Một thất bại mà Apple không thố lộ

Tại Apple Worldwide Developers Conference (WWDC22) ngày 6 Tháng Sáu 2022, Apple giới thiệu con chip mới cho hệ điều hành iOS nhưng họ vẫn chật vật trong việc nghiên cứu-sản xuất chip modem (ảnh: Wu Xiaoling/Xinhua via Getty Images)

Thất bại đáng nói nhất của Apple là về một thành phần quan trọng dùng cho thế hệ iPhone mới: chip modem, bộ phận kết nối iPhone với các nhà mạng không dây. Tuy nhiên, dù thua đau nhưng Apple vẫn nén nỗi đau để tìm cách thắng trở lại.

“Nén” nỗi đau

Mục tiêu tự thiết kế chip modem của Apple là để có thể cắt đứt quan hệ với Qualcomm, nhà cung cấp chip lâu năm của công ty và cũng là kẻ thù… không đội trời chung! Các mẫu iPhone mới ra mắt vào tuần trước không có chip modem độc quyền dù Apple đã dành nhiều năm và hàng tỷ đôla với hy vọng năm 2023 các fan iPhone sẽ chứng kiến một sự đột phá ngoạn mục.

Năm 2018, giám đốc điều hành Apple Tim Cook công bố “chiến dịch thần tốc” thiết kế và xây dựng chip modem. Hàng ngàn kỹ sư được tuyển dụng dồn dập. Mục tiêu là cắt đứt sự phụ thuộc miễn cưỡng vào Qualcomm, kẻ thống trị thị trường modem nhiều năm. Theo các cựu kỹ sư quen thuộc với dự án, những trở ngại trong việc hoàn thiện chip modem phần lớn là do “sự nóng vội và quá tự tin” của Apple. Dù đã lên kế hoạch đưa chip modem “cây nhà lá vườn” vào các mẫu iPhone mới, nhưng các thử nghiệm cuối năm ngoái cho thấy con chip này quá chậm và nóng nhanh. Bảng mạch của nó lớn đến mức choán đến… nửa chiếc iPhone!

Các nhà đầu tư hy vọng Apple sẽ giảm được giá thành nhờ chip modem tự làm để bù đắp doanh thu giảm của thị trường điện thoại thông minh cao cấp. Nhưng từ hy vọng đến hiện thực vẫn còn khoảng cách. Năm ngoái, Apple vẫn phải “cống nạp” cho Qualcomm hơn $7.2 tỷ tiền mua chip. Theo nguồn tin nội bộ, các nhóm kỹ thuật làm việc với chip modem của Apple đổ lỗi cho những thách thức kỹ thuật, hợp tác kém và chia rẽ trong ban lãnh đạo về việc nên mua hay tự làm chip modem.

Chip ứng dụng công nghệ mạng của Qualcomm hiện vẫn đứng đầu thế giới (ảnh: Christoph Dernbach/dpa (Photo by Christoph Dernbach/picture alliance via Getty Images)

Tham gia dự án chế tạo chip modem của Apple là các nhóm biệt lập trên khắp Hoa Kỳ và nước ngoài. Không có người đứng đầu toàn cầu. Những kỹ sư được khuyên không nên tiết lộ những vấn đề gặp phải trong quá trình thực hiện dự án. Jaydeep Ranade, cựu giám đốc bộ phận không dây của Apple, người đã rời công ty vào năm 2018 (thời điểm mà dự án bắt đầu) cho biết: “Thật nực cười khi Apple tin rằng nếu đã chế tạo được con chip silicon tốt nhất hành tinh thì cũng có thể chế tạo được chip modem!”

Các cựu giám đốc điều hành và kỹ sư của Apple từng tham gia dự án nêu ra một số lý do dẫn đến tham vọng của Apple.

Thứ nhất, Apple tin rằng có thể lập lại thành công của chip M1, M2 mà hãng thiết kế cho iPhone và các thiết bị khác (việc sử dụng những con chip tự làm thay vì lệ thuộc vào Intel đã giúp tăng tỷ suất lợi nhuận và cải thiện hiệu suất cho hàng tỷ thiết bị).

Thứ hai, Apple muốn cắt đứt quan hệ với Qualcomm sau khi công ty bị kiện vào năm 2017 vì tính phí bản quyền bằng sáng chế quá cao (năm 2019 hai công ty đã giải quyết ổn thoả vụ kiện). Tuần trước khi hợp đồng mua chip modem với Qualcomm sắp kết thúc, Apple đã đạt được hợp đồng mới cho đến năm 2026. Apple thừa nhận ​​chưa thể sản xuất một con chip tương đương trước cuối năm 2025 nhưng tin rằng cuối cùng cũng sẽ thành công.

Công ty nhận thấy việc thiết kế một con chip (về cơ bản là một máy tính nhỏ) để chạy phần mềm không có gì khó, nhưng chip modem là chuyện khác. Chip modem truyền và nhận dữ liệu không dây phải tuân thủ các tiêu chuẩn kết nối nghiêm ngặt theo yêu cầu của các nhà mạng không dây trên toàn thế giới. Serge Willenegger, cựu giám đốc điều hành lâu năm của Qualcomm, người bỏ công ty từ năm 2018 và không biết về kế hoạch chip modem của Apple, nhận định: “Sự chậm trễ này cho thấy Apple đã không lường trước sự phức tạp của vấn đề. Mạng di động là một con quái vật không dễ chiến thắng”.

Việc Apple nỗ lực sản xuất nhiều loại chip khác nhau để sử dụng trong các sản phẩm của mình đã diễn ra từ hơn một thập niên. Năm 2010, công ty bắt đầu sử dụng chip xử lý tự sản xuất trên iPhone và iPad. Những con chip này đã giúp Apple vượt lên trước nhiều đối thủ Android vốn phụ thuộc vào chip của Qualcomm và MediaTek có trụ sở chính tại Đài Loan và các nhà sản xuất khác. Đến năm 2020, Apple bắt đầu thay thế chip của Intel (được sử dụng nhiều năm trong máy tính Mac) bằng con chip M1 độc quyền cho phép máy tính xách tay chạy nhanh hơn và toả nhiệt ít hơn.

Những cải tiến đã giúp thúc đẩy doanh số bán máy Mac (đang giảm vào thời điểm đó). Chip của Apple tiết kiệm cho công ty từ $75 đến $150 trên mỗi máy tính. Sự thành công của chip mới đã mang lại sự khen ngợi và nâng cao quyền lực cho Johny Srouji, lãnh đạo bộ phận chip của công ty. “Sau khi xuất xưởng chiếc iPhone đầu tiên, chúng tôi đã rút được chân lý: Cách thức mang lại trải nghiệm tốt nhất cho khách hàng là công ty phải làm chủ về phát triển và thiết kế chip – Srouji phát biểu tại Viện Công nghệ Technion-Israel, trường cũ của ông.

Thất bại được báo trước

Apple đặt tên mã cho dự án chip modem của mình là Sinope, theo tên nữ thần trong thần thoại Hy Lạp, người thông minh hơn cả Thần Zeus. Theo Chris Deaver, cựu giám đốc nhân sự của Apple và đồng sáng lập công ty tư vấn BraveCore, dự án bắt đầu hình thành vào năm 2018, theo chỉ thị của Tim Cook. Srouji và các cộng sự tập trung vào dự án. Khi đó, mối quan hệ của Apple với Qualcomm đã xấu đi. Hai công ty tranh cãi và cáo buộc nhau nói dối, trộm cắp và độc quyền.

Trong khi Rubén Caballero, người đứng đầu mảng không dây kỳ cựu của Apple ủng hộ quan hệ đối tác chip của Intel thì Srouji, phó chủ tịch cấp cao về công nghệ phần cứng, ủng hộ việc tự sản xuất chip. Năm 2019 Caballero rời Apple. Nhiều thành viên trong nhóm của Caballero thành thạo về thiết kế chip không dây nay dưới quyền Srouji. Những nhân viên khác tham gia vào công việc không dây bổ sung, như thiết kế ăng-ten, được tách ra thành nhóm kỹ thuật phần cứng. Nhưng một trong những người quản lý dự án hàng đầu trong nhóm của Srouji không có chuyên môn về công nghệ không dây.

Đến Tháng Ba 2019, trông cậy vào lực lượng nhân tài kỹ thuật thu hút từ Qualcomm suốt nhiều năm qua, Apple quyết định đẩy dự án chip modem lên tầm cao mới. Công ty thành lập trung tâm kỹ thuật mới ở San Diego (lãnh địa của Qualcomm) sử dụng khoảng 1,200 nhân viên địa phương. Mùa hè năm đó, Apple công bố mua lại đội không dây (Intel Wireless) của Intel và một loạt bằng sáng chế không dây.

Quầy giới thiệu chip của Qualcomm tại một hội chợ công nghệ thế giới tổ chức ở Thượng Hải (ảnh: Zhang Hengwei/China News Service via Getty Images)

Tháng Mười Hai 2019, Srouji bay tới Munich để chào đón các nhân viên Intel Wireless mới đầu quân cho Apple và tuyên bố trong một cuộc họp: “Dự án chip modem sẽ là yếu tố thay đổi cuộc chơi với Apple, bước tiếp theo trong quá trình phát triển của công ty”. Con chip này sẽ phân biệt các thiết bị của Apple với các đối thủ, giống như bộ chip M1 mà Apple đã làm. Khi Apple bổ sung các kỹ sư cũ của Qualcomm vào hàng ngũ các kỹ sư cũ của Intel, công ty mạnh dạn đặt mục tiêu: Sẽ trình làng con chip modem đầu tiên tự sản xuất vào mùa thu năm 2023.

Nhưng nhiều chuyên gia không dây của dự án lập tức cảnh báo: “Đạt được mục tiêu này là không thể. Huy động lực lượng hàng ngàn kỹ sư (một chiến lược từng thành công với chip M1) là không đủ để nhanh chóng tạo ra một con chip modem vượt trội. Chip modem khó chế tạo hơn chip M1 vì chúng phải hoạt động liền mạch cả với mạng không dây 5G và các mạng 2G, 3G, 4G được sử dụng ở các quốc gia khác nhau trên thế giới. Mỗi quốc gia đều có những đặc điểm công nghệ riêng phải đáp ứng”.

Theo các cựu kỹ sư tham gia dự án, một số giám đốc của Apple, những người không có kinh nghiệm về chip không dây, đã đặt ra các mốc thời gian quá sít sao và… phi thực tế. Xây dựng các phiên bản nguyên mẫu của chip và bảo đảm chúng sẽ hoạt động tốt với nhiều nhà mạng không dây trên toàn thế giới là một công việc đòi hỏi nhiều thời gian. Các giám đốc Apple chỉ “tỉnh ngộ” trước thách thức sau khi công ty thử nghiệm thất bại các mẫu đầu tiên vào cuối năm ngoái.

Một người theo dõi cuộc kiểm tra sản phẩm nhớ lại: “Kết quả không tốt! Về cơ bản, các con chip này chậm hơn đến ba năm so với chip modem mới nhất của Qualcomm. Đưa chúng vào thiết bị sẽ làm chậm tốc độ không dây của iPhone so với các đối thủ cạnh tranh”. Apple đành phải hủy bỏ kế hoạch sử dụng chip modem tự chế trên các mẫu máy năm 2023 và chuyển kế hoạch sang năm 2024. Cuối cùng, các giám đốc điều hành của Apple cũng nhận ra sự thật: Công ty sẽ không đạt được mục tiêu đề ra.

Thay vào đó, Apple đàm phán trở lại với Qualcomm để tiếp tục mua chip modem của đối thủ. Thỏa thuận mới cung cấp chip modem sẽ hết hạn vào Tháng Tư 2025, nhưng có thể được gia hạn thêm hai năm nữa. Theo những người tham gia dự án, Apple không thiếu tiền nên công ty vẫn sẽ kiên trì với chip modem tự sản xuất – Wall Street Journal cho biết.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: