Nguy cơ tiềm ẩn tại cửa khẩu biên giới Mỹ-Mexico

Các sĩ quan quân sự và dân sự Hoa Kỳ theo dõi màn hình TV tại Northcom’s Domestic Wing Center, khu vực chịu trách nhiệm của Northcom bao gồm Bắc Mỹ, Mexico, Canada, Bahamas, Puerto Rico và Cuba. (ảnh: Robert Nickelsberg / Getty Images)

Mỹ nhận thấy mối đe dọa an ninh quốc gia mới bên kia biên giới khi Mexico mua thiết bị quét của Trung Quốc để thay mới tại các trạm kiểm soát biên giới.

Nuctech có quan hệ với Trung Quốc?

Vì chính quyền Tổng thống Joe Biden cải tiến công nghệ an ninh tại biên giới Mỹ-Mexico trong năm nay, các quan chức Mỹ biết về mối đe dọa an ninh quốc gia mới đang phát triển ở phía bên kia biên giới khi chính phủ Mexico mua hàng trăm triệu đôla thiết bị quét (scanner) của Trung Quốc để thay mới cho các trạm kiểm soát biên giới.

Hồi Tháng Năm, Đại sứ Hoa Kỳ tại Mexico viết lá thư cho Ngoại trưởng Mexico kêu gọi quốc gia láng giềng không nên sử dụng máy quét này. Phía Mỹ lo ngại các máy quét mà Mexico mua của công ty Nuctech có trụ sở tại Bắc Kinh, sẽ cho phép Trung Quốc (TQ) thu thập nhiều thông tin có lợi về hàng hóa vào Mỹ. Lý do, công ty sản xuất thiết bị sàng lọc hành lý và hàng hóa qua biên giới này có quan hệ chặt chẽ với chính phủ TQ.

“Không có thiết bị quét nào của TQ đáp ứng các tiêu chuẩn của Hoa Kỳ về kiểm soát chất lượng,” Đại sứ Ken Salazar khẳng định với Bộ trưởng Ngoại giao Marcelo Ebrard và cảnh báo đây là thiết bị “không đáng tin cậy về tính toàn vẹn trong việc truyền dữ liệu và có thể ngăn cản cam kết chung tạo thuận lợi cho thương mại, đồng thời tạo cơ hội cho tiền chất hóa học, ma túy tổng hợp fentanyl, methamphetamine và tiền mặt, cũng như súng, bom đạn vào Mỹ”.

Trong bức thư đề ngày 2 Tháng Năm gửi cho ông Ebrard, đến nay mới được tiết lộ, Salazar viết: “Sự hợp tác song phương giữa Mỹ và Mexico có thể gặp rủi ro vì các thiết bị phát hiện không đáng tin cậy!”. Phản ứng của Mexico được xem là không thuận lợi.

Các quan chức của Mexico (không công khai danh tính) cho rằng dù nhận thức được sự không hài lòng của phía Hoa Kỳ và hiểu được điều cần thiết là sử dụng thiết bị tương thích với công nghệ Mỹ, nhưng họ vẫn tuân thủ các quy trình mua sắm của nước mình. Mexico bảo lưu quyền thảo luận về vấn đề này một cách công khai và không thể loại bỏ công ty nào đó khỏi quá trình đấu thầu dựa trên xuất xứ của nó!

Hoa Kỳ từng nhiều lần cảnh báo rằng TQ có thể sử dụng các thiết bị an ninh và viễn thông do các công ty của họ sản xuất để thu thập thông tin về Mỹ. Washington luôn kêu gọi các đồng minh không mua sản phẩm từ gã khổng lồ công nghệ Huawei cho hệ thống 5G của họ. Trong Tháng Mười, Ủy ban Truyền thông Liên bang Hoa Kỳ chính thức công bố kế hoạch cấm bán các sản phẩm của Huawei và ZTE tại Mỹ. Bộ An ninh Nội địa từng nêu rõ những lo ngại về Nuctech trong một báo cáo năm 2020: “Nuctech rất có thể có mối quan hệ chặt chẽ và lâu dài với chính phủ TQ để chiếm lợi thế cạnh tranh trong việc phát triển các hệ thống máy quét thay mặt chính phủ. Thiết bị của Nuctech có lỗ hổng an ninh để tạo điều kiện cho chính phủ TQ khai thác”.

Trong một tuyên bố không ghi ngày tháng trên trang web của mình, Nuctech tự mô tả mình là “công ty cổ phần mở, linh hoạt với nhiều người tham gia và không hề bị nhà nước kiểm soát”. Công ty nhấn mạnh: “Khách hàng của chúng tôi là chủ sở hữu duy nhất tất cả dữ liệu lưu trong máy quét Nuctech. Không có người khác xen vào. Nuctech cam kết bảo đảm 100% sự an toàn và bảo mật của khách hàng và dữ liệu của họ. Bất kỳ nhận thức nào ngược lại với tôn chỉ của chúng tôi đều không đúng và được thiết kế nhằm kìm hãm sự cạnh tranh của chúng tôi”.

Các nhân viên tuần tra biên giới và nhân viên an ninh được nhìn thấy từ phía Mexico của hàng rào biên giới vào ngày 5 Tháng Tư năm 2019 ở Mexicali, Mexico. (ảnh: Luis Boza / VIEWpress / Corbis / Getty Images)

Những lỗ tai điếc

Thương mại xuyên biên giới giữa Hoa Kỳ và Mexico vượt quá $1 tỷ mỗi ngày. Nền kinh tế Hoa Kỳ phụ thuộc vào Mexico nhiều sản phẩm sản xuất tại đất nước láng giềng, từ cà chua, bơ đến thiết bị hạ cánh máy bay, thiết bị y tế hiện đại. Bức thư của Salazar trên tờ giấy có biểu tượng Đại sứ quán Hoa Kỳ là một trong hàng triệu tài liệu nội bộ của chính phủ Mexico bị các tin tặc đột nhập lấy đi từ Bộ quốc phòng của Mexico trong tháng này.

Một tài liệu cho thấy nước này đã bắt đầu mua máy quét Nuctech trước khi Salazar gửi thư cảnh báo. Các tài liệu lộ mật được tổ chức xã hội dân sự Mexicans Against Corruption (Những người Mexico Chống Tham nhũng) chia sẻ với tờ The Washington Post và được tờ báo xác minh độc lập. Một bản ghi nhớ nội bộ từ Tháng Tư cho thấy cơ quan Hải quan Mexico vận chuyển chín máy quét Nuctech tới các sân bay, cảng biển và các trạm kiểm soát biên giới, trong đó có ba máy đến các thành phố biên giới Mỹ – Mexico: Mexicali, Sonoyta và Ciudad Juárez. Trong thư, Salazar đề cập đến các máy quét chờ lắp đặt cho phi trường Felipe Ángeles ở thủ đô Mexico, nhà máy lọc dầu Dos Bocas ở thành phố Paraiso và 11 cảng biển.

Mexico còn mua thêm máy quét cho các trạm kiểm soát dọc biên giới Mỹ-Mexico (máy quét là những khung hình chữ nhật cao chót vót được sử dụng để kiểm tra các vòm xe và thùng xem có chứa ma túy, chất nổ và hàng hóa bất hợp pháp không). Các quan chức Mỹ khẳng định Mexico mua một số thiết bị Nuctech và cho biết các hợp đồng chờ giao hàng còn lớn và đáng lo hơn nhiều.

Gần đây, khi chính phủ Mexico quan tâm đến việc lắp đặt các thiết bị quét hiện đại ở biên giới, phía Mỹ ngay lập tức đề nghị nên mua công nghệ từ một trong ba công ty Mỹ: Astrophysics, Leidos hoặc Rapiscan. Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Mexico từng mời các quan chức an ninh cấp cao của Mexico tới các trạm kiểm soát biên giới Mỹ để chứng minh tính hiệu quả của các hệ thống quét do Mỹ sản xuất. Tháng này và tháng tới cũng có một chuyến tham quan và tháng tới sẽ có thêm một chuyến thăm của hải quân Mexico.

Nhưng các quan chức Mexico vẫn nghiêng về TQ, nêu lý do, máy quét của TQ có giá cả phải chăng hơn. Phản ứng, Salazar viết trong thư: “Khi đánh giá thiết bị an ninh để mua, điều cơ bản cần xem xét ưu tiên không phải là mức giá thấp nhất”.

TQ cố gắng vun đắp mối quan hệ với các quan chức quốc phòng nhiều nước trên khắp thế giới, kể cả Mexico thông qua quan hệ ngoại giao và thương mại. Jorge Guajardo, Cựu đại sứ Mexico tại TQ  nhận định: “Trước Covid-19, TQ đã có các cuộc trao đổi quân sự với Mexico, kể cả việc mời một số quan chức cao cấp tới Bắc Kinh. Họ truyền bá chính sách một TQ và giới thiệu các nhà cung cấp máy quét với khách. Chính chi phí thấp đã giúp họ chiến thắng”. Nuctech từng do Hu Haifeng, con trai của Cựu chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào làm chủ. Chính phủ Đài Loan và Namibia phát hiện Nuctech đã hối lộ để bán được sản phẩm.

Mối lo

Tin tức về các hợp đồng trị giá vài trăm triệu đôla mua máy quét TQ của Mexico đã lan truyền trong ngành công nghiệp an ninh Hoa Kỳ từ nhiều tháng nay. Một số công ty bảo mật và máy quét của Mỹ thúc giục chính phủ tìm cách ngăn chặn các hợp đồng của Mexico với TQ, vừa để bảo toàn thị phần của họ vừa lo ngại về độ tin cậy và quyền riêng tư của các công ty. Người mua máy quét thường đòi kèm theo hợp đồng bảo trì trong khi phía bán muốn có sự cam kết quan hệ lâu dài.

Các cơ quan hải quan và an ninh của Hoa Kỳ và Mexico đã cố gắng tăng tốc thương mại, chia sẻ thông tin và phát hiện hàng cấm từ các trạm kiểm soát biên giới. Nhưng quy trình kiểm tra chung này chỉ được thực hiện tại một số địa điểm dọc biên giới, trong khi các doanh nghiệp ở cả hai nước đều muốn tiết kiệm thời gian thông quan, bằng cách trang bị các máy quét hiện đại hơn. Nhưng mong muốn đó sẽ gặp rào cản nếu Mexico chọn các công ty TQ để nâng cấp an ninh tại các cửa khẩu vì thông tin quét và kiểm tra Mexico thu thập được sẽ kín đáo chuyển trực tiếp đến các máy chủ đám mây ở Trung Quốc, trong khi luật pháp Hoa Kỳ không cho phép các cơ quan chính phủ kết nối với các hệ thống Nuctech.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: