Tiết lộ của BuzzFeed News
Những tiết lộ mới nhất đang làm gia tăng mối quan tâm về TikTok, ứng dụng truyền thông xã hội phát triển nhanh nhất thế giới. Các nhà quan sát từ lâu đã lo lắng về sự phát triển bùng nổ của TikTok và cảnh báo hàng triệu người Mỹ đang đối mặt nguy cơ bị chính phủ Trung Quốc lạm dụng dữ liệu TikTok thu thập được. Trung Quốc là nơi đặt trụ sở tập đoàn ByteDance, công ty mẹ của TikTok.
Báo cáo gần đây của trang tin công nghệ BuzzFeed News, dựa một phần vào các tài liệu rò rỉ về 80 cuộc họp nội bộ của TikTok, cho thấy cảnh báo của các nhà quan sát về “lỗ hổng dữ liệu người dùng” được TikTok chia sẻ với chính phủ Trung Quốc là có cơ sở. “Mọi thứ đều được nhìn thấy ở Trung Quốc” một nhân viên thuộc bộ phận “Trust and Safety” (Tin cậy và An toàn) của TikTok thừa nhận trong một cuộc họp kín vào Tháng Chín, 2021 (theo tiết lộ của BuzzFeed). Lời thú nhận này mâu thuẫn hoàn toàn với lời biện bạch trước đó của các giám đốc điều hành TikTok, khi họ tuyên bố “quyền truy cập của các nhân viên Trung Quốc vào dữ liệu người dùng Mỹ được giám sát chặt chẽ”.
Bây giờ, trước những “lộ mật” như thế, các giám đốc điều hành TikTok vẫn tiếp tục kêu gọi người dân Mỹ hãy “tin tưởng” họ, đồng thời khẳng định: “Những lo ngại là vô căn cứ. Chúng tôi đang cố gắng trở thành một trong những ứng dụng đáng tin cậy nhất!”. Thậm chí, Phó Chủ tịch TikTok Michael Beckerman, cho biết trong tuần này trên chương trình ‘Reliable Sources’ của CNN: “Chúng tôi chưa bao giờ chia sẻ thông tin với chính phủ Trung Quốc, và nay vẫn thế!”.
Ông ta cũng bác bỏ cáo buộc “Nhà cầm quyền Bắc Kinh có thể thoải mái thâm nhập dữ liệu người dùng của TikTok mà không cần xin phép” (Luật an ninh quốc gia của Trung Quốc cho phép chính phủ lấy bất kỳ dữ liệu nào họ muốn từ bất kỳ công ty công nghệ Trung Quốc nào mà không cần xin phép). Beckerman khẳng định: “Các dữ liệu thu thập được trên TikTok không quan trọng về an ninh quốc gia vì ứng dụng này chỉ để giải trí đơn thuần, không liên quan đến chính trị”.
Ai cũng biết rằng Bắc Kinh thu thập dữ liệu về mọi người trên khắp thế giới, bằng cách sử dụng các công ty công nghệ nội địa khác nhau làm proxy. Dữ liệu thu thập được sẽ giúp Trung Quốc vượt qua Hoa Kỳ trong các lĩnh vực quan trọng như trí tuệ nhân tạo (AI) và máy học (machine learning), đồng thời giúp Bắc Kinh hoàn thiện các công cụ kiểm soát tốt nhất cả người dân trong nước lẫn trên toàn thế giới.
Ngày 30 Tháng Sáu, trong bức thư gửi cho các nhà lập pháp Hoa Kỳ, TikTok thừa nhận “các kỹ sư và giám đốc điều hành người Trung Quốc là thành phần không thể thiếu đối với sự phát triển và hoạt động của ứng dụng”, nhưng họ vẫn khăng khăng rằng “dữ liệu người dùng Mỹ là an toàn, hoặc… sẽ sớm an toàn”. “Hiện TikTok lưu trữ tất cả dữ liệu người dùng Mỹ trên các máy chủ đám mây của Oracle bên trong Hoa Kỳ và đang thảo luận với Oracle về các biện pháp kiểm soát bảo mật dữ liệu mới nâng cao, với hy vọng sớm hoàn thiện trong tương lai gần” – bức thư viết. Công ty cho biết, các bước này nhằm đáp ứng yêu cầu của Ủy ban về Đầu tư Nước ngoài (Committee on Foreign Investment) của Hoa Kỳ, cơ quan đang xem xét các mối lo ngại về an ninh xung quanh TikTok.
Phản ứng chậm chạp của chính quyền Biden
Năm 2020, chính quyền Tổng thống Donald Trump đã cố cấm TikTok nhưng ý tưởng này đã bị các tòa án Hoa Kỳ chặn lại, dù các cơ quan an ninh quốc gia và dịch vụ quân sự của Mỹ đã cấm TikTok trên các thiết bị họ sở hữu, vì lo ngại vấn đề an ninh. Tháng Sáu, 2021, chính quyền Biden đã thu hồi hẳn lệnh cấm TikTok của Trump nhưng chỉ đạo Bộ Thương mại đánh giá rủi ro của các ứng dụng có liên quan đến các đối thủ nước ngoài. Một năm sau, vẫn chưa có thông tin rõ ràng về cách chính quyền Biden sẽ giải quyết thế nào những rủi ro đi kèm với TikTok và các ứng dụng Trung Quốc khác như WeChat.
Sự chậm chạp này khiến một số nhà làm luật phải lên tiếng. Ngày 5 Tháng Bảy, hai Thượng nghị sĩ Mark R. Warner (Dân chủ-Virginia) và Marco Rubio (Cộng hoà-Florida), Chủ tịch và Phó chủ tịch của Ủy ban Tình báo Lựa chọn của Thượng viện (Senate Select Intelligence Committee), đã yêu cầu Ủy ban Thương mại Liên bang mở một cuộc điều tra về TikTok, cáo buộc công ty đã “giải trình không đúng bản qui tắc quản trị thông thường của công ty” bằng cách nhập nhằng mối quan hệ với một công ty khác mà ByteDance sở hữu một phần.
Họ cũng bác bỏ tuyên bố của TikTok rằng “việc chuyển dữ liệu sang các máy chủ đám mây có trụ sở tại Mỹ sẽ bảo đảm an toàn cho dữ liệu”. “Thực tế cho thấy, TikTok kiểm soát tất cả quyền truy cập vào các hệ thống lưu trữ trên đám mây, nên nguy cơ truy cập vào dữ liệu người dùng Mỹ của các kỹ sư tại Trung Quốc (hoặc các dịch vụ bảo mật của Đảng Cộng sản Trung Quốc-ĐCSTQ) là rất cao, do những bất thường trong phương thức quản trị của TikTok mà BuzzFeed phát hiện” – Warner và Rubio viết.
Không chỉ có bảo mật dữ liệu
Bảo mật dữ liệu chỉ là một trong nhiều câu hỏi đặt ra cho TikTok. Một số báo cáo gần đây cáo buộc TikTok đang trở thành “thiên đường” cho bộ máy tuyên truyền ủng hộ ĐCSTQ, và thuật toán sàng lọc bí mật của TikTok đã ngăn chặn những nội dung “vi phạm chính trị” do ĐCSTQ đề ra, từ việc đề cập người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ cho đến sự kiện thảm sát Thiên An Môn.
Christopher Walker, Phó chủ tịch tổ chức National Endowment for Democracy, nhận định: “Những công nghệ xâm lấn và phổ biến như TikTok ngày càng trở thành nguy cơ tương lai của quyền tự do trên toàn cầu, vì vậy các xã hội tự do cần phải nâng cao hơn nữa những chuẩn mực và quy tắc để bảo đảm sân chơi an toàn và lành mạnh”.
The Washington Post cho biết, Quốc hội Hoa Kỳ đến nay vẫn chưa thể thông qua luật bảo vệ quyền riêng tư của người dân Mỹ và bảo vệ dữ liệu người dùng từ tất cả các công ty công nghệ, gồm cả các mạng xã hội của Mỹ như Facebook và Twitter. TikTok và các ứng dụng Trung Quốc khác là thách thức lớn hơn vì không giống các công ty công nghệ Mỹ, chúng còn phải báo cáo cho một chính phủ (tức Trung Quốc) không bị kiểm tra quyền lực và cũng không đặt ra các tiêu chuẩn giám sát hoặc bảo vệ quyền riêng tư nào cả. Chính vì thế mà người dùng Mỹ không nên tin TikTok về khả năng tự giám sát của họ.