Một kiến trúc sư đã nhờ trí khôn nhân tạo (AI) thiết kế những tòa nhà chọc trời của tương lai. Và đây là những gì AI có thể làm được.
Đột phá trong kiến trúc xanh
Kiến trúc sư Banas Bhatia có một tầm nhìn táo bạo về tương lai, khi mà các tòa nhà chọc trời được bao phủ bởi cây cối, thực vật và tảo đóng vai trò như “những tháp lọc không khí” (air purification towers) sống.
Trong một loạt các hình ảnh chi tiết, kiến trúc sư và nhà thiết kế trên máy tính có trụ sở tại thủ đô New Delhi của Ấn Độ này đưa ý tưởng vào cuộc sống. Các tòa nhà do ông mường tượng được mô tả đang vươn cao trên một đô thị tương lai, hình dạng uốn cong của chúng được lấy cảm hứng từ các hình dạng có sẵn trong tự nhiên.
Nhưng bản vẽ kiến trúc đẹp như tranh hoàn toàn không phải do Bhatia thực hiện mà thông qua dự án ý tưởng “AI x Future Cities” (AI x Các thành phố trong tương lai). Bhatia nhờ Midjourney, một công cụ hình ảnh AI, tạo ra những mô hình phức tạp dựa trên một loạt mệnh lệnh hay gợi ý bằng văn bản (text descriptions).
Sử dụng một loạt mô tả văn bản với các cụm từ như “tháp tương lai” (futuristic towers), “công nghệ không tưởng” (utopian technology), “cộng sinh” (symbiotic) và “vật liệu phát quang sinh học” (bioluminescent material) Midjourney tạo ra một loạt hình ảnh kỹ thuật số mà Bhatia chỉ cần tinh chỉnh thêm bằng cách mài giũa các mệnh lệnh. Ông cho biết có thể mất đến 20 phút để thực hiện mỗi tác phẩm nghệ thuật siêu thực (surreal artwork).
Kiến trúc sư này tinh chỉnh các mô tả của mình gần 100 lần cho mỗi dự án, chỉnh sửa và thêm vào mệnh lệnh văn bản cho đến khi đạt được kết quả mong muốn trước khi “làm sạch” hình ảnh bằng Photoshop. “Phần thử-và-sai (trial-and-error) là thú vị nhất,” Bhatia nói, “Chúng tôi sử dụng AI để tạo ra hình ảnh và trong quá trình này, AI tự đào tạo và cải thiện theo thời gian”.
Trong một dự án khác, có chủ đề “Kiến trúc cộng sinh” (Symbiotic Architecture), Bhatia tưởng tượng ra một tương lai trong đó các tòa nhà được làm từ các… vật liệu sống (living material)! Sử dụng những mệnh lệnh như “khổng lồ” và “rỗng ruột”, ông tạo ra hình ảnh về cái mà ông gọi là “tương lai không tưởng” (utopian future), trong đó các căn hộ được hình thành bên trong những cây lớn có kích thước như cây gỗ đỏ (redwood).
Bhatia nói: “Ý tưởng được lấy cảm hứng từ Hyperion, một cây gỗ đỏ cao 380 foot ở California, được cho là cây cao nhất thế giới còn sống”. Ngoài ra, ông vẫn thực hiện các công việc hàng ngày của mình tại công ty kiến trúc Ant Studio của Ấn Độ, với các dự án như trang bị cho các tòa nhà mặt tiền mới khả năng tạo sự thông gió tự nhiên và giảm tiêu thụ năng lượng.
Bhatia giải thích: “Nguồn cảm hứng (ý tưởng) về ‘làn da’ hữu cơ của tòa nhà được lấy từ thiên nhiên, còn cách thức làm mát là để các tòa tháp có thể tự điều chỉnh nhiệt độ suốt cả ngày. Nếu chúng ta có thể tạo ra các vật liệu xây dựng hữu cơ sống và phát triển tiếp tục, tòa nhà có thể tự thông gió nhờ các quá trình tự nhiên này”.
Tương lai sáng sủa
Sự phổ biến gần đây của các công cụ hình ảnh AI như DALL-E 2 của OpenAI hay Imagen của Google Research đặt ra những câu hỏi mới về tính sáng tạo và tính toàn vẹn của nghệ thuật. Tháng trước, nhà thiết kế trò chơi người Colorado, Jason M. Allen, gây tranh cãi khi giành được $300 tại một cuộc thi nghệ thuật với bức ảnh phong cách thời Phục hưng được tạo ra bằng Midjourney.
Trong khi một số nghệ sĩ và người dùng mạng xã hội bày tỏ sự không đồng tình với các phương pháp của Allen, nhà thiết kế cho biết tác phẩm mất hơn 80 giờ để tạo ra của anh đủ tiêu chuẩn như một tác phẩm nghệ thuật kỹ thuật số.
Đối với Bhatia, AI chỉ là một công cụ khác. Ông nói: “Nghệ thuật hoàn toàn cởi mở để thực hiện. Một nghệ sĩ có thể sử dụng bất kỳ loại công cụ nào có sẵn để tạo ra nghệ thuật. Bất kỳ ai cũng có thể sử dụng AI, nhưng họ sẽ không thể đạt được kết quả tốt như một người sáng tạo. Nhưng bằng cách tạo ra thứ gì đó nằm ngoài sức tưởng tượng của con người, nó có thể khơi dậy những ý tưởng mới và làm phong phú thêm quy trình thiết kế.”
Bhatia còn hình dung ra một tương lai nơi AI có thể tạo ra các thiết kế 3D và được tích hợp vào phần mềm được các kiến trúc sư sử dụng để tạo mô hình cho các sáng tạo của họ. Ông cho rằng điều này có tiềm năng to lớn. Tại studio cùa mình, ông thử sử dụng AI để tạo bảng tâm trạng cho một bài thuyết trình của khách hàng và kết quả rất tốt. Trong tương lai gần, việc các kiến trúc sư và nhà thiết kế kết hợp nhuần nhuyễn với AI là rất triển vọng.
(theo CNN)