vận chuyển không phải là mối quan tâm lớn đối với nhiều công ty công nghệ vì sản phẩm của họ tương đối nhỏ và có thể nhét vừa vặn nhiều sản phẩm bên trong một container 40ft. Nay, chi phí vận chuyển trên khắp thế giới đã tăng chóng mặt do nhu cầu tăng cao thời đại dịch. Phí vận chuyển hàng hoá đường không cũng tăng trong khi thiếu nghiêm trọng tài xế xe tải ở châu Âu”. 

“Gửi một container 40ft. duy nhất từ châu Á đến châu Âu tốn đến $17,000! – ông George Griffiths, Biên tập viên thị trường container toàn cầu tại S&P Global Platts, nói – Muốn tăng sản xuất và công suất vận chuyển phải cần có thời gian, trong khi xây dựng một nhà máy sản xuất chip mới tốn hàng tỷ đôla. Chắc chắn Giáng sinh năm nay sẽ rất khó khăn và tôi không tin chip sẽ hết khan hiếm trước Black Friday Tháng Mười Một, 2022”. 

Các gã khổng lồ công nghệ cũng nhận thức rõ điều này. Intel và IBM dự báo tình trạng thiếu chip có thể kéo dài hai năm nữa mới đi dần vào ổn định. Seda Memik, Giáo sư khoa học máy tính và điện tại Đại học Northwestern University nói: “Phải mất nhiều năm, cung mới kịp cầu!”. Theo bà, thiếu chip tại một thời điểm nào đó là “không thể tránh khỏi” vì nhu cầu cứ tăng nhanh liên tục. 

Trong khi các nhà sản xuất chip ở châu Á (Đài Loan, Trung Quốc, Hàn Quốc) đang chạy đua đáp ứng nhu cầu và sẽ vẫn là trung tâm sản xuất chip chính của thế giới trong tương lai gần thì đã có nhiều khuyến cáo “Hãy chuyển sản xuất chip sang nhiều quốc gia hơn, gồm cả phương Tây, để giảm bớt áp lực lên chuỗi cung ứng toàn cầu”. Ông Köse nhận định: “Người tiêu dùng sẽ nhận thấy sự tăng giá hoặc thiếu hụt trên diện rộng các sản phẩm công nghệ trong dịp Giáng Sinh này. Các bảng điều khiển trò chơi sẽ khó mua hơn hoặc phải chờ đợi”. 

Điều đó có nghĩa là mọi người, bao gồm cả ông Halpin, sẽ phải tiếp tục chờ đợi và thất vọng thêm nhiều tháng nữa!

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: